Xếp hạng tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp I, II, III, giáo viên có cần chứng chỉ?

Giữa thực hiện nghiêm túc và gương mẫu thực hiện, tấm gương mẫu mực, rất mong manh, khó có thể phân định đạo đức nghề nghiệp của một con người.

Sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Mang đạo đức nghề nghiệp nhà giáo ra xếp hạng, có thầy cô cảm thấy bị tổn thương” của tác giả Lê Mai, bài viết đã nhận được sự quan tâm, bình luận, đồng cảm của bạn đọc.

Rất nhiều bình luận của bạn đọc, có một điểm chung trong những bình luận này là mong muốn tất cả giáo viên phải tuân thủ cùng chuẩn mực đạo đức nói chung và đạo đức nghề nghiệp nói riêng.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Bên cạnh đó là sự chia sẻ, đồng cảm với những giáo viên đang bị tổn thương vì chưa đạt tiêu chuẩn đào tạo, không được xếp hạng trong các thông tư mới và giáo viên hạng thấp nhất.

Thông tư mới đã hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp nhà giáo?

Thầy giáo H. (đề nghị không nêu tên) ở Vũng Tàu chia sẻ “Có phải đạo đức giáo viên đi xuống hay sao mà các Thông tư 01,02,03,04/TT-BGDĐT đã hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp giáo viên?

Có thể ngày nay do thông tin nhanh, nên những vi phạm đạo đức của giáo viên sẽ được dư luận cập nhật hàng ngày, hàng giờ, nên chúng ta có cảm giác đạo đức thầy cô đang đi xuống.

Dù thế nào đi chăng nữa, giáo viên phải là đối tượng lan tỏa sự tử tế, làm chuẩn mực đạo đức, làm đẹp xã hội. Không thể vì những "con sâu làm rầu nồi canh" mà hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp giáo viên được”.

Thầy giáo H. lấy minh chứng cụ thể như sau:

“Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp Giáo viên trung học cơ sở hạng III trong Thông tư 03/TT-BGDĐT:

a) Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục trung học cơ sở;

b) Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh;

c) Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp;

d) Thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo; quy định về hành vi, ứng xử và trang phục.

Trong lúc đó, cách đây 12 năm Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo đã quy định đạo đức nghề nghiệp của giáo viên như sau:

Điều 4. Đạo đức nghề nghiệp

1. Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hòa nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng.

2. Tận tụy với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, nhà trường, của ngành.

3. Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí.

3. Thực hiện phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm túc; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.

Nếu so sánh nội dung của hai quy định trên, đạo đức nghề nghiệp giáo viên cách đây 12 năm rõ ràng hơn hẳn đạo đức nghề nghiệp giáo viên hạng III trong Thông tư 03/TT-BGDĐT.”

Lấy công cụ, tiêu chí nào để đánh giá, minh chứng đạo đức nghề nghiệp giáo viên?

Nhà giáo được phép có “đạo đức nghề nghiệp” khác nhau, chuyện gì vậy?

Giữa thực hiện nghiêm túc và gương mẫu thực hiện, tấm gương mẫu mực, rất mong manh, khó có thể phân định đạo đức nghề nghiệp của một con người.

Một người đã thực hiện nghiêm túc nội quy quy định của ngành và nhà trường, hoàn thành tốt công việc giảng dạy, tự thân nó là gương mẫu thực hiện, tấm gương mẫu mực cho người khác.

Người đã thực hiện nghiêm túc, tự giác, không ai nhắc nhở, không khoe khoang khoác lác, hữu xạ tự nhiên hương.

Vì thế, không thể dựa trên hạng giáo viên hay các loại văn bằng chứng chỉ để đánh giá đạo đức nghề nghiệp của một giáo viên và ngược lại.

Vì vậy, phần lớn bạn đọc đều đồng ý với đề xuất, đề nghị bỏ Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ra khỏi tiêu chuẩn phân hạng giáo viên.

Bất cứ giáo viên hạng nào cũng phải có một tiêu chuẩn đạo đức nói chung và đạo đức nghề nghiệp nói riêng.

Các tiêu chuẩn trong các hạng giáo viên phần lớn đều có minh chứng vật chất cụ thể, chỉ duy nhất Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp là không có một minh chứng vật chất nào.

Như vậy, làm sao có thể nói giáo viên X. nào đó đủ hay không đủ Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của hạng nào? Phải chăng giáo viên sẽ còn phải có thêm "Chứng chỉ Đạo đức nghề nghiệp" để làm minh chứng?

Nếu không thể có minh chứng rõ ràng cho các hạng tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, thì theo quan điểm của cá nhân người viết cũng là một nhà giáo, Bộ nên bỏ Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp theo hạng trong các Thông tư 01,02,03,04/TT-BGDĐT. Tất cả giáo viên trên cả nước có cùng tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo nói chung và đạo đức nghề nghiệp nói riêng đã được ban hành trong Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT.

Tài liệu tham khảo:

- Các Thông tư 01,02,03,04/TT-BGDĐT.

- Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/xep-hang-tieu-chuan-dao-duc-nghe-nghiep-i-ii-iii-giao-vien-co-can-chung-chi-post216231.gd