Xem xét toàn diện việc đổi mới thi học sinh giỏi quốc gia

Ngày 21-1, Báo Nhân Dân đăng bài viết: 'Nhiều băn khoăn trong tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia' phản ánh sai phạm trong kỳ thi học sinh giỏi những năm 2015, 2016, 2017 và những băn khoăn đặt ra trong kỳ thi năm 2019. Ngay sau khi báo đăng, Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) có phản hồi các nội dung liên quan bài báo.

Theo Cục trưởng Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh, các thông tin bài báo nêu không sai, Bộ GD-ĐT luôn cầu thị tiếp thu các ý kiến đóng góp để tiếp tục tổ chức tốt thi chọn học sinh giỏi quốc gia (HSGQG). Trong khoảng 10 năm trở lại đây, công tác thi chọn HSGQG, dự thi Olympic khu vực và quốc tế được Bộ GD-ĐT triển khai thực hiện với nhiều đổi mới theo hướng ngày càng thực chất, nghiêm túc, khách quan hơn. Tuy nhiên, trong tổ chức thi vẫn còn có hạn chế: Một số đơn vị mời các thầy cô giáo hoặc đưa học sinh trong đội tuyển về Hà Nội để ôn tập trước khi thi, gây ra thắc mắc, băn khoăn, nghi ngại trong dư luận về tính khách quan, công bằng của công tác tổ chức thi và kết quả thi…

Để thực hiện hiệu quả việc đổi mới thi HSGQG, Bộ GD-ĐT triển khai các giải pháp để khắc phục những hạn chế. Năm 2019, Bộ GD-ĐT không mời các chuyên gia, giảng viên dạy bồi dưỡng, ôn luyện cho đội tuyển các tỉnh tham gia hội đồng ra đề nhằm không gây ảnh hưởng xấu trong dư luận về tính khách quan, công bằng của kỳ thi. Về đề thi: Hạn chế tối đa mời cán bộ, giáo viên, giảng viên đã nghỉ hưu giới thiệu đề đề xuất và tham gia các hội đồng ra đề, chấm thi; mở rộng thành phần ra đề đề xuất; huy động giáo viên THPT chuyên giỏi tham gia phản biện đề thi tại khu vực cách ly; đề đề xuất được bảo quản theo chế độ “mật”. Đáng chú ý, khi hình thành đề thi chính thức và dự bị cho kỳ thi sẽ không sử dụng nguyên đề đề xuất hoặc ý tưởng của các thành viên hội đồng ra đề thi tại khu vực cách ly mà có biến đổi ít nhất 70% từ đề hoặc ý tưởng gốc, có phản biện độc lập…

Về công tác coi thi thực hiện theo nguyên tắc cán bộ giáo viên không coi thi tại địa phương mình mà huy động cán bộ, giáo viên ít nhất hai địa phương khác; tách bạch sự phân công nhiệm vụ thể giữa cán bộ tham gia làm phách và cán bộ phụ trách chấm thi, đánh phách hai vòng độc lập. Máy tính chứa phần mềm được bảo vệ nghiêm ngặt, có hai người khác nhau giữ mật khẩu mở máy và mật khẩu phần mềm. Quá trình làm phách có cán bộ thanh tra và cán bộ của Bộ Công an (A83) theo dõi…

Đối với chấm thi thực hiện nghiêm ngặt theo quy chế thi; khâu chọn người tham gia chấm thi cũng tách bạch giữa những người soạn thảo đề thi và người chấm thi; không có giáo viên THPT chuyên tham gia chấm thi. Việc chấm thi các môn thi được thực hiện tập trung tại hội trường có camera giám sát 24/24 giờ và có sự giám sát liên tục của cán bộ thanh tra và công an trong suốt quá trình chấm thi. Bài thi chấm hai vòng độc lập, phiếu chấm cá nhân được niêm phong lưu giữ để xử lý khi có nghi vấn. Các tổ chấm thi thực hiện việc chấm chung ít nhất 20 bài có điểm cao nhất của mỗi ngày thi để bảo đảm độ chính xác, khách quan. Việc duyệt giải thực hiện theo số phách và tiến hành kiểm dò, khớp phách ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi để bảo đảm kết quả thi chính xác rồi mới tiến hành ghép phách bài thi

Cũng theo ông Mai Văn Trinh, Bộ GD-ĐT đang triển khai nghiên cứu, xem xét toàn diện các khía cạnh để tiếp tục đổi mới công tác thi chọn HSGQG, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế từ sau năm 2020…

Nhiều băn khoăn trong tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia

MẠNH XUÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/dien-dan/item/38991402-xem-xet-toan-dien-viec-doi-moi-thi-hoc-sinh-gioi-quoc-gia.html