Xem xét, giải quyết lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật

Chiều 25/12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức nghiệm thu đề tài cấp Bộ 'Xem xét, giải quyết lại quyết định giải quyết khiếu nại (GQKN) đã có hiệu lực pháp luật' do TS. Phạm Thị Huệ làm chủ nhiệm. TS Đinh Văn Minh là Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu.

Mục đích nghiên cứu là hướng tới tổng kết, đánh giá thực trạng việc xem xét, giải quyết lại quyết định GQKN đã có hiệu lực pháp luật thời gian qua trên cơ sở đó đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về vấn đề này nhằm “tạo điểm dừng” trong giải quyết KN nâng cao hiệu quả thực hiện quyết định GQKN đã có hiệu lực pháp luật; kết quả nghiên cứu đồng thời cũng đề xuất vai trò của cơ quan thanh tra và các chủ thể khác trong vấn đề này.

Trên cơ sở đó, nội dung nghiên cứu bao gồm 3 phần: Phần 1: Một số vấn đề chung về xem xét, giải quyết lại quyết định GQKN đã có hiệu lực pháp luật; Phần 2: Thực trạng pháp luật và thực tiễn xem xét, giải quyết lại quyết định GQKN đã có hiệu lực pháp luật; Phần 3: Giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả xem xét giải quyết lại quyết định GQKN đã có hiệu lực pháp luật.

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu đề tài, đề tài đạt được mục tiêu đặt ra, tập trung làm rõ các vấn đề lý luận về xem xét, giải quyết lại quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật. Đã đề cập được quy định pháp luật về vấn đề này, thực trạng việc xem xét, giải quyết lại quyết định GQKN đã có hiệu lực pháp luật; đưa ra được những đề xuất, kiến nghị, giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả việc xem xét, giải quyết lại quyết định GQKN có hiệu lực pháp luật...

TS Đinh Văn Minh đã kết luận: Việc nghiên cứu đề tài là cần thiết, các giải pháp đưa ra khá phong phú, toàn diện, bao gồm giải pháp về hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện, có thể nghiên cứu sử dụng trong thực tiễn.

Ông Minh cũng cho rằng, các định hướng hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về việc xem xét lại quyết định KN có hiệu lực pháp luật cơ bản phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tế. Nhưng, sẽ có giá trị khoa học hơn nếu tác giả sử dụng kết quả nghiên cứu trong Chương I, Chương II để phân tích sâu sắc cơ sở lý luận và thực tiễn.

Ban chủ nhiệm đề tài cũng cần nghiên cứu hoàn thiện thêm phần lý luận, bản án, quyết định đã có hiệu lực của pháp luật trong hoạt động tư pháp như các quyết định do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành đã có hiệu lực của pháp luật nhưng vẫn còn oan sai, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người KN được xem xét, giải quyết KN; bổ sung số liệu về thực tiễn, một số nội dung trong phần lý luận còn dài dòng, chưa tập trung làm rõ đặc điểm, bản chất của việc xem xét, giải quyết lại số liệu về kết quả xem xét giải quyết lại chưa nhiều, còn hơi phiến diện.

Từ những đóng góp của đề tài. Hội đồng Nghiệm thu đánh giá đề tài xếp loại xuất sắc.

Thái Hải

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/xem-xet-giai-quyet-lai-quyet-dinh-giai-quyet-khieu-nai-da-co-hieu-luc-phap-luat_t114c1059n143020