'Xếp hạng tín nhiệm quốc tế sẽ giúp giải phóng tiềm năng thị trường trái phiếu doanh nghiệp'

Đây là khuyến nghị và nhận định của ADB, trước một thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhiều tiềm năng nhưng cũng nhiều vấn đề của Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa xuất bản báo cáo "Tiềm năng đầu tư nước ngoài vào cơ quan xếp hạng tín dụng trong nước tại Việt Nam”.

Báo cáo này nhìn lại, sau nhiều năm tăng trưởng chậm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã khởi sắc. Từ năm 2012 đến năm 2019, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 40%; lượng trái phiếu đang lưu hành lên tới khoảng 11,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam - cao thứ tư trong ASEAN.

ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng được 1,8% trong năm 2020 và 6,3% trong năm 2021. Dù rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế này thấp hơn so với những năm trở lại đây, tuy nhiên, triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn được coi là “sáng” bởi xét đến bối cảnh nhiều nền kinh tế đang suy thoái do những tác động từ đại dịch Covid-19.

Các quy định trong ngành ngân hàng cũng đang hỗ trợ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hạn chế tăng trưởng tín dụng các ngân hàng.

Năm 2019, 18 ngân hàng lớn nhất Việt Nam chính thức điều chỉnh để tuân thủ đúng Basel II, chính vì vậy nguồn vốn dành cho tín dụng của nhóm các ngân hàng này cũng sụt giảm. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng hạn chế dùng vốn vay ngắn hạn để cho vay dài hạn, trái phiếu vì vậy trở thành một kênh thay thế hấp dẫn.

Tuy nhiên sự phát triển của thị trường trái phiếu cũng tiềm ẩn rủi ro, chủ yếu bởi có rất ít doanh nghiệp phát hành trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm công khai.

Tất nhiên, không nhà đầu tư nào nên đưa ra quyết định của họ chỉ theo khuyến nghị của tổ chức xếp hạng tín nhiệm, tuy nhiên nhận xét của tổ chức này có thể giúp củng cố thêm trật tự của thị trường bằng cách định hướng nhà đầu tư không nên tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá và phía bên phát hành trái phiếu đưa ra các trái phiếu có ràng buộc lỏng lẻo.

Hơn thế nữa, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm sẽ có thể giúp bên phát hành có được điều khoản có lợi hơn trong đó có bao gồm thời hạn dài hơn và chênh lệch tín dụng thấp hơn. Như vậy, chi phí vốn của bên vay giảm và giúp cho kinh tế tăng trưởng.

Việc xếp hạng tín nhiệm khá hiếm bởi Việt Nam hiện vẫn thiếu cơ quan xếp hạng tín nhiệm nội địa. Đã có 2 cơ quan được cấp phép nhưng đều mới thành lập. Trong khi đó, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Phil Ratings được thành lập tại Philippines vào năm 1985, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Malaysia được thành lập năm 1990, còn cơ quan xếp hạng tín nhiệm Pefindo của Indonesia ra đời năm 1995...

Tại khắp các nước châu Á, các đơn vị xếp hạng tín nhiệm đã thiết lập quan hệ đối tác với các cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu để có được uy tín. Theo ADB, Việt Nam cần đi theo mô hình đó.

Các cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu cần phải ưu tiên cho ba yếu tố. Thứ nhất đó là sự độc lập về phân tích, điều mà Việt Nam đang có. Các thành viên thị trường đều hiểu rằng sự độc lập vô cùng quan trọng với uy tín của một tổ chức xếp hạng tín nhiệm.

Thứ hai là sự hỗ trợ của các bên liên quan, điều này Việt Nam có đủ. Năm 2014, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 88/2014/NĐ-CP, điều này giúp tạo cơ sở pháp lý để cấp phép cho các tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Chính phủ còn hỗ trợ tổ chức rất nhiều sự kiện để tuyên truyền, phổ biến cho thị trường về giá trị của việc xếp hạng. Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), hiệp hội ngành nghề hàng đầu, cũng nhận được sự hỗ trợ.

Cuối cùng là yếu tố nhu cầu, hiện vẫn đang là một thách thức.

Theo một nghiên cứu mới đây của ADB, ước tính cần phải xếp hạng khoảng 1/3 số trái phiếu phát hành mới tạo ra doanh thu đủ để duy trì một cơ quan xếp hạng trong nước. Nhu cầu xếp hạng trái phiếu đơn giản sẽ không tự nhiên nảy sinh, chính vì vậy Chính phủ Việt Nam sẽ cần cân nhắc đến 5 sáng kiến nhằm hỗ trợ sự tăng trưởng của thị trường.

Theo ngân hàng ADB, Việt Nam cần phải phổ biến kiến thức cho thị trường. Việt Nam sẽ không chấp nhận các bên phát hành chưa được xếp hạng khi họ hiểu được lợi ích của việc được xếp hạng xét đến quy mô phát hành lớn hơn, giá thấp hơn và thời hạn dài hơn. Ngoài ra còn phải kể đến lợi ích tiềm năng từ minh bạch cao hơn, chuẩn đối sánh và giao dịch thứ cấp.

Thứ hai, xét đến nhóm doanh nghiệp nhà nước (SOEs). Để thay đổi văn hóa tín nhiệm, thị trường cần nêu gương được ví dụ của những công ty đã hưởng lợi từ việc đảm bảo xếp hạng tín nhiệm. Doanh nghiệp nhà nước cần đi đầu trong nỗ lực này. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của Chính phủ trong việc các doanh nghiệp nhà nước huy động vốn vay nhiều hơn dựa trên bảng cân đối tài chính của mình, đa dạng nguồn vốn của các doanh nghiệp nhà nước chứ không chỉ phụ thuộc vào ngân hàng, đồng thời tạo thuận lợi cho việc phát hành đối chuẩn, từ đó giúp xây dựng đường cong tín nhiệm và văn hóa tín nhiệm.

Thứ ba, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (VSS) cũng cần phải có vai trò của mình. Tại nhiều nước, các quỹ hưu trí thuộc nhóm mua gom lớn nhất trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, quỹ hưu trí của nhà nước chỉ có thể mua trái phiếu doanh nghiệp do ngân hàng phát hành. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần phải mở rộng việc mua trái phiếu sang nhóm các doanh nghiệp ngoài ngân hàng nhằm tăng hiệu quả tài chính và đa dạng danh mục đầu tư. Nếu Bảo hiểm Xã hội Việt Nam yêu cầu trái phiếu doanh nghiệp cần phải được xếp hạng, nhu cầu xếp hạng sẽ tăng lên và bản thân Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng quản lý tốt rủi ro của những tài sản này.

Tiếp theo, cần đến việc yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc. Năm 2019, Việt Nam thông qua luật chứng khoán mới, theo đó, một số loại trái phiếu bắt buộc phải được xếp hạng trước khi phát hành ra công chúng, tuy nhiên sau đó một dự thảo vào tháng 6/2020 lại cho rằng nhiều loại trái phiếu có thể được miễn trừ.

Việt Nam nên yêu cầu bắt buộc xếp hạng trái phiếu. Chính phủ nhiều nền kinh tế trong khu vực cũng đã từng yêu cầu điều này. Doanh nghiệp nên coi nó như một chi phí bắt buộc trong phát hành trái phiếu và chi phí đó phục vụ cho chính lợi ích của doanh nghiệp. Họ xây dựng văn hóa tín nhiệm và là công cụ bắt buộc để kiểm soát tính lành mạnh của thị trường.

Cuối cùng, việc phát hành ra công chúng cũng cần phải được cân nhắc. Trong năm 2018 và năm 2019, phát hành riêng lẻ chiếm 94% lượng trái phiếu phát hành. Để tránh gia tăng tình trạng bất thường này, bất kỳ bước đi nào hướng tới việc xếp hạng bắt buộc trái phiếu phát hành ra công chúng cũng cần phải được kết hợp với hợp lý hóa hoạt động chào bán ra công chúng và thắt chặt các quy định về phát hành riêng lẻ.

Một cơ quan xếp hạng tín nhiệm đáng tin cậy là yếu tố còn thiếu trong thị trường trái phiếu Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trường bùng nổ. Việc hợp tác với cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu sẽ giúp giải phóng cho tiềm năng của thị trường, thế nhưng các tổ chức toàn cầu cũng cần chắc chắn rằng Việt Nam thực sự có nhu cầu cần được xếp hạng.

Chính phủ có thể đặt nền móng thông qua các biện pháp cải cách thúc đẩy nhu cầu xếp hạng tín nhiệm và khuyến khích sự phát triển thận trọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

NGỌC DIỆP

Nguồn BizLIVE: http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/chung-khoan/xep-hang-tin-nhiem-quoc-te-se-giup-giai-phong-tiem-nang-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-3553619.html