Xếp hạng di tích để bảo vệ công trình tốt hơn

Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Huỳnh Thanh Nhân chia sẻ như vậy với PV Báo SGGP về việc TPHCM có xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố đối với Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá và Nhà thờ Thủ Thiêm (đều ở phường Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM).

Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Nguồn: conggiaovn.com

Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Nguồn: conggiaovn.com

“Việc xếp hạng di tích đối với Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm cùng Nhà thờ Thủ Thiêm nói riêng và các di sản khác nói chung là nỗ lực của TPHCM, với mong muốn giữ gìn, bảo tồn tất cả các di tích trên địa bàn qua các giai đoạn phát triển của TPHCM”. Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Huỳnh Thanh Nhân chia sẻ như vậy với PV Báo SGGP về việc TPHCM có xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố đối với Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá và Nhà thờ Thủ Thiêm (đều ở phường Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM).

Góp phần nâng giá trị di sản

Phóng viên: Hai công trình này có những giá trị nổi bật nào để Sở VH-TT căn cứ vào đó đề xuất, Hội đồng xét duyệt di tích TPHCM đồng tình và UBND TPHCM có quyết định xếp hạng, thưa ông?

Ông HUỲNH THANH NHÂN: Trong quá trình khảo sát, kiểm kê đánh giá các di tích trên địa bàn TP và một số tài liệu, ý kiến của các nhà nghiên cứu, của Hội Di sản văn hóa TPHCM, Hội Kiến trúc sư TPHCM, Hội Khoa học lịch sử TPHCM về giá trị lịch sử - văn hóa của Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm, Sở VH-TT phối hợp với các ban ngành cùng với Tòa Tổng Giám mục TPHCM và chủ quản lý hai cơ sở tôn giáo trên kiểm tra, tổ chức nhiều cuộc họp để đánh giá giá trị văn hóa - lịch sử của hai công trình trên.

Tất cả đều thống nhất, Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật với phong cách, loại hình kiến trúc, có tính toàn vẹn còn được giữ gìn… Hai công trình cũng có giá trị lịch sử, thể hiện di sản còn lại qua thời gian, với một giai đoạn lịch sử, phương thức xây dựng truyền thống, tri thức bản địa. Đồng thời có giá trị văn hóa về tôn giáo đi kèm với kiến trúc, không gian; giá trị kế thừa, chuyển tiếp trong bối cảnh đương đại được hình thành dần cho đến ngày hôm nay; có giá trị cảnh quan cây xanh, sân vườn (cây me 160 tuổi). Hai công trình cũng có giá trị dấu ấn nơi chốn, tạo bản sắc, tính biểu tượng cho khu vực, giá trị văn hóa xã hội đương đại.

Trên cơ sở đó, Sở VH-TT lập hồ sơ khoa học và trình xin ý kiến của Hội đồng xét duyệt di tích TPHCM. Tất cả 12/12 thành viên của hội đồng bỏ phiếu đồng thuận và Sở VH-TT trình UBND TPHCM xếp hạng di tích đối với hai công trình trên.
Việc công nhận hai công trình trên là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố có ý nghĩa như thế nào đối với chủ công trình cũng như khu đô thị hiện đại Thủ Thiêm đang từng bước hình thành?

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 quy định: “Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo”. Do đó, công trình sau khi được xếp hạng di tích vẫn là tài sản hợp pháp của Tòa Tổng Giám mục TPHCM, Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm.

Việc xếp hạng di tích không ảnh hưởng đến sinh hoạt tôn giáo. Trong khi đó, các công trình trong khu vực bảo vệ di tích của Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, Nhà thờ Thủ Thiêm sẽ được bảo vệ theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Đặc biệt, sau khi xếp hạng sẽ góp phần khẳng định và nâng giá trị di sản của 2 công trình, góp phần làm gia tăng sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế khi đến TPHCM nói chung và Thủ Thiêm nói riêng.

Do đó, sau khi xếp hạng di tích, Sở VH-TT sẽ tiếp tục phối hợp các nhà khoa học kiểm kê đánh giá các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích, nhằm hỗ trợ hai cơ sở tôn giáo quản lý các tài sản của mình chặt chẽ, cũng như giúp các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ kịp thời khi có sự cố. Cùng với đó, di tích được lập hồ sơ và lưu giữ các bản vẽ mặt bằng tổng thể di tích tỷ lệ 1/500, các mặt bằng, các mặt đứng, các mặt cắt ngang, cắt dọc, kết cấu và chi tiết kiến trúc có chạm khắc tiêu biểu của di tích tỷ lệ 1/50; tạo điều kiện cho chủ sở hữu nhanh chóng xin phép tu bổ, sửa chữa di tích khi có nhu cầu.

Giữ nguyên vẹn công trình cùng khuôn viên

Việc khoanh vùng bảo vệ các di tích này được thực hiện ra sao khi đây là những cụm công trình nằm trong khuôn viên rất rộng? TPHCM có các kế hoạch phối hợp với chủ di tích này thực hiện công tác bảo tồn như thế nào?

Sở VH-TT thực hiện khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích theo từng bước. Bước 1, Sở VH-TT phối hợp với hai cơ sở tôn giáo chọn những hạng mục công trình có giá trị tiêu biểu nhất để khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích. Cụ thể, các bên đã chọn Nhà xứ, Thánh đường và Tháp chuông (đối với công trình Nhà thờ Thủ Thiêm); Nhà khấn, Nhà tập và Nhà nguyện (đối với Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm).

Bước 2, sau khi Sở VH-TT và hai cơ sở tôn giáo thống nhất khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích, Sở VH-TT mời các sở - ngành và UBND quận 2 trình bày phương án khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích. Sau khi lắng nghe và trao đổi ý kiến. Các bên cũng thống nhất chọn khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích như trên.

Như vậy, khu vực bảo vệ di tích chỉ chiếm một phần diện tích của công trình. Phần diện tích bên ngoài khu vực bảo vệ di tích vẫn thuộc quyền sử dụng đất của hai cơ sở tôn giáo và họ vẫn được phép xây dựng các công trình mới phục vụ các hoạt động của tôn giáo. Chính quyền thành phố sẽ hỗ trợ việc lập quy hoạch tổng thể hai công trình, hỗ trợ hai cơ sở tôn giáo tu bổ các công trình di tích cũng như hướng dẫn cấp phép xây dựng mới các công trình ngoài khu vực bảo vệ di tích; đấu nối hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật của công trình với hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Quyết định của TPHCM “nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở khu vực di tích phải được phép của Chủ tịch UBND TPHCM” được hiểu như thế nào, thưa ông?

Các công trình tiêu biểu của Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm đã được khoanh vùng bảo vệ di tích sẽ được bảo tồn theo quy định. Khi cần tu bổ, tôn tạo hoặc trong một số trường hợp đặc biệt cần phục dựng hay xây dựng công trình mới tại khu vực này thì phải xin phép UBND TPHCM. Đối với trường hợp sửa chữa nhỏ không ảnh hưởng đến yếu tố gốc của di tích thì chủ sở hữu vẫn được thực hiện bình thường. Đối với công trình xây dựng mới ngoài khu vực bảo vệ di tích thì hai cơ sở tôn giáo vẫn được phép xây dựng theo quy hoạch và quy định của Luật Xây dựng. Tuy nhiên, hình thức kiến trúc của công trình mới phải hài hòa, tôn vinh kiến trúc của các công trình di tích.

Như vậy, việc nghiêm cấm xây dựng trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích là để quản lý di tích, chống hành vi xâm hại di tích, bảo vệ di tích cho chính chủ sở hữu. Trong khi đó, Nhà nước sẽ hướng dẫn chủ sở hữu trùng tu, bảo tồn theo đúng quy định và hỗ trợ, hướng dẫn chủ cơ sở đầu tư, sửa chữa và xây dựng mới.

“Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm được xây dựng năm 1840. Nhà thờ Thủ Thiêm được xây dựng năm 1859. Đây là hai trong số những công trình tôn giáo được xây dựng khá sớm tại vùng đất Thủ Thiêm.

Trải qua gần hai thế kỷ, hai công trình vẫn hiện hữu, kiến trúc được bảo quản tốt, lưu giữ giá trị lịch sử - văn hóa của công trình kiến trúc cổ đô thị thập niên 40-50 của thế kỷ 19 giữa lòng Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TPHCM). Sự hiện diện của hai công trình góp thêm nguồn sử liệu quý giá khi tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của Khu đô thị mới Thủ Thiêm”.

HUỲNH THANH NHÂN, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM

KIỀU PHONG thực hiện

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xep-hang-di-tich-de-bao-ve-cong-trinh-tot-hon-637777.html