Xem xét thấu đáo, thận trọng khi sửa đổi Bộ luật Lao động

Chiều 19-5, tại Hà Nội đã diễn ra Phiên họp toàn thể Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội lần thứ 13 để thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Bộ luật Lao động có hiệu lực thi hành từ 1-1-1995. Sau 24 năm, Bộ luật Lao động đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012. Để đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, theo Nghị quyết số 57/2018/QH14 ngày 8-6-2018 của Quốc hội khóa 14, Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) bố cục gồm 17 Chương, gồm 221 điều (giảm 21 điều so với hiện hành); trong đó: đã sửa đổi, bổ sung 162 Điều trong tất cả các chương, sửa đổi 2 Điều của Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu (Bộ luật Lao động hiện hành gồm 17 Chương và 242 Điều).

 Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong hệ thống pháp luật lao động của nước ta, Bộ luật Lao động giữ vị trí rất quan trọng, điều chỉnh lĩnh vực khá rộng, tác động tới tất cả các thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp, các tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và người lao động. Bộ luật Lao động lần này được sửa đổi toàn diện, với nhiều vấn đề mới, phức tạp, có những vấn đề chưa có tiền lệ ở Việt Nam nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng; bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp 2013, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, ngoài ra còn đáp ứng yêu cầu rất quan trọng trong hội nhập quốc tế, đáp ứng với tình hình với cả về kinh tế-chính trị và xã hội, vì vậy cần xem xét thấu đáo, thận trọng và đa chiều.

Nêu các lý do phải sửa đổi Bộ luật Lao động, Tờ trình Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) được đưa ra tại phiên họp cho thấy, trong thực tiễn thi hành Bộ luật Lao động năm 2012 vẫn còn một số điều chưa đáp ứng sự phát triển rất nhanh chóng và mạnh mẽ của thị trường lao động, yêu cầu nâng cao năng suất lao động, yêu cầu cải tiến quản trị nhân lực doanh nghiệp trong bối cảnh tác động của cách mạng công nghệ lần thứ 4. Tại các diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn đầu tư kinh doanh, nhiều ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đề nghị cần sớm được sửa đổi, bổ sung các quy định về hợp đồng lao động, tiền lương, làm thêm giờ, tuyển dụng và quản lý lao động nhằm tạo khung pháp lý thông thoáng hơn, linh hoạt hơn cho doanh nghiệp về lao động để tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh. Do vậy, Bộ luật Lao động cần được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thực thi hiệu quả trong thực tế áp dụng và tạo môi trường pháp lý linh hoạt hơn cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Cùng với đó, Bộ luật Lao động cần được tiếp tục sửa đổi để bổ sung các chế định mới nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền con người trong trong lĩnh vực lao động, quan hệ lao động và thị trường lao động và đảm bảo tính thống nhất, sự phù hợp của hệ thống pháp luật. Đặc biệt, Bộ luật Lao động cần sửa đổi để bảo đảm sự tương thích với tiêu chuẩn lao động quốc tế khi Việt Nam ngày càng hội sâu rộng và nền kinh tế quốc tế.

Tham luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, nhiều nội dung đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân như: Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; đề xuất bổ sung 1 ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7) …

Tin, ảnh: VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/xem-xet-thau-dao-than-trong-khi-sua-doi-bo-luat-lao-dong-574487