Xét xử lại vụ 'bốc hơi' hơn 44 tỷ đồng tại Công ty tài chính cao su: Tranh luận 'nảy lửa', ngày 16/3 Tòa tuyên án

Vụ án 'Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng' xảy ra Công ty Tài chính Cao su Việt Nam kéo dài nhiều năm, phải điều tra lại nhiều lần, 5 bị cáo đều kêu oan nên sau hai ngày xét xử, TAND TPHCM đã nghị án kéo dài, dự kiến ngày 16/3 sẽ tuyên án…

Bị cáo Hoàng

Bị cáo Hoàng

“Dính chùm” vì trùm cờ bạc

Theo Cáo trạng, Trần Quốc Hoàng (SN 1978, ngụ Phường 8, Quận 4) là cán bộ tín dụng Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Cao su Việt Nam (viết tắt là Công ty Tài chính Cao su). Hoàng mê cờ bạc, mượn nhiều "sổ đỏ" của người thân, bạn bè, làm giả 21 hồ sơ thế chấp để lừa công ty.

Hoàng là cán bộ tín dụng, tự “múa” hồ sơ, định giá khống tài sản cao gấp nhiều lần thực tế rồi nhờ người bán vé số ký tá. Phòng tín dụng và lãnh đạo Công ty "duyệt" cho vay nên Hoàng dễ dàng chiếm đoạt 44,4 tỷ đồng (làm tròn số). Hoàng bị tuyên tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tuy nhiên, nhiều kế toán Công ty bị “dính chùm” do bị quy trách nhiệm liên đới.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 4/6/2015, TAND TPHCM tuyên các kế toán Đặng Thị Kim Anh, Nguyễn Thị Lệ Hằng, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Hồng Hải, Trần Thị Thu Hiền từ 4 đến 7 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng"

Tuy nhiên, ngày 12/12/2016, TAND cấp cao tại TPHCM đã tuyên hủy phần bản án sơ thẩm liên quan đến các các kế toán trên để điều tra lại. Lý do: Cấp sơ thẩm căn cứ vào Quyết định số 04/QĐ-HĐQT ngày 9/7/2004 của Công ty Tài chính cao su để buộc tội các kế toán là chưa đủ căn cứ. Quyết định số 04 về quy trình cho vay được ban hành từ năm 2004. Sau khi công ty chuyển thành Công ty Tài chính TNHH Một thành viên vào năm 2008, quyết định trên vẫn được đem ra áp dụng nhưng không được thông qua Hội đồng thành viên. Vì vậy chưa xác định được quy trình này có còn hiệu lực để áp dụng hay không.

Ngoài ra, cấp sơ thẩm không làm rõ Công ty tài chính cao su có ban hành văn bản quy định về chức năng nhiệm vụ của Phòng kế toán? Có văn bản nào quy trách nhiệm của kế toán trong việc giải ngân hợp đồng vay không? Nếu dựa vào Quyết định số 04 thì phải làm rõ kế toán phải kiểm tra vấn đề gì?... Cần điều tra lại để xử lý đúng người, đúng tội.

Ngày 30/11/2018, VKSNDTC ra cáo trạng số 153/CTr-VKSTC-V3 giữ nguyên quan điểm truy tố. Theo đó, 5 kế toán mặc dù biết 21 hồ sơ của Hoàng lập không đủ điều kiện cho vay nhưng vẫn “cố ý đề xuất, quyết định giải ngân chi tiền cho Hoàng trái quy định, để xảy ra hậu quả bị Hoàng chiếm đoạt tiền” nên phải chịu trách nhiệm.

Tranh luận về “quy trình” 4 không

Tại phiên tòa, 4 bị cáo Nguyễn Thị Lệ Hằng, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Hồng Hải, Trần Thị Thu Hiền tiếp tục kêu oan và khai không biết Quyết định số 04, Việc Cơ quan điều tra căn cứ vào Quyết định số 04, kèm theo quy trình tín dụng “4 không” (không số, không dấu, không ngày tháng, không có chữ ý) để buộc tội các kế toán là chưa đủ căn cứ, điều này từng được TAND cấp cao tại TPHCM làm rõ và tuyên hủy án. Theo các kế toán, Cáo trạng quy buộc các bị cáo “cố ý đề xuất, quyết định giải ngân” là không đúng sự thật, trách nhiệm giải ngân thuộc về thủ quỹ…

Trong khi đó, bị cáo Đặng Thị Kim Anh cho rằng Quyết định số 04 chỉ được “phổ biến chung chung” và không còn áp dụng sau ngày 11/4/2008. Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn luật sư TPHCM) đã đặt nhiều hỏi làm rõ quy trình ban hành, tính pháp lý của Quyết định số 04 nhưng vị đại diện Công ty Tài chính Cao su từ chối trả lời.

Luật sư trao đổi với các bị cáo trong phiên tòa

Theo Luật sư Đức, các bị cáo không biết Quyết định số 04 mà thực hiện theo Quyết định số 01 ngày 29/1/2007 của HĐQT Công ty Tài chính cao su (kèm theo quy chế kiểm toán nội bộ). Thế nhưng, Quyết định số 01 lại không được đưa vào hồ sơ vụ án. Theo Quyết định số 01, hồ sơ tín dụng chỉ cần 4 loại tài liệu, đây là “vấn đề sống còn” liên quan đến việc kêu oan của bị cáo.

Các luật sư đều cho rằng vấn đề mấu chốt của vụ án là Quyết định số 04 kèm quy trình tín dụng “4 không” của Công ty Tài chính cao su. Việc gọi đó là quy trình tín dụng số 04 để buộc tội các bị cáo là chưa có đủ cơ sở pháp lý. Mặt khác, đó là quy chế nội bộ, không thể lấy làm căn cứ để truy tố.

Về tố tụng, TAND TPHCM đã 02 lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Viện trưởng VKSND TPHCM lại ký văn bản “giữ nguyên Cáo trạng” của VKSNDTC. Theo luật sư Nguyễn Minh Tường, việc VKSND TP.HCM giữ nguyên cáo trạng của VKSNDTC là không đúng theo thẩm quyền vì VKSND TPHCM chỉ được VKSNDTC phân công giữ quyền công tố xét xử tại phiên tòa sơ thẩm.

Các luật sư bào chữa cho rằng có đủ căn cứ để kết luận hành vi 5 kế toán không cấu thành tội phạm. Trường hợp cần thiết, HĐXX cần trả hồ sơ để bổ sung về những lời khai, tình tiết mới về Quyết định 04, bỏ lọt Quyết định 01.

Đại diện VKSND TPHCM đề nghị tuyên phạt các bị cáo Đặng Thị Kim Anh từ 6 đến 7 năm tù, các bị cáo còn lại từ 4 đến 6 năm tù. VKS không tranh luận về tố tụng và cho rằng các vấn đề luật sư nêu ra sẽ do HĐXX xem xét, quyết định. Chiều 12/3, HĐXX tuyên bố nghị án kéo dài, dự kiến ngày 16/3 sẽ tuyên án…

Liên quan đến vụ án, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TANDTC có bản kiến nghị nhận định: Để tránh oan sai, cần phải làm rõ Quyết định số 04 của Công ty Tài chính cao su có ban hành đúng quy định theo điều lệ của công ty không? Đây là vấn đề mấu chốt, từng được cấp phúc thẩm nêu ra khi hủy án. Thế nhưng, Cơ quan điều tra chưa thực hiện đúng yêu cầu. Chỉ căn cứ vào hình thức văn bản của Quyết định số 04 đã thấy không hợp pháp về hình thức theo Luật ban hành văn bản.

An Dương

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/toa-an/xet-xu-lai-vu-boc-hoi-hon-44-ty-dong-tai-cong-ty-tai-chinh-cao-su-tranh-luan-nay-lua-ngay-163-toa-tuyen-an-39197.html