Xét xử hoa hậu Phương Nga: Nhân chứng Mai Phương ở phòng kín có hợp lý?

Trong phiên tòa xét xử hoa hậu Trương Hồ Phương Nga vào ngày 27/6, nhân chứng quan trọng nhất của vụ án bà Mai Phương hầu tòa nhưng giấu mặt, ngồi trong phòng kín.

Bà Nguyễn Mai Phương được nhắc đến trong vụ án này như một người phụ nữ “quyền lực” đứng ra dàn xếp toàn bộ sự việc hoa hậu Phương Nga bị cáo buộc lừa Cao Toàn Mỹ 16,5 tỷ đồng. Suốt ba ngày xét xử, bà Mai Phương liên tục xuất hiện trong lời khai của bị cáo Phương Nga, Thùy Dung cũng như nhân chứng, theo tin tức trên báo Pháp luật Plus.

Mọi người dự phiên tòa ngày 27/6 chỉ nghe được giọng nhân chứng Mai Phương trả lời qua loa âm thanh gắn tại phòng xử - Ảnh: Hữu Khoa/Tuổi trẻ

Tới chiều ngày 27/6, bà Nguyễn Mai Phương mới xuất hiện tại tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đồng thời cũng là nhân chứng. Tuy nhiên, bắt đầu phiên tòa, chủ tọa Vũ Thanh Lâm công bố do bà Nguyễn Mai Phương có yêu cầu được ngồi cách ly để tránh việc bị báo chí ghi hình, gây ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư.

Tòa đã chấp nhận yêu cầu này của bà Phương và cho phép bà ngồi trong phòng kín, theo dõi phiên tòa qua màn hình tivi, trả lời qua loa phát thanh. Những người dự khán chỉ nghe thấy tiếng nói của bà Nguyễn Mai Phương.

Khi tiến hành thẩm vấn người làm chứng, luật sư Nguyễn Văn Quynh (bảo vệ cho bị cáo Phương Nga) đã đề nghị hội đồng xét xử cho ông vào phòng cách ly để xác nhận với bà Phương một số tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án.

Tuy nhiên, hội đồng xét xử đã yêu cầu luật sư chuyển các chứng cứ này cho thư ký phiên tòa để thư ký chuyển vào phòng cho bà Mai Phương xem. Vì vậy, sự tương tác giữa các luật sư và người làm chứng có lúc bị gián đoạn.

Việc cho người làm chứng ngồi phòng cách ly từ đầu đến cuối không thấy mặt rất ít khi diễn ra ở tòa án. Thường thì hội đồng xét xử cho phép bị cáo, người làm chứng, người liên quan… cách ly khi thẩm vấn để xem xét độ chính xác của các lời khai, khi khai xong thì được trở về phòng xử.

Liên quan tới vấn đề này, Ông Nguyễn Sơn phó chánh án TAND tối cao nhận định trên báo Tuổi trẻ: "Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì nhân chứng có quyền yêu cầu được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Cụ thể, tại điểm a, khoản 3 điều 55 Bộ luật TTHS 2003 thì người làm chứng có quyền “yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng”.

Căn cứ vào quy định của điều luật này, Hội đồng xét xử phiên tòa đã thực hiện việc bảo vệ nhân chứng theo yêu cầu và đã cách ly nhân chứng ngồi riêng.

Luật đã quy định và HĐXX sẽ xem xét mức độ cần thiết của việc có cần ngồi riêng hay không để thực hiện việc bảo vệ nhân chứng. Điều này tùy thuộc vào sự đánh giá của HĐXX vụ án."

Trong khi đó, Luật gia Phạm Văn Chung cho rằng: "Việc tòa án cho phép nhân chứng “đặc biệt” Mai Phương được tham gia phiên tòa từ phòng riêng là không hợp lý. Bởi các lý do sau: Thứ nhất, trong trường hợp này bà Mai Phương không những là nhân chứng đơn thuần mà qua các lời khai của các bị cáo, nhân chứng khác cho thấy người này có thể có sự liên quan đến các tình tiết mới.

Thứ hai, bà Mai Phương chưa cung cấp và trong thực tế chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, người thân thích của bà Mai Phương bị đe dọa khi bà tham gia phiên tòa với vai trò nhân chứng.

Do đó, việc cho phép nhân chứng Mai Phương được tham gia phiên tòa từ phòng riêng là chưa hợp lý. Điều này có thể gây tiền lệ xấu, các nhân chứng khác sẽ tùy tiện đưa ra yêu sách, đòi hỏi vô lý mà việc đáp ứng sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng.

Ngoài ra, với việc cho bà Mai Phương được quyền ngồi phòng riêng tham dự phiên tòa sẽ tạo ra cảm giác có sự phân biệt giữa các nhân chứng khác.

Vì vậy, theo tôi, tòa án không nên tiếp tục cho phép bà Mai Phương được tham gia phiên tòa từ phòng riêng. Điều này đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân.".

Trong ngày 26/6, Lữ Minh Nghĩa - bạn trai bị cáo Dung, người làm chứng trong vụ án - đã khai với sự giúp đỡ của bà Nguyễn Mai Phương, Nghĩa đã được gặp một cán bộ công an tên N.. Thông qua vị này, Dung đã gửi từ trại giam ra cho Nghĩa hơn 10 lá thư để trao đổi về cách khai báo trong vụ án.

Đến sáng 27/6, Lữ Minh Nghĩa cung cấp cho HĐXX 5 lá thư mà Dung viết trên bao nilông và gửi ra ngoài cho Nghĩa. Bị cáo Dung cũng xác nhận đây là những lá thư bị cáo đã viết và chuyển cho bạn trai thông qua cán bộ công an.

Trân Châu (Tổng hợp theo báo Tuổi trẻ, Pháp luật Plus)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/xet-xu-hoa-hau-phuong-nga-nhan-chung-mai-phuong-o-phong-kin-co-hop-ly-d102604.html