Xem xét thí điểm không tổ chức HĐND các phường của Hà Nội

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, chiều 14/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.

Hiện nay, số lượng đại biểu HĐND mỗi phường, xã, thị trấn của thành phố Hà Nội trong khoảng từ 25-30 đại biểu, trong đó số lượng đại biểu là cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu chiếm tương đối, số còn lại hầu hết là cán bộ, công chức đương chức của phường. Như vậy, nếu thí điểm không tổ chức HĐND tại 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của thành phố Hà Nội sẽ giảm được từ 2.900 - 3.500 cán bộ HĐND cấp phường.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng). Ảnh: Quốc Khánh

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng). Ảnh: Quốc Khánh

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội không chỉ liên quan và tác động trực tiếp đến các phường thực hiện thí điểm mà còn liên quan và ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của các thiết chế thuộc chính quyền địa phương ở quận, thị xã và cấp thành phố.

Để phù hợp, thích nghi với mô hình tổ chức chính quyền mới ở phường thì các thiết chế HĐND và UBND ở quận, thị xã và thành phố cũng phải cơ cấu lại nhiệm vụ, quyền hạn, xác định rõ việc nào thành phố đảm nhiệm, việc nào giao cho quận, thị xã và việc nào có thể giao cho cơ quan hành chính ở phường quyết định; cùng với đó là phải đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan, đặc biệt là UBND phường.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị xác định rõ vị trí và địa vị pháp lý của UBND phường. Vì theo Tờ trình, UBND phường không còn là cấp quy hoạch, một cấp ngân sách. UBND phường lúc này chỉ là cơ quan đại diện, là cánh tay nối dài của UBND quận, thị xã đặt tại phường. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết lại quy định UBND phường nơi không tổ chức HĐND là cơ quan hành chính nhà nước, trực thuộc UBND quận, thị xã. Quy định như vậy không rõ UBND phường là cơ quan đại diện của UBND quận, thị xã, cơ quan hành chính, cánh tay nối dài hay là cấp hành chính dưới cấp quận, thị xã.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đánh giá, việc tổ chức thí điểm đáp ứng với yêu cầu phát triển, đô thị hóa, hội nhập quốc tế tại Hà Nội, là yêu cầu trực tiếp đổi mới, cải cách bộ máy tổ chức tinh gọn, giảm thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp hiệu lực, hiệu quả. Qua đó tạo chủ động cho Chính phủ và chính quyền thành phố Hà Nội trong việc chuẩn bị nhân sự và tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp, bầu cử HĐND các cấp ở thành phố Hà Nội.

Về mô hình tổ chức chính quyền ở địa phương, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu ý kiến, theo dự thảo Nghị quyết mô hình chính quyền đô thị mô hình 2 cấp: tại thành phố Hà Nội và các quận, thị xã thì tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND; tại phường thì tổ chức chính quyền địa phương không tổ chức HĐND mà chỉ có cơ quan hành chính ở phường là UBND để thực hiện một số công việc quản lý hành chính nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công. Phường sẽ chỉ định có cơ quan hành chính và không có HĐND. Đây chính là cánh tay nối dài của chính quyền quận. Ở đây thí điểm trên phạm vi Hà Nội, có thể nhân rộng ở mô hình toàn quốc và sau khi thực hiện thí điểm thành công”.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau đề nghị báo cáo rõ lý do vì sao HĐND phường không phát huy hiệu quả. Phải chăng là cơ cấu đại biểu nặng về hình thức, đại biểu chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra, chưa thực hiện trọng trách mà nhân dân giao cho và từ đó không tổ chức HĐND. Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị làm rõ cơ sở pháp lý tờ trình của Chính phủ trình chưa vững chắc, "vi Hiến":

Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc (Hà Nội) giải thích rõ hơn: Đề án về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội được thành phố Hà Nội chuẩn bị công phu, có tiếp thu rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết 26 năm 2008 và có xây dựng lộ trình từng bước, thận trọng. Cụ thể, Đề án được thành phố Hà Nội triển khai 2 giai đoạn. Quá trình xây dựng, hoàn thiện, Thành ủy, HĐND, UBND đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát, nghiên cứu kinh nghệm ở các thành phố đã thí điểm theo Nghị quyết 26 của Quốc hội.

"Thành phố Hà Nội đã nghiên cứu kỹ lưỡng mọi tác động của dự án khi được triển khai thực hiện. Thành phố rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của HĐND phường để đảm bảo khi thực hiện đề án quyền làm chủ của người dân không bị hạn chế. Đồng thời rà soát, phân cấp trung ương với thành phố, giữa thành phố với quận huyện để tạo sự chủ động nhanh nhất trong điều hành hành chính các cấp chính quyền” - đại biểu Bích Ngọc làm rõ thêm.

Trước đó đầu giờ chiều, Quốc hội đã nghe Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia./.

Mỹ Anh

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/phap-luat/xem-xet-thi-diem-khong-to-chuc-hdnd-cac-phuong-cua-ha-noi-542881.html