Xem xét thận trọng việc tổ chức thi THPT, lùi thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi)

Băn khoăn trước một số vụ tiêu cực liên quan đến điểm thi THPT quốc gia vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lùi thời gian thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) sang năm 2019 để xem xét thận trọng, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị xem xét thận trọng, lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Chiều nay, 8-8, tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) là việc có nên tổ chức hay không tiếp tục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay mà thay bằng trao chứng chỉ cho học sinh.

Cụ thể, luồng ý kiến thứ hai đề xuất không tổ chức thi mà xét và cấp bằng tốt nghiệp THPT để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này; tương thích với xu hướng đổi mới đánh giá theo quá trình; giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại. Quan điểm của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội là ủng hộ ý kiến thứ nhất.

Thảo luận về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhắc lại câu chuyện thi THPT Quốc gia vừa qua để lại nhiều dư âm phải giải quyết, trả lời, xử lý. Theo ông Phúc, việc có 2 luồng ý kiến về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cho thấy đây là vấn đề cần cân nhắc, bởi nếu tổ chức thi mà giao cho địa phương như vừa qua thì cũng phải khắc phục để làm sao để không xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp.

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị lùi thời hạn thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) sang kỳ họp 7 của Quốc hội (năm 2019). “Tôi nghĩ luật liên quan đến nhiều đối tượng nên cần thận trọng, tiếp tục xin ý kiến chuyên gia, cử tri, nhân dân và có thêm thời gian để thận trọng trước khi quyết sách” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Đồng quan điểm, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải nhất trí quan điểm cần thêm thời gian để lấy ý kiến cử tri và nhân dân, cân nhắc và có bước đi thận trọng trước khi thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi).

Về 2 phương án thi THPT trong dự án Luật này, bà Hải ủng hộ phương án tổ chức kỳ thi “2 trong 1” như hiện nay và cho rằng mấu chốt cần phải bàn chính là khâu tổ chức kỳ thi. Bên cạnh đó, bà Hải cũng đề xuất, ngoài việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thì có thể cho phép một số đại học tự chủ tổ chức thêm 1 kỳ thi để tuyển sinh đầu vào nhưng với phương thức tuyển sinh khác đi chứ không trở về như trước đây.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự Luật Giáo dục (sửa đổi) vẫn đưa ra cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6 – Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 10-2018, nhưng sau đó Quốc hội giao cho Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi nhân dân để hoàn thiện và lùi thời hạn thông qua luật vào kỳ họp thứ 7, tháng 5-2019.

“Đây là vấn đề lớn, có tác động, ảnh hưởng đến từng nhà nên làm dự luật cần thấu đáo và lấy kiến rộng rãi nhân dân giống như làm Luật Đất đai trước đây được thông qua với quy trình 3 kỳ họp” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ nghiêm túc hoàn chỉnh dự án luật này, tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý trước khi trình ra Quốc hội.

Duy Tiến

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/xem-xet-than-trong-viec-to-chuc-thi-thpt-lui-thong-qua-luat-giao-duc-sua-doi/777771.antd