Xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính: Hà Nội đặt mục tiêu cao hơn

Ba năm liên tiếp (2017, 2018, 2019) thành phố Hà Nội duy trì vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đây là kết quả xứng đáng cho nỗ lực bền bỉ, sáng tạo của các cấp, các ngành trong nhiều năm qua. Hiện thành phố tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn để phấn đấu dẫn đầu, qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cán bộ bộ phận “một cửa” phường Việt Hưng (quận Long Biên) nhiệt tình hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Viết Thành

Nhiều kết quả nổi bật

Cải cách hành chính thực chất là hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và điều này được thể hiện rất rõ trong cuộc sống thường ngày của người dân Thủ đô. Bà Nguyễn Thu Hồng (ngõ Hòa Bình 7, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Khi làm một số hồ sơ, tôi không cần phô tô mà chỉ cần mang hộ khẩu gốc ra để đối chiếu và chỉ vài ngày là có kết quả”… Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Sơn, kế toán Công ty TNHH Thương mại xây dựng tổng hợp và du lịch Thùy Anh (quận Nam Từ Liêm) cho hay: “Trong năm 2019, Hà Nội chính thức đưa vào sử dụng hệ thống dịch vụ thuế điện tử (eTax), thay thế hệ thống khai thuế, nộp thuế điện tử. Dịch vụ này giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận, tra cứu, quản lý tất cả khoản thuế trên một hệ thống, không phải đăng nhập vào nhiều ứng dụng khác nhau như trước đây”.

Những cảm nhận của người dân, doanh nghiệp nêu trên là kết quả từ sự nỗ lực triển khai hàng loạt giải pháp thiết thực. Trong đó, việc thực hiện chủ đề công tác năm như: “Năm kỷ cương hành chính”, “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” đã đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động của các cơ quan hành chính. Đồng thời, thành phố tập trung xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại… Trong đó chú trọng rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến. Tính đến hết năm 2019, tổng số thủ tục hành chính đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 1.448/1.818 thủ tục.

Nói về việc thực hiện tại địa phương, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức thông tin: Với mục tiêu hoàn thành trước thời hạn các chỉ tiêu về đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020, huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các nội dung của công tác cải cách hành chính. Quan trọng là từng đơn vị, từng cá nhân phải có trách nhiệm với công việc, coi trọng các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân.

Quyết tâm của lãnh đạo huyện Hoài Đức cũng là tinh thần chung của nhiều ngành, địa phương, góp phần nâng hiệu quả công tác cải cách hành chính của thành phố. Điều này được phản ánh rõ trong kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2019: Thành phố Hà Nội đạt 84,64%, cao hơn năm 2018 là 0,66%, tiếp tục xếp thứ 2 cả nước. Trong đó, 6/8 chỉ số thành phần đạt kết quả trên 80%. Đáng chú ý, có 2 chỉ số thành phần đạt rất cao là “Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính” đạt 94,12% và “Cải cách thủ tục hành chính” đạt 92,86%.

Phấn đấu dẫn đầu

Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” quận Thanh Xuân. Ảnh: Nhật Nam

Dù kết quả đạt được là rất khả quan, song Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của thành phố Hà Nội vẫn còn một số điểm cần được cải thiện; chỉ số thành phần “Cải cách tài chính công” chỉ đạt 73,96%; chỉ số thành phần “Tác động của cải cách hành chính đến sự hài lòng của người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” chỉ đạt 79,64%. Hay một số tiêu chí thành phần thuộc lĩnh vực “Cải cách tài chính công”, “Hiện đại hóa hành chính” còn thấp. Bên cạnh đó, dù Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) tiếp tục duy trì ở mức hơn 80% nhưng vẫn xếp 52/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cảnh báo sự trì trệ vẫn lẩn khuất ở đâu đó.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà, thành phố phấn đấu dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính và đạt cao hơn mức trung bình cả nước về Chỉ số SIPAS trong năm 2020. Do vậy, Hà Nội đã xây dựng, ban hành kế hoạch nâng cao các chỉ số nêu trên trong năm 2020, xác định rõ mục tiêu phấn đấu, cũng như trách nhiệm cụ thể của từng sở, ngành, UBND các cấp.

Ngay trong tháng 5-2020, tại Thông cáo báo chí số 09/TC-UBND của UBND thành phố Hà Nội về kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 và Chỉ số SIPAS năm 2019 của thành phố Hà Nội đã chỉ rõ giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Đó là sẽ triển khai xây dựng hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh; tiếp tục cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính…

Thực hiện mục tiêu và các giải pháp của thành phố, hiện nhiều đơn vị đã định hình cách triển khai. Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thùy Dương cho biết: “Năm 2020, quận tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm bộ phận “một cửa” của UBND quận và tất cả các phường được bố trí trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin tốt để việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân được thông suốt”.

Chia sẻ về việc thực hiện tại cấp phường, Phó Chủ tịch UBND phường Tương Mai (quận Hoàng Mai) Nguyễn Bảo Khoa khẳng định: “Chúng tôi quán triệt, công chức khi tiếp công dân, giải quyết thủ tục hành chính phải luôn đặt mình ở vị trí người dân và vận dụng các kỹ năng, làm hết khả năng trên cơ sở bám sát các quy định để giúp họ giải quyết công việc thuận lợi nhất”...

Với quyết tâm chung đó, tin tưởng rằng, thành phố Hà Nội sẽ sớm giành vị trí dẫn đầu trong cả nước về Chỉ số cải cách hành chính, xứng với tiềm năng, vị thế của Thủ đô.

Hiền Thu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/cai-cach-hanh-chinh/969862/xep-hang-chi-so-cai-cach-hanh-chinh-ha-noi-dat-muc-tieu-cao-hon