Xét nghiệm HIV thuận tiện nhưng người dân vẫn thiếu chủ động

Mặc dù HIV có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhưng trên thực tế, tỷ lệ người dân đi xét nghiệm HIV tự nguyện còn thấp. Tại Việt Nam, nhiều người nhiễm HIV không biết tình trạng bệnh của họ. Việc chẩn đoán và điều trị muộn vẫn còn phổ biến, dẫn đến người dân và cộng đồng nhận được rất ít lợi ích từ việc điều trị.

Mới đây, sau sự việc hơn 40 người dân ở xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) dương tính với HIV, vì lo lắng nhiều người dân đã tới trung tâm y tế huyện xin được xét nghiệm HIV. Điều đó đã cho thấy sự thiếu chủ động trong việc khám bệnh của người dân.

Trong khi ngày nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và mạng lưới các cơ sở y tế rộng khắp, việc xét nghiệm sàng lọc HIV vốn được thực hiện đơn giản, nhanh chóng và thuận tiện. Theo đó, mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng đã được đưa vào Kế hoạch Hành động giai đoạn 2016-2020 của Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

Theo các chuyên gia, nhiễm HIV/AIDS đồng nghĩa với nhận bản án tử hình vốn là quan niệm vẫn còn đeo đẳng và ám ảnh mọi người. Chính vì sự khắc nghiệt này mà quy trình chẩn đoán đòi hỏi tính chính xác rất cao. Chẩn đoán một người nhiễm HIV không được dựa vào các biểu hiện hay triệu chứng mà phải dựa trên kết quả xét nghiệm.

Hiện nay, ước tính cả nước có khoảng hơn 1.000 cơ sở y tế có khả năng xét nghiệm sàng lọc HIV. Ngoài các cơ sở y tế, xét nghiệm HIV tại cộng đồng thông qua các cán bộ y tế thực hiện lưu động hoặc nhân viên xét nghiệm không chuyên (những người không được đào tạo chuyên ngành y tế, các nhóm đồng đẳng) họ được hướng dẫn, tập huấn và thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV.

 Chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân (Ảnh: Dương Ngọc)

Chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân (Ảnh: Dương Ngọc)

Nhưng từ khi mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng được triển khai thực hiện, nhiều người dân cho biết họ vui mừng vì xét nghiệm HIV đã được thuận tiện, nhanh chóng, giảm thời gian, chi phí lên các tuyến cơ sở y tế trung tâm xa xôi. Tuy nhiên, cũng không ít người còn tâm lý e ngại chưa sẵn sàng tham gia bởi họ băn khoăn về độ chính xác cũng như tính bảo mật thông tin của các xét nghiệm tại cộng đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung - Cố vấn Mạng lưới Cộng đồng & Điều phối Dự án QTC Phòng, chống HIV (Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng), triển khai xét nghiệm HIV ở các cấp xã phường sẽ giảm tải cho các cơ sở xét nghiệm ở cấp quận/huyện hoặc các cấp khác, người bệnh dễ tiếp cận vì được xét nghiệm tại địa phương nơi họ sinh sống. Cách làm này sẽ triệt để hơn nếu tất cả các cán bộ y tế đều được tập huấn bài bản và đầy đủ về kỹ năng làm việc với người sống chung với HIV, hoặc các nhóm cộng đồng có nguy cơ cao, để có thái độ thân thiện với bệnh nhân, tránh thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử.

“Trên thực tế, người có HIV vẫn bị kì thị và phân biệt đối xử. Do đó, thực tế rất ít bệnh nhân làm xét nghiệm và điều trị tại địa phương, mà thường đến các địa bàn khác do lo ngại vấn đề về lộ thông tin cá nhân. Vì thế, mục đích của việc đưa xét nghiệm HIV về địa phương có thể tốt về mặt địa lý, nhưng về các vấn đề xã hội, lại gặp nhiều trở ngại. Nếu không bảo mật thông tin bệnh nhân, thì cách làm này có thể sẽ rất lãng phí và không phù hợp. Còn về tính chính xác, nếu các cán bộ y tế được tập huấn đúng và sử dụng đúng mẫu sinh phẩm thì độ chính xác là rất cao”, bà Dung nhấn mạnh.

Mặt khác, người Việt vốn chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ, nhất là khi còn “cảm thấy khỏe”. Trong khi đó, HIV dễ dàng lây truyền khi có sự tiếp xúc trực tiếp giữa máu hoặc dịch sinh học, do vậy không chỉ lây truyền từ mẹ sang con, tình dục, kim tiêm không an toàn thậm chí quá trình cứu người bị tai nạn hay trong một lần làm móng ở tiệm, làm các dịch vụ thẩm mỹ,.... nếu gây chảy máu thì hoàn toàn có thể là những nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Bởi vậy, một xét nghiệm HIV hiện mất phí không quá cao là việc mỗi cá nhân nên chủ động thực hiện cho bản thân và những người thân của mình.

Nguyễn Hoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/xet-nghiem-hiv-thuan-tien-nhung-nguoi-dan-van-thieu-chu-dong-79396.html