Xét nghiệm đồng thời kháng nguyên và kháng thể để tìm nguồn lây

Bộ Y tế đã có những thay đổi trong chiến lược xét nghiệm, sử dụng nhiều loại sinh phẩm và nhiều cách thức tiếp cận.

Thông tin tại cuộc họp với các lãnh đạo lãnh đạo các vụ, cục của Bộ Y tế để rà soát công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa cho biết: Bộ Y tế cũng đã có những thay đổi trong chiến lược xét nghiệm, sử dụng nhiều loại sinh phẩm và nhiều cách thức tiếp cận, như sử dụng phương thức xét nghiệm kháng nguyên nhanh trong sàng lọc, sử dụng gộp mẫu ở mức độ nhiều mẫu, sử dụng phương thức xét nghiệm kháng thể… để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Ảnh: TTXVN

Lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Ảnh: TTXVN

Đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo việc rà soát lại tất cả những người đã nhập cảnh trong thời gian qua, những người hoạt động trong lĩnh vực vui chơi, giải trí, xét nghiệm cả kháng nguyên và kháng thể ở những người này để đánh giá và tìm kiếm nguồn lây.

Theo đó, Bộ Y tế thay đổi phương thức và tăng cường xét nghiệm sàng lọc COVID-19, áp dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh; cho phép các cơ sở, đặc biệt những khu công nghiệp, nhà máy, dịch vụ lưu trú, khu vực tập trung đông người... xét nghiệm một cách thường xuyên. Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh thường xuyên.

Bộ Y tế cùng các lực lượng chức năng tổ chức tổng rà soát những người nhập cảnh, người tới các cơ sở vui chơi giải trí trong 1 tháng qua bằng 2 phương thức xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể.

Bên cạnh đó, người nhập cảnh trong các khu cách ly sẽ được xét nghiệm cả kháng nguyên và kháng thể; dùng kháng nguyên nhanh để sàng lọc ngay ban đầu, từ đó, đưa ra các phương thức khác nhau để ứng phó. Các bệnh viện có trên 300 giường bệnh trở lên phải có một phòng xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR…

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải nâng công suất xét nghiệm và cho biết, bộ sẽ tiếp tục tập huấn về công tác xét nghiệm để nâng cao năng lực xét nghiệm trên toàn tuyến.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong thời gian rất ngắn Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nâng công suất xét nghiệm, chỉ tính riêng trong đợt dịch từ ngày 27/4 đến ngày 12/5 đã thực hiện 306.138 mẫu xét nghiệm, trong đó ghi nhận 643 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Theo các chuyên gia y tế, để xét nghiệm SARS-CoV-2, có 2 loại thường dùng nhất là xét nghiệm tìm kháng nguyên virus và xét nghiệm tìm kháng thể của cơ thể chống lại virus đó. Xét nghiệm tìm kháng nguyên và xét nghiệm tìm kháng thể là tìm sự hiện diện của hai thứ mà hệ miễn dịch phản ứng và đối phó khi bị nhiễm SARS-CoV-2.

Real-time PCR là xét nghiệm tìm kháng nguyên, phát hiện được virus từ ngày đầu tiên của triệu chứng và nhạy nhất trong vòng tuần đầu tiên sau khi có triệu chứng. RT-PCR hiện tại là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán một người đang nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Tuy nhiên, xét nghiệm RT-PCR cho kết quả chậm, cần 4-6 giờ để cho ra kết quả trong phòng thí nghiệm .

Xét nghiệm tìm kháng thể là tìm virus gián tiếp thông qua xác định kháng thể trong máu. Test nhanh là xét nghiệm tìm kháng thể kháng virus trong máu hay còn gọi làm xét nghiệm nhanh, cho phép xác định việc bệnh nhân đang nhiễm hoặc trước đó phơi nhiễm với SARS-CoV-2 hay không.

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tính đến ngày 7/5 đã có 125 đơn vị được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định COVID-19.

TTXVN/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/dich-benh/xet-nghiem-dong-thoi-khang-nguyen-va-khang-the-de-tim-nguon-lay-20210513094948560.htm