Xét tuyển học bạ chưa hấp dẫn

Xét tuyển học bạ được cho là phương án tối ưu trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến học sinh phải điều chỉnh lịch học liên tục hoặc học online

Tổng kết công tác tuyển sinh năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết chỉ tiêu xét học bạ của các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) sư phạm là gần 267.000 nhưng số thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ, xét tuyển thẳng, đánh giá năng lực là 74.696. Kết quả này cho thấy phương thức xét tuyển bằng học bạ vẫn chưa hấp dẫn thí sinh.

Nhiều trường xét tuyển học bạ

Đến nay, có hơn 100 trường ĐH cả công và tư sử dụng phương thức xét tuyển học bạ THPT. Năm nay, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM tuyển 3.500 chỉ tiêu, trong đó khoảng 40% xét tuyển từ kết quả học bạ. Thông tin từ trường cho biết kết thúc đợt xét tuyển học bạ đầu tiên (từ ngày 1-3 đến 5-5), trường nhận được 7.000 hồ sơ; cuối tháng 5, trường sẽ xét tuyển đợt 2. Tỉ lệ thí sinh xác nhận trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ chỉ khoảng 32% nên trường phải gọi trúng tuyển gấp 3 lần chỉ tiêu mới có cơ hội tuyển đủ.

Trường ĐH Công nghiệp TP HCM năm nay tuyển khoảng 8.100 chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu xét học bạ khoảng 30%. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết thông báo nhận hồ sơ từ ngày 12-4 đến cuối tháng 7-2021 cho 3 phương thức là xét học bạ, xét tuyển thẳng và xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức. Hiện số hồ sơ trường nhận được khoảng 2.000 bộ.

Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, sau khi kết thúc đợt xét học bạ đầu tiên và tiếp tục nhận hồ sơ cho đợt 2, trường đã nhận được 5.000 hồ sơ. Hội đồng tuyển sinh của trường ghi nhận lượng hồ sơ xét tuyển bằng hình thức học bạ năm nay tăng vọt so với những năm trước.

Xét học bạ được cho là phương án tối ưu trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến học sinh phải điều chỉnh lịch học liên tục hoặc học online. Điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của các thí sinh nên đa số đã lựa chọn phương thức xét học bạ như "chiếc phao" cho mình.

Ở những trường ĐH khác như Trường ĐH Kinh tế Tài chính, Trường ĐH Công nghệ TP HCM…, số lượng hồ sơ xét tuyển học bạ mà thí sinh nộp vào được xác định bằng cùng kỳ năm ngoái.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ vào Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ vào Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM

Khó tuyển đủ chỉ tiêu

Hiện nay, các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức xét tuyển để tuyển sinh. Thí sinh trúng tuyển bằng bất kỳ phương thức nào cũng bình đẳng như nhau, song số trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ lại không nhiều dù chỉ tiêu khá lớn.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân cho rằng năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trường ĐH công lập công bố sử dụng phương thức xét tuyển học bạ. Do là năm đầu xét học bạ, nhiều trường xác định chỉ tiêu khá lớn mà không lường được tỉ lệ ảo khi gọi thí sinh trúng tuyển... nên tuyển không đủ chỉ tiêu. Ngoài ra, qua khảo sát những thí sinh trúng tuyển vào trường bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, rất nhiều em cho biết không nắm được thông tin xét tuyển học bạ của trường. Đối tượng này thuộc về nhóm thí sinh ở các tỉnh.

Từ thực tế tuyển sinh năm 2020 của Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu của trường, cho biết tuyển rất nhiều song trường luôn cân nhắc tỉ lệ gọi trúng tuyển. Nếu gọi trúng tuyển với tỉ lệ 300%-400% chỉ tiêu thì sợ khi các em nhập học nhiều sẽ ảnh hưởng đến số chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Còn nếu gọi 200% thì khó đủ chỉ tiêu.

Thực tế năm 2020, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM chỉ gọi 200% chỉ tiêu và kết quả là ảo nhiều, tuyển không đủ chỉ tiêu. Về nguyên tắc, khi kết quả xét học bạ vượt chỉ tiêu thì chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm. Tuy nhiên, nếu phải điều chỉnh như trên thì ảnh hưởng đến nhóm thí sinh xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT khi điểm chuẩn sẽ tăng cao. Một vấn đề mà các trường cũng phải cân nhắc khi gọi trúng tuyển qua xét học bạ là thí sinh trúng tuyển bằng phương thức này có chất lượng không đồng đều.

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên ĐHQG TP HCM, cho rằng thí sinh có xu hướng chọn nhiều phương thức xét tuyển. Tuy nhiên, khi có kết quả thi thì thí sinh có xu hướng ưu tiên chọn xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT. Lý do là xét học bạ thường được thí sinh xem là phương án dự phòng, nếu xác nhận nhập học khi trúng tuyển bằng xét học bạ thì hết cơ hội xét tuyển tiếp theo. Trong khi đó, nếu không xác nhận nhập học, thí sinh được tham gia xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT ở nhiều trường theo số nguyện vọng đã đăng ký, trong đó có cả những trường không xét học bạ.

Ngoài ra, nhiều trường ĐH cũng có xu hướng ưu tiên xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT. Bởi lẽ, thí sinh chọn phương thức này thường nghiêm túc hơn trong việc lựa chọn ngành nghề.

Hơn 3,5 triệu nguyện vọng xét tuyển ĐH-CĐ

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến ngày 11-5, đã có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký trên hệ thống của bộ với tổng cộng hơn 3,5 triệu nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ.

Số thí sinh tự do là gần 42.000 (chiếm 4,13%), số thí sinh chỉ xét tốt nghiệp THPT là hơn 222.000 (21,91%), số thí sinh chỉ xét tuyển sinh khoảng 33.700 (3,33%), số thí sinh xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh khoảng 758.800 (74,76%).

Bài và ảnh: Huy Lân

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/xet-tuyen-hoc-ba-chua-hap-dan-20210515224718508.htm