Xem xét trách nhiệm trong vụ cháy Rạng Đông, nước sinh hoạt nhiễm dầu

Để đảm bảo việc giải quyết ô nhiễm môi trường sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông, nước sinh hoạt của nhà máy nước sông Đà nhiễm dầu... đạt hiệu quả, cử tri đề nghị Thành phố chỉ đạo, xem xét rõ và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.

Về vấn đề này, UBND TP cho biết:

I. Đối với vụ cháy tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông

1. Về công tác khắc phục, xử lý sự cố môi trường do vụ cháy kho của Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông:

Vào lúc 18 giờ 18 phút ngày 28/8/2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra vụ cháy tại nhà kho của Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông tại 87-89 phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Ngay sau khi nhận được tin báo của UBND quận Thanh Xuân, UBND Thành phố đã chỉ đạo Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an Thành phố, Lực lượng phòng cháy chữa cháy Bộ Tư lệnh Thủ đô tăng cường thêm lực lượng phối hợp với UBND quận Thanh Xuân, UBND 2 phường Hạ Đình, Thanh Xuân Trung huy động nhân dân và các đơn vị liên quan.

Thực hiện công tác chữa cháy với nguyên tắc nghiêm túc thực hiện phương châm 4 tại chỗ; Huy động nhân dân và các lực lượng của phường, quận, Thành phố chữa cháy, di chuyển người dân khu vực cạnh nhà máy với phương châm: Không để đám cháy lan rộng sang nhà dân và các công trình xung quanh; Không được để thiệt hại về người; Khẩn trương xác định khu vực chính chứa chất amalgam và thủy ngân lỏng để phun bọt, đảm bảo an toàn.

Toàn bộ quá trình chữa cháy các lực lượng Phòng cháy chữa cháy Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô, các lực lượng của quận Thanh Xuân, phường Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung cùng công nhân nhà máy, đặc biệt nhiều hộ dân tại tổ dân phố số 23 khu dân cư số 3 phường Hạ Đình và tổ dân phố số 3 phường Thanh Xuân Trung đã tham gia tích cực, không quản ngại khó khăn, áp lực của đám cháy nên đến khoảng 03h30’ ngày 29/8/2019, đám cháy được dập tắt hoàn toàn; Toàn bộ khu vực tủ bảo ôn chứa các nguyên liệu hóa chất phục vụ cho sản xuất được bảo vệ an toàn; Không có thiệt hại về người; Không để cháy lan sang nhà dân và khu vực xung quanh.

UBND Thành phố đã có các văn bản số 3764/UBND-ĐT ngày 30/8/2019, số 3769/UBND-ĐT ngày 02/9/2019, số 3840/UBND-ĐT ngày 05/9/2019, số 3841/UBND-ĐT UBND ngày 05/9/2019 và số 3898/UBND-ĐT ngày 10/9/2019 chỉ đạo Công an Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, UBND quận Thanh Xuân và một số Sở ban ngành phối hợp với Bộ tư lệnh Hóa Học, Bộ Tư lệnh Thủ đô triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả vụ cháy tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông. Đến ngày 05/10/2019, đã hoàn tất việc tiêu tẩy độc toàn bộ khu vực hiện trường vụ cháy và vùng lân cận, đảm bảo vệ sinh môi trường; Kết quả cụ thể như sau:

Về công tác khắc phục, xử lý sự cố môi trường

- Thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Viện Hóa học môi trường quân sự, Công ty cổ phần môi trường đô thị và công nghiệp 10 – Urenco10 tập trung triển khai khắc phục, xử lý sự cố môi trường do cháy nổ xảy ra tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông theo phương án đề xuất đã được Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường và các chuyên gia có kinh nghiệm thống nhất.

- Về công tác thu gom, vận chuyển chất thải: Dưới sự hướng dẫn, giám sát của Bộ tư lệnh Hóa học, Bộ tư lệnh Thủ đô, Viện Hóa học môi trường quân sự, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Thanh Xuân, từ ngày 13/9/2019 đến hết ngày 02/10/2019, Công ty cổ phần môi trường đô thị và công nghiệp 10 – Urenco10 đã tổ chức thu gom, vận chuyển được: 11,34 tấn bóng đèn huỳnh quang thải; 1.159,280 tấn vật tư, bán thành phẩm, thành phẩm bóng đèn tàn dư sau cháy; 1.302,070 tấn sắt thép phế liệu; 14,534 tấn chất thải công nghiệp không nguy hại; 7,756 tấn chất thải rắn sinh hoạt về nhà kho lưu chứa an toàn của Công ty để xử lý theo đúng quy định.

Tất cả phế thải, chất thải trước khi đóng bao đều được phun tẩy độc và chống lan truyền trong quá trình vận chuyển do Bộ Tư lệnh hóa học thực hiện, vận chuyển bằng phương tiện đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp trong Giấy phép xử lý chất thải nguy hại về Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn để xử lý theo đúng quy trình kỹ thuật công nghệ, đảm bảo không gây ảnh hưởng ô nhiễm môi trường. Nơi lưu giữ được bố trí tại xưởng trung gian số 5: rải lót bạt HDPE dưới nền với diện tích khoảng 600m2, trải lót lớp than hoạt tính, bột lưu huỳnh trước khi xếp các bao chất thải ngay ngắn với chiều cao nhỏ hơn 3m, sau đó tiếp tục rải một lớp than hoạt tính, bột lưu huỳnh phía trên rồi phủ bạt HDPE để hàn kín.

- Về công tác tiêu tẩy độc tại hiện trường vụ cháy: Viện Hóa học môi trường quân sự đã lập phương án xử lý, tẩy độc tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông và xin ý kiến thống nhất của các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm để làm cơ sở triển khai thực hiện. Ngày 05/10/2019, Viện Hóa học môi trường quân sự - Bộ Tư lệnh Hóa học đã hoàn thành công tác tiêu tẩy toàn bộ khu vực cháy của Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (3 khu vực: khu vực 1, 2, 3) để bàn giao cho Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông tiếp nhận quản lý.

Về việc tổ chức quan trắc chất lượng môi trường

- Từ ngày 29/8/2019 đến ngày 30/8/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường Hà Nội đã tiến hành lấy mẫu môi trường không khí xung quanh, kết quả phân tích so sánh với các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh tromg bán kính 500m, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh cho thấy các thông số NO2, SO2, CO đều nằm trong giới hạn cho phép, hàm lượng Hg (trung bình 24 giờ) trong không khí nằm dưới ngưỡng giới hạn QCVN cho phép.

- Từ ngày 09/9/2019 đến ngày 03/10/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trưng cầu Công ty TNHH tư vấn kỹ thuật, thiết bị và công nghệ môi trường Nguyễn Gia tiến hành quan trắc đối chứng, lấy mẫu phân tích môi trường không khí xung quanh trong vòng bán kính 500m; đã tiến hành lấy mẫu không khí xung quanh trong vòng 24 giờ đối với 27 vị trí: 9 vị trí tại Trường tiểu học Hạ Đình; 7 vị trí cổng chung cư Eco Green City (cách khu vực cháy khoảng 500m); trong khuôn viên Công ty (trong bán kính 200m từ khu vực cháy); 8 vị trí phía sau xưởng cháy cạnh mặt đường; điểm số 277 đường Nguyễn Xiển, Thanh Xuân (cách khu vực cháy khoảng 500m). Kết quả phân tích so sánh với QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, QCVN 06:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh cho thấy các thông số NO2, SO2, CO đều nằm trong giới hạn cho phép, hàm lượng Hg (trung bình 24 giờ) trong không khí nằm dưới ngưỡng giới hạn cho phép.

2. Trách nhiệm bồi thường về môi trường của Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông

Ngày 10/9/2019, UBND Thành phố đã ban hành văn bản số 3898/UBND-ĐT về việc tiếp tục thực hiện một số giải pháp khắc phục hậu quả vụ cháy tại số 87-89 Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân; trong đó UBND Thành phố đã yêu cầu Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông có trách nhiệm ký hợp đồng thu gom toàn bộ các chất thải do vụ cháy gây ra, vận chuyển đến cơ sở xử lý chất thải nguy hại đề tiến hành xử lý theo đúng quy định; Phối hợp cùng với Bộ Tư lệnh Hóa học tiến hành tẩy độc ngay toàn bộ khu vực hiện trường vụ cháy và vùng lân cận, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Kinh phí do Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông chịu trách nhiệm thanh toán.

Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông đã ký các hợp đồng: Thu gom xử lý chất thải sau vụ cháy với Công ty cổ phần môi trường đô thị công nghiệp 10 – Urenco 10; tiêu tẩy độc khu vực cháy với Viện hóa học môi trường quân sự; quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường với đơn vị đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thực hiện quan trắc môi trường. Đến nay, hiện trường vụ cháy đã được dọn dẹp, tiêu tẩy độc đảm bảo an toàn môi trường.

Quá trình triển khai khắc phục sự cố môi trường Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông đã được UBND Thành phố chỉ đạo kịp thời; các sở, ngành cùng quận Thanh Xuân và các phường: Hạ Đình, Thanh Xuân Trung đã tích cực triển khai các công tác nhằm khắc phục sự cố môi trường do vụ cháy gây ra. Tuy nhiên, để tăng cường việc quản lý và tránh những sự cố tương tự có thể xảy ra, UBND Thành phố đã giao:

- Sở Công thương phối hợp với Công an Thành phố và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác rà soát, xem xét, thẩm định phương án ứng phó về sự cố hóa chất, chất phóng xạ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất và chất phóng xạ; Chủ trì trong công tác kiểm tra việc sử dụng hóa chất, chất phóng xạ và công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất, chất phóng xạ.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng Sở Xây dựng và các đơn vị xây dựng báo cáo toàn diện về quá trình xử lý, khắc phục xử lý vụ cháy tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông; rà soát toàn bộ quy trình, quá trình xử lý các sự cố về môi trường xảy ra trong thời gian qua, tiến hành tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm nghiêm túc trong công tác quản lý, phòng ngừa, xử lý các tình huống, sự cố phát sinh đột xuất, qua đó phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, công tác phối hợp giữa các sở, ngành và đề ra các giải pháp, biện pháp giải quyết hiệu quả trong thời gian tới.

II. Về việc xử lý, khắc phục sự cố sau nhà máy nước sông Đà bị nhiễm bẩn:

Để bảo vệ an ninh nguồn nước cho thành phố Hà Nội sau sự cố ô nhiễm nguồn nước sông Đà,

UBND Thành phố đã chỉ đạo các Sở, Ban, ngành một số nội dung:

1. Giao Sở Xây dựng chủ trì cùng Sở Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và chủ đầu tư các nhà máy nước sạch (kể cả các nhà đầu tư dự án đang triển khai đầu tư) rà soát hệ thống truyền dẫn nước sạch của từng nhà máy, đề xuất các biện pháp hoàn thành kết nối thành mạch vòng Hệ thống cấp nước sạch toàn Thành phố (trừ các xã vùng xâu, vùng xa sử dụng các trạm cấp nước riêng), báo cáo UBND Thành phố trước ngày 30/11/2019.

2. Giao Sở Xây dựng chủ trì cùng Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ nghiên cứu, đề xuất thành lập Trung tâm quản lý, điều tiết, giám sát hệ thống cấp nước sạch (dạng như Trung tâm điều độ điện của ngành điện lực), trong đó sử dụng công nghệ thông minh để quản lý, vận hành; Yêu cầu tất cả các nhà máy nước sạch, các nhà phân phối nước sạch phải kết nối hệ thống quản lý vận hành, các trạm quan trắc chất lượng nước tới Trung tâm này, báo cáo UBND Thành phố trong tháng 12 năm 2019.

3. Giao Công an Thành phố chủ trì cùng Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan xây dựng phương án đảm bảo an ninh cho Hệ thống cấp nước Thành phố, báo cáo UBND Thành phố xem xét trong tháng 11 năm 2019 để báo cáo Thường trực Thành ủy xin chỉ đạo.

4. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng Sở Xây dựng, Công an Thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các Nhà máy nước lập khoanh vùng bảo vệ nguồn nước đầu vào và xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước theo khoanh vùng; tổ chức thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Nội dung này yêu cầu thực hiện xong trong năm 2019; Sau năm 2019, nếu đơn vị nào chưa thực hiện xong, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo, đề xuất UBND Thành phố xử lý theo quy định.

5. Giao Sở Tư pháp chủ trì cùng Sở Xây dựng nghiên cứu, đề xuất UBND Thành phố văn bản pháp lý quy định ràng buộc trách nhiệm của các nhà sản xuất cung cấp, phân phối nước sạch với Thành phố và yêu cầu các đơn vị này thực hiện, báo cáo trước ngày 20/11/2019.

Văn Thanh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cu-tri-hoi-ubnd-tp-tra-loi-xem-xet-trach-nhiem-trong-vu-chay-rang-dong-nuoc-sinh-hoat-nhiem-dau-361318.html