Xét tuyển bằng học bạ: Thêm cơ hội vào đại học hay gia tăng tiêu cực?

Bên cạnh hình thức sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia để xét tuyển đại học, nhiều trường đã dành chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ THPT.

Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Ngoài xét kết quả thi THPT quốc gia, năm 2018 có hơn 150 trường Đại học, Cao đẳng áp dụng phương thức xét tuyển đại học dựa vào kết quả học bạ THPT.

Đơn cử, năm 2018, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh tuyển sinh bằng hai phương thức: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2018 và xét tuyển theo kết quả học tập THPT năm lớp 12 đối với tất cả các ngành đào tạo trình độ đại học chính quy. Trong đó dành 30% chỉ tiêu để xét tuyển theo kết quả học bạ THPT lớp 12.

Đại học Văn Hiến cũng sử dụng ba cách xét tuyển học bạ THPT để thí sinh có thể lựa chọn. Cụ thể: Cách 1: Điểm trung bình cả năm lớp 12 đạt từ 6.0 điểm trở lên. Cách 2: Điểm trung bình của 3 môn xét tuyển trong 3 học kỳ (2 học kỳ lớp 11 và học kỳ I của lớp 12) + điểm ưu tiên đạt từ 18.0 điểm Cách 3: Điểm trung bình của 3 môn xét tuyển trong 2 học kỳ (lớp 12) + điểm ưu tiên đạt từ 18.0 điểm.

Thí sinh đậu đại học bằng xét học bạ hay kết quả thi THPT sẽ học cùng chương trình, các chính sách như học bổng, miễn giảm học phí, tốt nghiệp… đều giống nhau.

Đánh giá về điều này, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, việc tuyển sinh là quyền của các trường, các trường có thể tuyển sinh bằng các phương thức như thi tuyển, xét tuyển (dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc dựa vào học bạ THPT), hoặc cả thi và xét tuyển.

Tuy nhiên ông Khuyến cho rằng hiện nay chúng ta chưa kiểm soát được hết chất lượng trong giáo dục phổ thông, trong điều kiện bệnh thành tích thì điểm ở học bạ chưa chắc đã là chuẩn để đánh giá năng lực của học sinh.

Bên cạnh lấy kết quả thi THPT Quốc gia, nhiều trường còn sử dụng kết quả học bạ để để xét tuyển Đại học. Ảnh minh họa: Sơn Tùng

TS Nguyễn Hoàng Tú Anh – Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ thông tin TPHCM cũng cho rằng việc xét tuyển bằng học bạ rất khó để xác định và đánh giá những chỉ tiêu phụ để lựa chọn học sinh vào trường học.

“Điểm trong học bạ chưa đánh giá được hết chất lượng thực chất của học sinh, ví dụ như điểm thi học kì chưa thể đánh giá và phân loại được hết học sinh giỏi, khá, trung bình”.

Không phủ nhận việc hiện nay vẫn còn hạn chế trong xét tuyển học bạ, nhưng TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng quan trọng là phải nâng cao chất lượng đào tạo khi đã tuyển học sinh vào trường.

Tuyển sinh bằng hình thức nào là quyền của các trường Đại học, xét tuyển bằng học bạ sẽ tăng thêm cơ hội vào Đại học cho các học sinh.

"Chúng ta nên thay đổi cách nghĩ, không hẳn cứ điểm cao là tốt. Điểm cao nhưng chương trình đào tạo của trường lạc hậu thì cũng không đạt kết quả tốt. Có 2 điều quan trọng là cách thức tuyển sinh phù hợp với nhà trường và nhà trường phải có biện pháp nâng cao chất lượng nếu như đầu vào lấy thấp" - TS Tùng Lâm nói.

Nguyễn Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/xet-tuyen-bang-hoc-ba-them-co-hoi-vao-dai-hoc-hay-gia-tang-tieu-cuc-621536.ldo