Xem xét quy định mức diện tích bình quân về chỗ ở làm điều kiện đăng ký thường trú

Nhiều ý kiến cho rằng cần quy định mức diện tích bình quân về chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ làm điều kiện đăng ký thường trú. Như vậy, quyền cư trú của người dân được thực hiện đồng đều và thống nhất giữa các địa phương về quy định điều kiện diện tích nhà ở tối thiểu trong thực hiện luật.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 21/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Về điều kiện đăng ký thường trú (Điều 20), qua thảo luận, hiện có 02 loại ý kiến về vấn đề này. Do còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thiết kế nội dung quy định về điều kiện đăng ký thường trú đối với trường hợp có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thành 02 phương án tương ứng, cụ thể là:

Phương án 1: Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người.

Phương án 2: Đã đăng ký tạm trú trong cùng phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ 01 năm trở lên.

Thảo luận tại Hội trường, đa số đại biểu đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung đại biểu góp ý từ Kỳ họp thứ 9 đến nay.

 Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Ảnh: TH.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Ảnh: TH.

Đại biểu (ĐB)Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) bày tỏ nhất trí với phương án 1, cần quy định một trong các điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ là phải đảm bảo diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định, nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người.

Theo ĐB Dung, luật cần có quy định để đảm bảo việc đáp ứng cơ sở hạ tầng, các dịch vụ thiết yếu cho người dân sinh sống trên một địa bàn nhất định. Vì mỗi tỉnh, thành và mức gia tăng dân số cơ học là khác nhau, điều kiện cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu dân cư không giống nhau. Do đó, nên để Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định diện tích nhà ở tối thiểu phù hợp với địa phương mình. Luật chỉ nên quy định hạn mức tối thiểu áp dụng chung cho cả nước là 8m2/người trở lên.

ĐB Dung phân tích: “Việc quy định điều kiện đăng ký thường trú có thời gian tạm trú từ 1 năm trở lên tại địa bàn, theo tôi là không hợp lý. Bởi việc xác định thường trú hay tạm trú của mỗi công dân còn phụ thuộc vào mục đích sinh sống tại nơi đó của mỗi người. Ví dụ, thường xác định thường trú là để lập nghiệp, còn học tập chỉ là tạm trú, dù thời gian học có thể kéo dài nhiều năm”.

Đồng quan điểm, ĐB Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) cho rằng việc bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định, nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người, bởi mức tối thiểu 8m2 hoặc cao hơn cho một người cũng là mức đã được đưa thành chỉ tiêu phấn đấu và phải hoàn thành trong năm 2020 của hầu hết các địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Như vậy, quyền cư trú của người dân được thực hiện đồng đều và thống nhất giữa các địa phương về quy định điều kiện diện tích nhà ở tối thiểu trong thực hiện luật.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng việc quy định diện tích nhà ở tối thiểu nhằm đảm bảo cho mỗi người dân có chỗ ở, có diện tích sàn tối thiểu để dễ dàng sinh hoạt trong gia đình nếu nhiều người ở, nhiều thế hệ khác nhau. Mặt khác, phòng ngừa chủ nhà lợi dụng cho thuê, mượn nhà ở thường trú nhiều người để trục lợi, trong khi đó diện tích nhà thì rất chật hẹp, không đảm bảo sinh hoạt và mất vệ sinh, dễ lây lan dịch bệnh hiện hành, những trường hợp này đã xảy ra rồi.

Trong khi đó, ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị tích hợp là cả 2 điều kiện này, tức là phải đủ điều kiện là đã tạm trú 1 năm trở lên. Hai là vẫn phải đủ điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định, nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người để đảm bảo nguyên tắc quản lý nhà nước.

ĐB nhấn mạnh: “Chúng ta phải cố gắng phấn đấu có hành lang pháp lý, từ đó đề ra các biện pháp và giải pháp để làm sao chúng ta tiến tới mục tiêu là hoàn thiện được quyền được tạm trú, thường trú của công dân và đồng thời, quyền có chỗ ở hợp pháp và điều kiện sinh sống ngày càng tốt hơn của công dân”.

Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến của các đại biểu Quốc hội góp ý và xem xét những trường hợp cụ thể để hoàn chỉnh dự luật này cho đáp ứng được đối với các yêu cầu về việc chỉnh sửa./.

Vy Anh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/thoi-su/xem-xet-quy-dinh-muc-dien-tich-binh-quan-ve-cho-o-lam-dieu-kien-dang-ky-thuong-tru-566175.html