Xếp hạng đại học tại VN: Cần rạch ròi và cạnh tranh lành mạnh

Gần đây, việc đưa ra đánh giá xếp hạng các trường ĐH dựa trên số lượng công bố quốc tế trong danh sách ISI đã có nhiều tác động. Trong đó một vài trường ĐH tương đối non trẻ vượt lên những đơn vị có truyền thống và được coi là rất mạnh.

Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH xếp thứ hai trong tốp 10 cơ sở giáo dục ĐH, các tổ chức nghiên cứu của VN - Ảnh: Bùi Tuấn

Chưa thể nói các đánh giá đó là hoàn thiện, nhưng không thể phủ nhận những ảnh hưởng của nó đến sự quan tâm của lãnh đạo các trường ĐH tới hoạt động nghiên cứu của giảng viên trong đơn vị mình.

Hiện tượng “mua bán” công trình

Nhiều biện pháp đã được đưa ra để khuyến khích, thúc đẩy giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học. Mặt khác, các đánh giá xếp hạng dựa trên số lượng công bố quốc tế cũng làm nảy sinh những tình hình mới. Đó là việc một vài ĐH tương đối non trẻ vượt lên những đơn vị có truyền thống và được coi là rất mạnh như hai ĐH Quốc gia, thậm chí ngang ngửa với Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ, một đơn vị vốn được thành lập với chức năng nghiên cứu.

Mọi việc đều có ngọn nguồn của nó. Đó là thực trạng một vài trường ĐH từ nhiều năm nay đã thực hiện việc "thưởng/tài trợ công trình" đối với các công bố quốc tế có ghi địa chỉ nhà trường, bất kể các tác giả của nó đang làm việc ở đâu. Số tiền thưởng cho một công trình khá lớn, có thể từ hàng chục tới hàng trăm triệu, tùy thuộc vào chỉ số trích dẫn của các tạp chí công bố công trình đó. Mặc dù hiện tượng này xảy ra khá lâu nhưng giới khoa học ít đả động tới có lẽ do tâm lý ngại va chạm cố hữu của cộng đồng này. Mặc dù, với nhau, họ vẫn thường nói tới việc này như hiện tượng "mua bán" công trình.

Nhìn từ góc độ tích cực, đối với các nhà khoa học, các giảng viên ĐH, việc được nhận tiền thưởng/tài trợ cho một công bố với số tiền có thể cao hơn tổng thu nhập của họ trong một năm là một cách hiệu quả giúp họ tiếp tục thực hiện nghiên cứu. Tuy nhiên, từ một góc độ khác, việc ghi địa chỉ, đồng nghĩa với việc ghi nhận thành tích khoa học cho một cơ quan mà mình hoàn toàn không tham gia làm việc liệu có vượt qua giới hạn của tiêu chí trung thực đối với một nhà khoa học? Đối với đơn vị thưởng/tài trợ cho công bố với số tiền lớn như vậy, câu hỏi đặt ra là tính mục tiêu. Liệu họ tài trợ khoa học thuần túy vì mục tiêu cao cả "hỗ trợ nghiên cứu cho các hàn sĩ"? Hay họ thực hiện mục tiêu nâng cao uy tín khoa học của trường thông qua tăng số lượng công bố khoa học?

Sinh viên hưởng lợi gì ?

Vấn đề đặt ra là nâng cao uy tín để làm gì trong trường hợp này? Ngân sách lấy từ đâu?

Ngân sách nhiều khả năng lấy từ học phí của sinh viên. Nếu như vậy sinh viên thụ hưởng gì từ nguồn kinh phí được chi tiêu cho việc thưởng/tài trợ công trình khi mà những nhà khoa học thực hiện các công trình đó, chưa một lần có mặt tại trường ĐH của họ, chưa nói đến việc tham gia giảng dạy.

Ở đây không đặt ra vấn đề đánh giá đạo đức của các nhà khoa học và các cơ sở đào tạo tham gia hoạt động "thưởng/tài trợ" công trình. Vì đạo đức nói cho cùng là một hệ thống những quy tắc được xã hội đương thời chấp nhận, có những hành động ngày hôm qua bị coi là vi phạm đạo đức, nhưng ngày hôm nay lại được coi là phù hợp, thậm chí được ca ngợi. Trong quá trình phát triển của xã hội VN mấy chục năm qua thì các hoạt động thương nghiệp cho nhiều ví dụ sinh động nhất. Ngày hôm nay ta chê các hoạt động này là "mua bán công trình", biết đâu ngày mai, chính những hoạt động thương nghiệp đó lại giúp chúng ta có nhiều công bố với Nature Index hơn?

Tuy nhiên, thiết nghĩ, khi chúng ta sử dụng số lượng công bố như một chỉ tiêu đánh giá năng lực khoa học, để xếp hạng các trường thì cũng cần rạch ròi đâu là công bố khoa học được thực hiện toàn thời gian tại cơ sở đào tạo A bởi các giảng viên có tham gia công tác giảng dạy và đào tạo sinh viên của trường A; Đâu là công bố khoa học của giảng viên, cán bộ nghiên cứu của đơn vị B, được trường A mua lại. Có như thế thì việc so sánh trường A với các đơn vị B, C, D... mới công bằng hơn.

Tốp 10 cơ sở giáo dục ĐH, các tổ chức nghiên cứu của VN

Tổ chức Nature Research đã công bố bảng xếp hạng Nature Index 2018. Theo đó, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ VN tiếp tục là đơn vị dẫn đầu các cơ sở giáo dục ĐH, các tổ chức nghiên cứu trong nước về nghiên cứu khoa học với tổng số 32 bài báo và số điểm là 2,6. Ở lần công bố đầu tiên (năm 2017), đơn vị này cũng đã từng ở vị trí dẫn đầu.

Các đơn vị có tên trong tốp 10 cơ sở giáo dục ĐH, các tổ chức nghiên cứu của VN lần lượt (xếp theo tổng số bài báo và điểm) là Trường ĐH khoa học tự nhiên (Hà Nội); Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford (một dự án hợp tác của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới quốc gia); Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM); Viện Truyền nhiễm và bệnh nhiệt đới quốc gia; Trường ĐH Khoa học - Công nghệ Hà Nội (tức Trường ĐH Việt Pháp); ĐH Quốc gia TP.HCM; Trường ĐH Tôn Đức Thắng; Trường ĐH Duy Tân.

Quý Hiên

Phùng Hồ Hải (Viện Toán học VN)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/xep-hang-dai-hoc-tai-vn-can-rach-roi-va-canh-tranh-lanh-manh-1011036.html