Xét xử 6 bảo vệ Công ty Bim Kiên Giang quây đánh trọng thương người dân Phú Quốc

Do không chịu bàn giao mặt bằng cho công ty Bim Kiên Giang làm dự án, nhiều người dân ở Phú Quốc bị bảo vệ của công ty này dùng hung khí quây đánh trọng thương.

Ngày 10/9/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với Đàm Quang Nghĩa cùng đồng phạm về tội cố ý gây thương tích.

6 bị cáo gồm Đàm Quang Nghĩa (23 tuổi), Nguyễn Văn Đạt (29 tuổi), Nguyễn Văn Phong (23 tuổi), Dương Văn Tú (22 tuổi), Nguyễn Tuấn Anh (23 tuổi), Phạm Văn Trường (24 tuổi) cùng ngụ tại tỉnh Quảng Ninh, là bảo vệ Công ty Bim Kiên Giang, thuộc Tập đoàn Bim, có trụ sở chính tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

6 bị cáo là bảo vệ Công ty Bim Kiên Giang tại phiên xử phúc thẩm, Tòa án tỉnh Kiên Giang

6 bị cáo là bảo vệ Công ty Bim Kiên Giang tại phiên xử phúc thẩm, Tòa án tỉnh Kiên Giang

Theo nội dung vụ án, vào ngày 4/12/2015, ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tiến hành bàn giao diện tích đất tọa lạc tại đất Đường Bào, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc cho công ty Bim để xây dựng dự án Trung tâm thương mại, du lịch và quảng trường biển. Đến ngày 11/10/2016, công ty Bim phân công 16 người bảo vệ và 3 người lái xe cuốc chia làm ba tổ để đi san lấp mặt bằng.

Tổ 01 gồm có Đàm Quang Nghĩa, Nguyễn Văn Đat, Nguyễn Văn Phong, Dương Văn Tú, Phạm Văn Trường, Nguyễn Tuấn Anh và Bùi Văn Tấn đi trước cùng với một xe cuốc, số người còn lại đi sau. Đến khoảng 10h cùng ngày, tổ của Nghĩa đi làm nhiệm vụ đến sau nhà của Lê Hoàng Sang Em, nhà này nằm trong đất dự án của công ty Bim.

Lúc này Sang Em đang tổ chức uống rượu trong nhà cùng với Lê Văn Kiếm, Nguyễn Văn Huy và Lâm Văn Út. Khi thấy nhóm bảo vệ của Công ty Bim đến phần đất của Sang Em (đất chưa bàn giao) nên Sang Em lấy cây rựa quéo và Kiếm lấy một cây sắt đi ra ngăn cản không cho thi công. Nghĩa thấy vậy nên kêu Sang Em bỏ cây rựa xuống nhưng Sang Em không bỏ nên Nghĩa đến giật cây rựa còn Đạt đến giật lấy cây sắt của Kiếm. Kiếm và Sang Em chạy vào trong nhà còn Đạt, Nghĩa, Phong, Tú mỗi người cầm một cây tuýp sắt đuổi theo. Phong chặn ngay cửa sau, Tú và Tuấn Anh chặn ngay cửa trước còn Tấn ở ngoài không tham gia.

Nghĩa xông vào nhà dùng ống tuýp sắt đánh trúng Sang Em thì bị Sang Em lấy một cây dao yếm để dưới bếp chém trúng một cái vào đầu Nghĩa gây thương tích. Đạt đến giật lấy cây dao của Sang Em, trong lúc giành giật, Đạt bị dao cắt đứt tay. Trường đang ở ngoài lấy một cây tuýp sắt xông vào đánh trúng tay của Sang Em. Đạt cũng dung tuýp sắt đánh vào tay của Sang Em làm rớt cây dao xuống đất. Nghĩa nhặt cây dao lên chém vào đầu và tay trái Sang Em 04 nhát. Nghĩa tiếp tục dùng tuýp sắt đánh liên tiếp vào đầu của Út và Huy cho đến khi Út và Huy gục xuống nhà. Lúc này, Mai Văn Giàu là bạn với Sang Em đi chợ về, thấy Sang Em bị đánh nên định vào đánh tiếp ứng thì bị Tú và Tuấn Anh cầm ống tuýp sắt đi ra chặn lại và dùng ống tuýp sắt đánh nhiều cái vào người, vào đầu đang đội mũ bảo hiểm của Giàu gây thương tích.

Trong số 5 nông dân Phú Quốc bị bảo vệ Công ty Bim đánh, có Lê Hoàng Sang Em bị nặng nhất. Qua giám định, Sang Em bị mẻ bản ngoài xương sọ vùng trán phải và bị chấn động não, điều trị ổn định. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 31%.

Bị hại Lê Hoàng Sang Em (bên phải) và mẹ là bà Lê Ngọc Xuân tại phiên tòa

Tại phiên xử sơ thẩm tại tòa án nhân dân huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, HĐXX tuyên án Đàm Quang Nghĩa 5 năm tù nhưng do trước đó Nghĩa đánh thầy giáo Tân ở Phú Quốc và bị tuyên án 9 tháng tù, nên tổng hợp hình phạt là 5 năm 9 tháng tù. Phạm Văn Trường 5 năm tù; Nguyễn Văn Đạt 3 năm tù; Dương Văn Tú; Nguyễn Văn Phong và Nguyễn Tuấn Anh 2 năm tù.

Nạn nhân Lê Hoàng Sang Em được nhận bồi thường 480 triệu đồng, 2 nạn nhân Mai Văn Giàu và Lâm Văn Út mỗi người được bồi thường 60 triệu đồng.

HĐXX sơ thẩm nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm hại trực tiếp đến sức khỏe của người khác một cách trái pháp luật, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương và gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân.

Luật sư Trần Xuân Thành, người bảo vệ quyền và lợi ích cho Sang Em tranh luận với đại diện Viện kiểm sát về một số tình tiết chưa được làm rõ

Còn tại phiên xử phúc thẩm ngày 10/9, đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm, đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Quan điểm này của đại diện Viện kiểm sát vấp phải sự phản đối khá quyết liệt từ Luật sư Trần Xuân Thành - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại Lê Hoàng Sang Em.

Luật sư Thành cho rằng, việc điều tra vụ án chưa làm rõ nguyên nhân dẫn đến hậu quả vụ án tức chưa làm rõ đất này có phải là đất của Sang Em hay không, hay là đất sạch đã bàn giao cho công ty Bim Kiên Giang?

Bởi tài sản trên đất là ngôi nhà mà Sang Em đang ở đã bị hủy hoại vài ngày sau khi xảy ra việc va chạm với người công ty Bim Kiên Giang. Luật sư Thành nhấn mạnh, việc này có mối quan hệ mật thiết trong vụ án, cần được làm rõ. Ngoài ra, vị Luật sư cũng đề nghị làm rõ mâu thuẫn giữa hai bên ai là người đánh trước; giám định lại tâm thần cho Sang Em vì hiện nay có dấu hiệu khó ngủ, lo âu.

Do có nhiều ý kiến khác nhau từ phía Viện kiểm sát, Luật sư bào chữa cho bị cáo và Luật sư cho bị hại nên HĐXX tạm dừng xét xử để xem xét.

Báo Gia đình Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ án...

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/xet-xu-6-bao-ve-cong-ty-bim-kien-giang-quay-danh-trong-thuong-nguoi-dan-phu-quoc-d133374.html