Xem xét vấn đề 'tập trung kinh tế' trong thương vụ Grab-Uber

Hôm 26-3, các khách hàng của Uber ở Việt Nam đã nhận được thư chia tay của công ty này. Thương vụ Grab mua lại mảng kinh doanh của Uber ở Đông Nam Á đã râm ran bấy lâu cuối cùng được chính thức công bố. Đây là hai công ty rất đặc thù khi sự hiện diện thương hiệu tại Việt Nam của họ thì quá lớn nhưng thị trường mà họ hoạt động là gì thì hoàn toàn là vấn đề gây tranh cãi.

Văn phòng Uber và Grab ở Singapore. Ảnh: Wong Maye-E / Associated Press

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cả Uber và Grab đều đã thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam (Công ty TNHH Uber Việt Nam là doanh nghiệp đang kinh doanh phần mềm Uber, còn Grab là dưới hình thức liên doanh với một cá nhân người Việt chiếm 5% vốn điều lệ) từ năm 2014. Nếu nhìn vào mức độ “phủ sóng thị trường” của hai thương hiệu này thì chúng ta không khỏi đặt câu hỏi về khía cạnh luật cạnh tranh của thương vụ kể trên.

Pháp luật cạnh tranh có khái niệm "tập trung kinh tế" (economic concentration), hay ở Mỹ có thể gọi là chống độc quyền (antitrust). Tập trung kinh tế nghĩa là việc hai hay nhiều doanh nghiệp cùng liên kết với nhau (bằng nhiều cách – sáp nhập, hợp nhất, mua lại, ký thỏa thuận hợp tác phân chia thị trường…) để chiếm lĩnh thêm thị phần trong thị trường. Về khía cạnh kinh tế, việc tập trung kinh tế sẽ làm giảm cạnh tranh (do các đối thủ cạnh tranh hợp tác với nhau và việc gia nhập thị trường trở nên khó khăn) và làm méo mó thị trường (distort the market), dẫn đến gây hại cho người tiêu dùng. Chính vì thế, mục tiêu của luật cạnh tranh không chỉ là chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (như câu chuyện của CGV và Galaxy cách đây không lâu), mà còn để đảm bảo thị trường luôn có cạnh tranh, không có độc quyền, và tạo điều kiện để các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. Luật Cạnh tranh vừa đảm bảo duy trì cạnh tranh, vừa đảm bảo sự cạnh tranh đó phải luôn lành mạnh.

Theo Luật Cạnh tranh Việt Nam 2004 thì chỉ cần thị phần kết hợp của hai công ty trong thương vụ chiếm từ 30% trở lên thì đã phải thông báo cho cơ quan cạnh tranh (Điều 20). Nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp trong thương vụ trên 50% thì xem như là không được kết hợp, trừ trường hợp ngoại lệ (Điều 18).

Thủ tục này ở nước ngoài thường là thủ tục "giết chết" các giao dịch giữa những "người khổng lồ". Cơ quan quản lý cạnh tranh phải cân nhắc rất nhiều thứ để phê chuẩn thương vụ, đặc biệt là hệ quả về cạnh tranh của thương vụ. Nếu cơ quan này không phê chuẩn thì thương vụ phải được thỏa thuận lại để giảm thị phần. Lịch sử đã chứng kiến nhiều thương vụ sụp đổ vì không vượt qua được rào cản này. Đặc biệt, thương vụ liên quốc gia thì càng phức tạp vì phải xin chấp thuận ở từng quốc gia, đại diện từng thị trường một.

Ba ông lớn Maersk (Đan Mạch), MSC (Thụy Sỹ) và CMA-CGM (Pháp) từng không sáp nhập được với nhau vì Cơ quan quản lý cạnh tranh của Trung Quốc không phê chuẩn giao dịch này này, mặc dù cơ quan quản lý cạnh tranh ở hai thị trường lớn khác là Mỹ và EU đều đã chấp thuận giao dịch. Nếu là thị trường nhỏ thì có thể bỏ qua (bằng cách đóng cửa thị trường), nhưng Trung Quốc đủ lớn để phá giao dịch. Sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc bác đề nghị tập trung kinh tế của liên minh P3 này thì các bên cũng yêu cầu các cơ quan quản lý cạnh tranh ở thị trường khác dừng xem xét hồ sơ và chấm dứt giao dịch kể trên.

Một thương vụ đình đám (và gây tranh cãi khác) đang diễn ra giữa Monsanto (Mỹ) và Bayer (Đức) cũng đang bế tắc sau gần hai năm ký kết thỏa thuận do không xin được chấp thuận của Mỹ. Hồi tháng 12-2017, Bayer và Monsanto đã quyết định bán đi bớt 2,5 tỉ đô la tài sản của mình để giảm quy mô xuống nhằm thuyết phục cơ quan quản lý cạnh tranh Mỹ, sau khi Bayer đã bán một phần tập đoàn của mình để tránh tập trung kinh tế. Nhưng có vẻ nỗ lực này không làm hài lòng cơ quan này, theo một báo cáo hồi giữa tháng 3 này. Chính vì thế, khía cạnh luật cạnh tranh dần trở thành một yếu tố quan trọng mà các luật sư giao dịch phải để ý khi tư vấn cho các thương vụ.

Một khái niệm quan trọng trong tập trung kinh tế là "thị trường liên quan" nhằm xác định thị phần. Ví dụ, một công ty bán kẹo chiếm thị phần 50% sáp nhập với một công ty bán sách chiếm 40% thì cũng không bị coi là tập trung kinh tế. Nhưng nếu một công ty bán kẹo sáp nhập với công ty bán đường thì rất có thể bị coi là tập trung kinh tế vì sự tương đương nhau của sản phẩm.

“Thị trường liên quan” có thể được xếp theo hàng ngang (horizontal) – nghĩa là giữa những công ty vốn là đối thủ của nhau – hoặc theo hàng dọc (vertical) – giữa nhà phân phối và nhà tiêu thụ. Thương vụ Monsanto và Bayer kể trên vừa có khía cạnh ngang, lẫn dọc vì Monsanto có thể cung cấp hạt giống cho Bayer và ngược lại.

Trường hợp của Grab và Uber khá đặc thù vì ngay cả việc xác định thị trường liên quan là thị trường nào cũng rất khó và tuy hoạt động ở 11 quốc gia Đông Nam Á nhưng không phải ở đâu họ cũng có hiện diện để cơ quan quản lý cạnh tranh vào cuộc.

Chẳng hạn, ở thị trường Việt Nam, Grab và Uber đều có hiện diện thương mại từ năm 2014 nhưng ngành nghề kinh doanh của hai công ty này ở Việt Nam là rất khác nhau. Trong khi Grab đăng ký rất nhiều ngành nghề, kể cả ngành nghề vận tải, tư vấn quản lý phần mềm (chính), thì Uber chỉ đăng ký hai ngành nghề là tư vấn quản lý phần mềm và… nghiên cứu thị trường. Xác định đúng thị trường liên quan trong trường hợp này thì mới có cơ sở để tuýt còi thương vụ, vì khó có thể nói Uber hay Grab đang thống lĩnh thị trường trong lĩnh vực tư vấn quản lý phần mềm, nhưng sự hiện diện thương hiệu trong lĩnh vực vận tải là khá rõ rệt để nghi ngờ thị phần thống lĩnh của họ.

Grab quảng bá sau vụ sáp nhập.

Ngay sau khi thương vụ Uber bán mảng kinh doanh ở Đông Nam Á cho Grab được công bố thì cơ quan quản lý cạnh tranh Singapore đã lên tiếng là không nhận được thông báo từ Grab và Uber (Singapore là quê nhà của Grab và là tổng hành dinh Đông Nam Á của Uber). Cơ quan này đã viết thư yêu cầu Grab và Uber giải trình về giao dịch và theo pháp luật Singapore thì nếu cơ quan này nhận thấy thương vụ “làm giảm thiểu cạnh tranh rõ rệt” trong thị trường liên quan, họ sẽ yêu cầu giao dịch phải được bổ sung hoặc thậm chí ngừng giao dịch.

Lê Nguyễn Duy Hậu

Nguồn BizLIVE: http://www.thesaigontimes.vn/270615/xem-xet-van-de-tap-trung-kinh-te-trong-thuong-vu-grab-uber.html