Xét xử vụ chạy thận Hòa Bình: HĐXX bất ngờ 'truy' bác sỹ Hoàng Công Tình

Ngày làm việc thứ 6, phiên tòa xét xử vụ án hình sự liên quan đến sự cố y khoa trong chạy thận tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, HĐXX tiến hành đặt câu hỏi đối với bác sỹ Hoàng Công Tình – Phụ trách Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện này.

Bác sỹ Hoàng Công Tình khai trước tòa.

Có sự buông lỏng trong quản lý?

Tại thời điểm xảy ra sự cố y khoa ngày 29/5/2017, ông Hoàng Công Tình là Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, còn ông Hoàng Đình Khiếu là Phó Giám đốc bệnh viện kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực. Trong khoa này có hai đơn nguyên là Hồi sức tích cực và Lọc máu (Thận nhân tạo).

Với chức vụ Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực, ông Hoàng Đình Khiếu khẳng định, nếu trong thời gian ông Khiếu vắng mặt sẽ bàn giao nhiệm vụ phụ trách Khoa Hồi sức tích cực cho Phó trưởng khoa Hoàng Công Tình. Ông Khiếu than vì kiêm nhiệm nên có rất nhiều việc phải làm, ông phân bổ khoảng 30-40% thời gian của ngày làm việc để điều hành công việc tại Khoa Hồi sức tích cực.

Phản bác lại lời khai trên, ông Hoàng Công Tình cho rằng trong quy chế bệnh viện không quy định chức trách, nhiệm vụ của Phó trưởng khoa.

“Theo quyết định bổ nhiệm tôi làm Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực có ghi tôi làm việc dưới sự phân công của Trưởng khoa”, ông Hoàng Công Tình nói.

Liên quan đến việc phân công nhiệm vụ tại Khoa Hồi sức tích cực (bao gồm Đơn nguyên Thận nhân tạo), ông Khiếu khẳng định có giao nhiệm vụ cho Phó khoa quản lý, chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ hằng ngày. Phó khoa là người giúp việc theo sự ủy quyền, chỉ đạo của Trưởng khoa.

Tuy nhiên, theo bác sỹ Hoàng Công Tình khẳng định, từ khi thành lập đơn nguyên Thận nhân tạo, đơn nguyên này được Ban Giám đốc bệnh viện phân công bác sỹ Tiến phụ trách, còn bác sỹ Tình chỉ được phân công phụ trách chuyên môn của đơn nguyên Hồi sức tích cực.

Khi được hỏi sau khi bác sỹ Tiến được điều chuyển công tác vào năm 2014, ai là người phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo, ông Hoàng Công Tình nói: "Tôi phụ trách đơn nguyên Hồi sức tích cực có rất nhiều việc, cán bộ của đơn nguyên Hồi sức tích cực luôn trong tình trạng quá tải. Chính vì vậy, tôi không nắm được bệnh viện giao ai phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo sau khi bác sỹ Tiến chuyển công tác".

Bác sỹ Hoàng Công Tình.

Cũng theo ông Tình, bị cáo Khiếu không có mặt hằng ngày để trực tiếp điều hành, phân công nhiệm vụ cho Khoa Hồi sức tích cực, bản thân ông chỉ chịu trách nhiệm chuyên môn tại đơn nguyên Hồi sức tích cực.

Khi HĐXX hỏi khi ông Khiếu đi vắng, công việc tại Khoa được giao cho ai, ông Tình trả lời: “Hằng ngày bác sỹ Khiếu đều xuống thực hiện giao ban tại Khoa, thời gian bác sỹ Khiếu đi vắng thì tôi không nắm được”.

HĐXX đặt vấn đề: Tại sao hai đơn nguyên này không nằm liền kề nhau, lại xảy ra tình trạng một đơn nguyên có người phụ trách, đơn nguyên còn lại không được giao cho ai phụ trách. Và tại sao hai đơn nguyên có thể tổ chức khám chữa bệnh hằng ngày? Tại sao lại có sự “trống vắng” trong việc quản lý điều hành đơn nguyên thận nhân tạo kể từ khi bác sỹ Tiến chuyển công tác năm 2014?

“Tôi nghĩ về mặt chăm sóc và điều trị bệnh nhân, Trưởng khoa đã phân công rõ cho từng cán bộ, còn về quản lý chung thì tôi nghĩ tôi không thể quản lý cả Khoa được. Theo tôi nghĩ bác sỹ Trưởng khoa sẽ là người phụ trách các hoạt động của Khoa”, ông Hoàng Công Tình nói.

Ông Tình trả lời một cách vòng vo khi cho hay, với tư cách là một Phó trưởng khoa, khi Trưởng khoa đi vắng thì ông chỉ đạo công việc hằng ngày tại Đơn nguyên Hồi sức tích cực, còn với Đơn nguyên Thận nhân tạo, các bác sỹ hoạt động độc lập với Đơn nguyên Hồi sức tích cực.

“Nếu như vậy có thể hiểu rằng ở Đơn nguyên Thận nhân tạo, các bác sỹ tự bảo ban nhau thực hiện công việc?”, HĐXX hỏi.

Ông Tình cho biết đơn nguyên chỉ là một bộ phận nhỏ, không phải là một Khoa.

HĐXX tiếp tục truy ông Tình: “Nếu khi Trưởng khoa đi vắng, làm cách nào ông nắm bắt được công việc của Khoa?”

Ông Tình trả lời do bận đi học nghiên cứu sinh (tiến sỹ) nên không thể nắm được hết, trong khi công việc ở Đơn nguyên Hồi sức tích cực lại nhiều.

Trước những câu trả lời của ông Khiếu và ông Tình, HĐXX đặt nghi vấn có sự “buông lỏng quản lý” tại Khoa Hồi sức tích cực và Đơn nguyên Thận nhân tạo.

Trước cáo buộc này, bác sỹ Tình cho rằng về mặt chuyên môn, các bác sỹ và điều dưỡng tại Đơn nguyên Thận nhân tạo đã đáp ứng được công việc (trong đó có 3 bác sỹ: Hoàng Công Lương, Nguyễn Mạnh Linh, Phạm Thị Huyền).

HĐXX cho rằng ông Tình không thể nại ra lý do vì đi học hay vì quá bận bịu để cho rằng mình không thể làm được.

“Trưởng khoa kiêm nhiệm thì cho rằng mình kiêm nhiệm nhiều việc nên không có mặt thường xuyên, chỉ dành thời gian 30-40% một ngày nên giao cho Phó khoa. Phó khoa thì cho rằng mình chỉ phụ trách Đơn nguyên Hồi sức tích cực, không biết Đơn nguyên Thận nhân tạo do ai quản lý, ai là người chịu trách nhiệm. Vậy trách nhiệm của lãnh đạo Khoa là như thế nào?” Thẩm phán – Chủ tọa Nghiêm Hoài Anh nói.

Ông Tình trả lời: “Tôi thấy mình đã làm hết khả năng. Còn sự cố ngày 29/5/2017 không liên quan đến vấn đề nhân lực hoặc chuyên môn của Đơn nguyên Thận nhân tạo. Vì tất cả các thiết bị tại đơn nguyên khi Phòng Vật tư giao cho Khoa thì không có đánh giá nào về sản phẩm”.

Nói đến đây, HĐXX đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cá nhân, tập thể Khoa Hồi sức tích cực đối với sự cố ngày 29/5/2017, ông Tình trả lời “không có lỗi gì và không có trách nhiệm gì đối với sự cố này”, kể cả bản thân ông và cán bộ của Khoa.

“Tôi thấy rằng tôi và các cán bộ của Đơn nguyên Thận nhân tạo không có trách nhiệm gì trong sự cố này”, ông Tình khẳng định lại một lần nữa. “Tôi chỉ tiếc là mình không cứu được hết các bệnh nhân xấu số”.

Hoàng Công Lương có bắt buộc phải có mặt khi bệnh nhân chạy thận?

Theo bị cáo Hoàng Đình Khiếu, nguyên tắc khi đã cử bác sỹ đi hội chẩn, đương nhiên phải báo cáo với lãnh đạo Khoa, lãnh đạo Khoa buộc phải biết. Ngày 29/5/2017 họp giao ban tại Đơn nguyên Hồi sức tích cực, "bác sỹ Lương không có mặt tại Đơn nguyên Hồi sức tích cực nên không biết bác sỹ Lương đi hội chẩn ở khoa nào”.

Thế nhưng, theo lời khai của bị cáo Lương cũng như một số điều dưỡng viên và một số bị hại ở Đơn nguyên Thận nhân tạo, buổi sáng hôm đó Hoàng Công Lương không có mặt ở Đơn nguyên Thận nhân tạo. Bị cáo Lương cho biết hôm đó “đang khám ở Đơn nguyên Hồi sức tích cực”.

Bị cáo Hoàng Công Lương.

Ông Khiếu cho rằng khi đó ông không có mặt ở đó nên không biết, nhưng về nguyên tắc khi đã giao nhiệm vụ chuyên môn ở đơn nguyên nào thì chỉ được làm việc ở đơn nguyên đó.

“Theo quy định, khi đã ra y lệnh, bác sỹ bắt buộc phải có mặt trong suốt ca chạy thận cho bệnh nhân thuộc khu vực mình đảm nhiệm trách nhiệm. Nếu không có sự phân công nhiệm vụ mà bác sỹ tự ý đi khám hoặc hội chẩn ở khoa khác mà xảy ra sự cố tại nơi mình được phân công nhiệm vụ thì bác sỹ phải chịu trách nhiệm, đây là quy chế thường trực của bệnh viện do Bộ Y tế ban hành và tất cả đều phải thực hiện”, ông Hoàng Đình Khiếu nói.

Đối với quy định trong một ca chạy thận, 1 bác sỹ và 1 điều dưỡng không được chăm sóc quá 6 bệnh nhân, ông Khiếu cho biết giáo trình hướng dẫn của Bệnh viện Bạch Mai đã quy định rõ, phù hợp với quy định bác sỹ phải có mặt trong suốt ca chạy thận.

Nói đến vai trò của Hoàng Công Lương trong sự cố, ông Hoàng Công Tình cũng khẳng định ngày hôm đó bác sỹ Lương được phân công trực buồng bệnh tại Đơn nguyên Thận nhân tạo, nhưng trong buổi sáng hôm đó bác sỹ Lương sang thăm khám cho một số bệnh nhân tại Đơn nguyên Hồi sức tích cực.

Nhưng trái với ông Khiếu, ông Tình khẳng định không có quy định nào khẳng định bác sỹ phải có mặt trong suốt ca chạy thận.

Ai quản lý hệ thống RO?

Liên quan đến hệ thống RO tại Đơn nguyên Thận nhân tạo, ông Tình cho biết bản thân ông chỉ biết đến hệ thống này sau khi xảy ra sự cố y khoa ngày 29/5/2017. Trước đó, với tư cách Phó khoa, ông cho biết trách nhiệm quản lý thiết bị thuộc về Phòng Vật tư - Thiết bị y tế.

Trong khi hồ sơ vụ án thể hiện có việc ông Tình được nhận bàn giao hệ thống RO số 1, ông Tình cho biết “không nhớ” về việc bàn giao này. Đối với hệ thống RO số 2, mặc dù bị cáo Trương Quý Dương đã nhiều lần khẳng định trước Tòa đây là thiết bị của bệnh viện, không liên quan gì đến Công ty Thiên Sơn, nhưng ông Tình lại nói: "Tôi chỉ biết có hệ thống RO, không biết là có mấy hệ thống RO. Tôi cũng không nắm được là giao cho ai".

PV

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/xet-xu-hoang-cong-luong-hdxx-bat-ngo-truy-bac-sy-hoang-cong-tinh-post288317.info