Xem xét dời trạm thu phí BOT T2: Rất ngưỡng mộ nếu...

Việc di dời trạm thu phí BOT T2 không chỉ là niềm mong mỏi của các doanh nghiệp ở An Giang mà còn là của tất cả người dân.

Vị trí phù hợp nhất

Ngày 30/5/2019, trả lời báo chí về hướng giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập đang diễn ra tại trạm thu phí BOT T2 (Q. Thốt Nốt, TP. Cần Thơ), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết: "Hiện bộ GTVT cũng đang nghiên cứu cả phương án di dời trạm”.

Trao đổi với Đất Việt về thông tin trên, ông Nguyễn Ngọc Xuân - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô An Giang bày tỏ sự vui mừng, đầy hy vọng khi Bộ GTVT bước đâu đã lắng nghe ý kiến đề nghị của nhiều doanh nghiệp An Giang nói riêng và các tỉnh miền Tây Nam Bộ nói chung.

Ông Xuân cho biết, trong cuộc họp các bên được tổ chức vào ngày 24/5/2019, trong khi đại diện doanh nghiệp và người dân đều đề xuất di dời trạm thì phía các cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư dự án lại bày tỏ sự khó khăn cả về pháp lý và tiền bạc khi di dời trạm thu phí BOT T2.

Mặc dù ai cũng phải thừa nhận vị trí hiện tại BOT T2 đang xảy ra sự bất cập khi có trường hợp chỉ đi khoảng 300m đường nhưng phải trả phí cho toàn tuyến.

Trạm thu phí BOT T2 thường xuyên xảy ra ách tắc trong thời gian gần đây vì bất cập trong việc thu phí với những xe lên - xuống cầu Vàm Cống.

Trạm thu phí BOT T2 thường xuyên xảy ra ách tắc trong thời gian gần đây vì bất cập trong việc thu phí với những xe lên - xuống cầu Vàm Cống.

"Doanh nghiệp, người dân đề nghị là như thế nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn là thuộc về cơ quan Nhà nước. Khi họ kêu khó, chúng tôi cũng rất buồn. Nhưng nay họ bổ sung nghiên cứu thêm việc di dời trạm thì cũng là điều đáng mừng" - ông Xuân bày tỏ.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô An Giang cho rằng, cho dù đây chỉ là một phương án, các bên còn phải nghiên cứu chứ chưa đi vào thực hiện nhưng điều đó cũng đáng ghi nhận, cho thấy cơ quan Nhà nước đã lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp.

"Nếu Bộ GTVT di dời được trạm thu phí BOT T2 thì đó là điều đáng ngưỡng mộ. Không chỉ doanh nghiệp, người dân tỉnh An Giang mà các tỉnh miền Tây Nam Bộ đều phải biết ơn điều đó" - ông Xuân nhận định.

Theo ông Xuân, vị trí phù hợp nhất với trạm BOT T2 là đoạn bên dưới ngã 3 Lộ Tẻ, một lối đi vào đường dẫn lên cầu Vàm Cống còn một hướng QL91 đi thẳng xuống Kiên Giang.

Ai chịu phí tổn di dời BOT T2?

Ông Nguyễn Việt Trí - Giám đốc Sở GTVT An Giang mặc dù cũng thừa nhận sự bất cập mà "ai cũng nhìn thấy" ở trạm thu phí BOT T2 nhưng để giải quyết những bất cập đó thì không nhất thiết phải di dời trạm.

Ông Trí dự tính, chi phí di dời trạm thu phí BOT T2 mất khoảng 70 - 80 tỷ đồng, chi phí làm khoảng 700m đường QL91 từ ngã 3 Lộ Tẻ đến Long Xuyên mất khoảng 20 tỷ đồng. Bộ GTVT cho rằng nếu di dời trạm BOT T2 thì phía An Giang phải bỏ ra số tiền này.

Để tiết kiệm tiền cho tỉnh nhà, ông Trí cho rằng nên thực hiện phương án "đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu" khi qua trạm BOT T2.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Xuân không đồng tình với việc tỉnh An Giang phải bỏ ra số tiền khoảng 100 tỷ đồng để di dời trạm BOT T2.

"Vị trí đặt trạm BOT T2 bất cập như hiện nay là do phía Bộ GTVT, nhà đầu tư và các đơn vị tham mưu lựa chọn thì tại sao bắt An Giang phải chịu điều nay. Các doanh nghiệp chúng tôi hoàn toàn có thể cùng nhau gom số tiền đó để trả cho nhà đầu tư để di dời trạm nhưng như thế là không đúng về mặt pháp lý" - ông Xuân bày tỏ.

Còn trong trường hợp An Giang bỏ số tiền 100 tỷ để di dời trạm BOT T2, ông Xuân cho rằng nhà đầu tư cải tạo Ql91 phải có nghĩa vụ trích % từ tiền bán vé để trả lại cho An Giang cả phần gốc lẫn lãi cho đến khi nào đủ thì thôi.

Vân Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/xem-xet-doi-tram-thu-phi-bot-t2-rat-nguong-mo-neu-3381026/