Xem xét 5 dự án luật và các nghị quyết quan trọng

Hôm qua (11/3), tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 32.

Theo tin từ Văn phòng Quốc hội, phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 5 dự án luật gồm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); dự án Luật Kiến trúc; dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); dự án Luật Thư viện và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tạo phiên Khai mạc. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tạo phiên Khai mạc. Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021; Nghị quyết quy định chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật Công an nhân dân năm 2018; xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên và thị trấn Vĩnh Viễn thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cho biết, so với dự kiến chương trình đã thông báo đến các cơ quan hữu quan thì chương trình Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 5 nội dung bị rút ra khỏi chương trình do các cơ quan không bảo đảm tiến độ chuẩn bị hoặc cần nghiên cứu hoàn thiện thêm.

Đó là: Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Danh mục dự án sử dụng dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nguồn ngân sách trung ương.

Ngay sau phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Sau khi xem xét đại diện Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp tục rà soát, hoàn thiện lại dự thảo Luật theo hướng chỉ đề xuất sửa đổi những nội dung thực sự cần thiết; nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động để tránh chồng chéo với cơ quan thanh tra theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.

Cũng liên quan đến dự thảo Luật này, một trong những vấn đề gây nhiều băn khoăn nhất là đề xuất của cơ quan soạn thảo về đơn vị được kiểm toán. Dự thảo về đơn vị được kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đề xuất bổ sung đơn vị được kiểm toán vào khoản 13 Điều 55: “Người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tàỉ nguyên, khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định cụ thể mục tiêu, nội dung và phương pháp kiểm toán đối với các đối tượng quy định tại Khoản này”. Đây cũng là điều mà lãnh đạo Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước phản biện nhiều nhất và cũng ý kiến trái chiều nhất.

Kết luận nội dung về sửa đổi, bổ sung Luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc sửa đổi Luật Kiểm toán Nhà nước tôi đồng tình nhất trí, nhưng những nội dung trong Luật Kiểm toán Nhà nước khi đề cập kiểm toán người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tàỉ nguyên, khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công… thì cần cân nhắc để phù hợp với phạm vi hoạt động của kiểm toán.

“Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán tài sản, tài chính công, còn người nộp thuế không phải là người tham gia vào lĩnh vực này. Người nộp thuế là đối tượng chịu sự quản lý của cơ quan thuế nên việc cơ quan kiểm toán tới kiểm toán người nộp thuế liệu có khả thi - điều này cần cân nhắc. Vô hình chung sẽ có rất nhiều đối tượng phải được kiểm tra, kiểm soát, cho nên dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước cần cân nhắc”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

H.P- N.D

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/xem-xet-5-du-an-luat-va-cac-nghi-quyet-quan-trong-88397.html