Xét tuyển và tuyển thẳng

* Đài PT-TH Bình Định truyền hình trực tiếp chương trình lúc 14 giờ 30 phút ngày 27.2 * Số điện thoại nóng 0905.295.631 - 0905.295.632 Chương trình Tư vấn mùa thi năm 2012 do Bộ GD-ĐT và Báo Thanh Niên thực hiện đã đến với học sinh (HS) các trường THPT tỉnh Phú Yên trong thời điểm Bộ GD-ĐT công bố nhiều thay đổi về quy chế tuyển sinh.

* Đài PT-TH Bình Định truyền hình trực tiếp chương trình lúc 14 giờ 30 phút ngày 27.2
* Số điện thoại nóng 0905.295.631 - 0905.295.632

Chương trình Tư vấn mùa thi năm 2012 do Bộ GD-ĐT và Báo Thanh Niên thực hiện đã đến với học sinh (HS) các trường THPT tỉnh Phú Yên trong thời điểm Bộ GD-ĐT công bố nhiều thay đổi về quy chế tuyển sinh.

Chính vì vậy, phần lớn các câu hỏi của HS đều xoay quanh những đổi mới này.

Báo Thanh Niên cảm ơn các đơn vị đã hỗ trợ cho chương trình tại Phú Yên: Ngân hàng Công thương VN - chi nhánh Phú Yên, Công ty CP nước khoáng Quy Nhơn, VTV Phú Yên, Tỉnh đoàn, Sở GD-ĐT Phú Yên. Công ty CP vận tải và dịch vụ du lịch Phương Trang đã hỗ trợ đưa đón đoàn tư vấn đi các tỉnh.

Ai không phải thi?

Trong buổi tư vấn, nhiều HS quan tâm đến quy định về những đối tượng không phải thi tuyển ĐH-CĐ mà quy chế mới vừa được ban hành.

Chia sẻ về điều này, TS Trần Mạnh Thành - Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho biết: “Bộ GD-ĐT quy định tuyển thẳng HS đoạt giải nhất, nhì, ba kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia THPT năm 2012 vào ĐH và giải khuyến khích vào CĐ các ngành đúng hoặc ngành gần theo môn HS đoạt giải. HS không sử dụng quyền ưu tiên tuyển thẳng, nếu dự thi ĐH-CĐ đủ số môn quy định theo đề thi chung, kết quả thi đạt từ điểm sàn CĐ trở lên, không có môn nào bị điểm 0, hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định ưu tiên xét tuyển”.

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, bổ sung: “Một trong những điểm mới của quy chế năm nay là Bộ GD-ĐT quyết định bỏ chỉ tiêu đối với việc đào tạo theo địa chỉ, đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương cũng như bỏ quy định mức điểm chênh lệch ở điều 33 trong Quy chế tuyển sinh. Thay vào đó, Bộ quy định, đối với những HS là dân tộc thiểu số, HS nằm trong số 62 huyện nghèo được quy định có thể không thi ĐH, hiệu trưởng các trường ĐH-CĐ có quyền xét tuyển thẳng vào học cho những đối tượng này. Tuy vậy, các em này phải học bổ túc thêm một năm trước khi vào học”.

Một HS gọi đến đường dây nóng, băn khoăn: “Nếu em không trúng tuyển nhưng có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn, sau đó em sẽ nộp hồ sơ xét tuyển như thế nào?”. Thầy Châu Minh Quý - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing, hướng dẫn: “Nếu không trúng tuyển, các em sẽ làm hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ. Bắt đầu từ năm nay, các em sẽ được các trường ĐH-CĐ cấp 2 phiếu điểm gốc có đóng dấu của Hội đồng tuyển sinh nhà trường. Nhưng nên lưu ý, trước khi nộp cần phải xem kỹ điểm xét tuyển của ngành, trường mình chọn là bao nhiêu để lựa chọn cho chính xác”.

Phụ huynh Đinh Tấn Thiện tại TP.Tuy Hòa (Phú Yên) đặt câu hỏi cho ban tư vấn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Những quy định miễn giảm học phí

Một HS nêu thắc mắc: “Nhà em thuộc xã ven biển nên khi học phổ thông, em thuộc diện được miễn học phí. Vậy nếu em đậu ĐH có tiếp tục được miễn học phí không?”. Chính phủ có Nghị định 49/2010 quy định về việc miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho rất nhiều đối tượng. HS - sinh viên (SV) thuộc hộ nghèo cũng nằm trong diện được miễn hoặc giảm học phí. Khi trúng tuyển, SV thuộc đối tượng này vẫn phải đóng học phí, sau đó trường cấp giấy xác nhận SV với mức học phí đã đóng. SV sẽ mang giấy xác nhận này về phòng LĐ-TB-XH của địa phương để nhận lại học phí. TS Nguyễn Văn Nam - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, thông tin thêm: “Ngoài ra, SV còn có thể được các ngân hàng chính sách cho vay với mức khoảng 8-9 triệu đồng/năm. SV được vay trong thời gian học và chỉ cần trả sau khi ra trường. Bên cạnh đó, các trường cũng thường xuyên cấp học bổng cho SV có thể trang trải thêm cho việc học nếu học tốt”. TS Trần Mạnh Thành cũng bổ sung: “Một số trường còn có chính sách miễn hoặc giảm một phần học phí của riêng trường mình”.

Lưu ý khi đăng ký xét tuyển (ĐKXT)

Hồ sơ ĐKXT gồm: giấy chứng nhận kết quả thi (bản gốc hay bản sao có công chứng theo quy định của từng trường) và một phong bì đã dán sẵn tem, có ghi rõ địa chỉ, số điện thoại liên lạc của thí sinh. Thí sinh trúng tuyển nhập học phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi (nếu chưa nộp trong hồ sơ ĐKXT). Trong thời hạn quy định của các trường, thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT qua đường bưu điện chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường.

Vũ Thơ

Đăng Nguyên - Đức Huy

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/xet-tuyen-va-tuyen-thang-75863.html