Xét lại lịch sử:Cơn đau đầu của hai vị Tổng thống Nga-Mỹ

Tổng thống Mỹ chiến đấu lại tư tưởng xét lại lịch sử độc lập nước Mỹ, ông Putin phản đối viết lại Lịch sử Thế chiến, cướp công Hồng quân Liên Xô.

Phát biểu hôm 17/9 nhân Ngày Hiến pháp - ngày kỷ niệm văn kiện thành lập Mỹ được ký vào năm 1787 - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tố cáo "những kẻ cấp tiến" đang tìm cách “phá bỏ tài sản thừa kế quý giá và quý giá này”, đặc biệt là lý thuyết chủng tộc phê phán và xét lại lịch sử như "Dự án năm 1619" của Thời báo New York và "Lịch sử Nhân dân Mỹ" của Howard Zinn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Trump cho rằng, tình trạng bạo loạn hiện nay ở nước Mỹ bắt đầu vào cuối tháng 5 và lan rộng khắp đất nước vì phân biệt người da màu cũng như sự hỗn loạn của phe cánh tả là kết quả của những lý thuyết này được đưa vào trong trường học, giáo dục thế hệ trẻ của Mỹ.

"Bạo loạn và tình trạng hỗn loạn của phe cánh tả là kết quả trực tiếp của nhiều thập kỷ truyền bá giáo lý của phe cánh tả trong các trường học của chúng ta” - ông Trump nói.

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh các lý thuyết nói trên là "sự tuyên truyền độc hại", "một chất độc ý thức hệ" và cần được loại bỏ càng sớm càng tốt.

Ông Trump gọi Mỹ là “quốc gia công bằng, bình đẳng và thịnh vượng nhất trong lịch sử nhân loại” và sẽ “lấy lại lịch sử của chúng ta, đất nước của chúng ta cho những công dân thuộc mọi chủng tộc, màu da, tôn giáo và tín ngưỡng”.

Để hiện thực tư tưởng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố thành lập một Ủy ban dưới quyền Tổng thống về giáo dục lòng yêu nước mang tên "Ủy ban 1776". Năm 1776, sau 13 năm thuộc địa, Mỹ đã tuyên bố độc lập khỏi Anh.

Theo Forbes, Dự án 1619 là tập hợp các bài báo của New York Times đoạt giải báo chí Pulitzer, trong đó tranh luận rằng 1619 – năm con tàu chở nô lệ đầu tiên đến các thuộc địa Mỹ – mới thực sự là năm thành lập nước Mỹ, chứ không phải năm 1776.

Tóm tắt lại, đất nước này đã được thành lập dựa trên lý tưởng về chế độ nô lệ, không phải dựa trên tự do.

Giám đốc Dự án 1619 Nikole Hannah-Jones viết trong lời giới thiệu về bài luận của bà: “Những ý tưởng về nền dân chủ của chúng ta là sai khi chúng được viết ra. Người Mỹ da đen đã đấu tranh để làm cho chúng thành sự thật”.

Thông qua quan hệ đối tác với Trung tâm Pulitzer, Dự án của bà Hannah-Jones đã được phân phối tới hàng nghìn lớp học ở Mỹ.

Tuy nhiên, bài luận của bà đã phải sửa nhiều lần vì nó đề cập đến các phần không chính xác rằng cuộc cách mạng của Mỹ, được chiến đấu để bảo tồn chế độ nô lệ.

Tổng thống Trump đã từng gay gắt lên án Dự án 1619 trước đây. Ông từng tuyên bố trên Twitter: “California đã đưa dự án 1619 vào các trường học công. Sớm thôi các bạn sẽ không còn nhận ra nước Mỹ...Bộ Giáo dục đang tìm hiểu việc này. Nếu đúng vậy, họ [các trường học - ND] sẽ không được cấp tiền”.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Arkansas Tom Cotton có bình luận gay gắt hơn.

“Dự án 1619 là báo cáo chia rẽ chủng tộc, xét lại về lịch sử, trong đó phủ nhận những quy tắc đáng trân quý về tự do và bình đẳng mà đất nước ta dựa vào đó mà được lập nên. Không một xu nào của ngân sách liên bang nên rót vào việc tuyên truyền cho người trẻ Mỹ thứ rác rưởi cách tả này” - ông Tom Cotton nói.

Nội dung này trở thành câu chuyện nóng trở lại trong bối cảnh nước Mỹ đối mặt với bạo loạn, biểu tình phản đối các vụ cảnh sát Mỹ phản ứng thái quá với người da màu.

Mỹ- Nga cùng đối mặt với chủ nghĩa xét lại

Dường như không chỉ người Mỹ mà người Nga cũng đang đối mặt với chủ nghĩa xét lại nhưng lại là ở nước ngoài nhằm vào thế hệ trẻ của người Nga.

Từ năm ngoái Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố về tư tưởng xét lại lịch sử Thế chiến thứ 2 của phương Tây, gây tổn hại đến giá trị lịch sử và hình ảnh của Liên Xô và những người lính Hồng quân Xô Viết. Điều này được thể hiện rõ bởi các phản ứng từ châu Âu cho thấy họ coi Liên Xô và Đức Quốc xã có vai trò ngang nhau trong việc khởi động Thế chiến thứ 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng đội mưa tưởng niệm trước mộ các chiến sĩ vô danh trong cuộc Thế chiến 2.

Trong Thông điệp liên bang năm 2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã một lần nữa nhắc lại vai trò to lớn của Liên Xô trong cuộc chiến tranh chống lại chủ nghĩa phát-xít. Năm 2020 là năm kỷ niệm lần thứ 75 Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, cuộc chiến tranh đã lấy đi xương máu của những người dân Liên Xô, ngăn chặn cuộc thôn tính châu Âu tàn độc của Đức Quốc xã.

Việc ông Putin đã đề cập đến "những lời nói dối" về sự kiện lịch sử vĩ đại là bởi thực tế đang xuất hiện những quan điểm trái ngược từ phương Tây trong việc xét lại lịch sử nhằm đổ lỗi cho Nga đã gây nến Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tuyên truyền cho dư luận xã hội hôm nay về xét lại lịch sử thế giới cũng đồng nghĩa với việc xây dựng nên một thế hệ tương lai mù mờ về lịch sử.

"Ngày 9/5 ở Nga là ngày lễ lớn nhất và bất khả xâm phạm. Chúng tôi tự hào về thế hệ của những người chiến thắng và chúng tôi nhớ về chủ nghĩa anh hùng của họ. Đó là biểu hiện tôn trọng quá khứ anh hùng. Nó phục vụ cho tương lai của chúng ta, truyền cảm hứng cho chúng ta và củng cố sự đoàn kết của chúng ta. Chúng ta có nghĩa vụ phải bảo vệ sự thật về Chiến thắng.

Nếu không, chúng ta có thể nói gì với con cái mình khi những lời nói dối trên khắp thế giới đang lan truyền như một bệnh dịch? " - Tổng thống Putin nhấn mạnh.

Trước các vấn đề về xét lại lịch sử, Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ đều cùng nhìn nhận rằng, cần đào tạo giới trẻ, chú trọng vào giáo dục lòng yêu nước, trân trọng lịch sử và bảo tồn giá trị của công cuộc chiến đấu xây dựng đất nước ở mỗi quốc gia.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/xet-lai-lich-sucon-dau-dau-cua-hai-vi-tong-thong-nga-my-3419177/