Xem vây bắt tội phạm, xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân: Ngoài bị phạt hành chính, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Qua vụ vây bắt Tuấn 'khỉ' và sau đó là một người dân xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân cho gia đình Lê Quốc Tuấn. Đây là một hiện tượng rất đáng buồn, thể hiện tính hiếu kỳ rất cao, thậm chí còn thể hiện văn hóa lạc hậu. Theo các luật sư, hành vi này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một bạn đọc ở Hà Nội cho rằng: “Việc người dân tập trung đông người xem vây bắt tội phạm nguy hiểm, có vũ khí ở nước mình không phải là hiếm. Trên mạng người ta còn chế ảnh người nước ngoài thấy vây bắt tội phạm thì họ tìm cách thoát thân, còn người Việt Nam thì bu kín. Đặc biệt, ngay sau khi Tuấn “khỉ” bị tiêu diệt, hàng chục người đã kéo đến căn nhà hoang nơi Tuấn từng ẩn náu để quay clip đăng lên YouTube, mạng xã hội. Họ còn “chầu chực” trước căn nhà của gia đình Tuấn “khỉ” (ở huyện Củ Chi) để chờ gia đình mở cửa là quay clip hoặc phát sóng trực tiếp lên mạng xã hội. Thậm chí, nhiều người livestream tại lễ tang Tuấn “khỉ”.

Hành động quay video, clip này đã bị gia đình, hàng xóm của Tuấn phản ứng vì người gây ra tội đã không còn, chỉ còn người thân của Tuấn, mà họ là những người vô tội. Gia đình Tuấn không liên quan đến hành vi phạm tội của Tuấn, không có hành vi che giấu sau khi Tuấn phạm tội và bị truy nã, thì phải được đối xử như những công dân bình thường.

Rất đông người dân hiếu kỳ đến theo dõi hiện trường Tuấn "khỉ" bị tiêu diệt.

Rất đông người dân hiếu kỳ đến theo dõi hiện trường Tuấn "khỉ" bị tiêu diệt.

Dưới góc độ pháp lý, một số luật sư cho rằng, bên cạnh việc gây khó khăn cho cơ quan chức năng, những hành vi như thế này còn cản trở hoạt động thi hành công vụ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật và có thể xem xét bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể. Việc một số người chờ trước nhà của gia đình Lê Quốc Tuấn để quay clip hoặc phát sóng trực tiếp lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật, thiếu tính nhân văn.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn luật sư TP Hà Nội), trong trường hợp, hành vi được xác định là lôi kéo, kích động người khác gây mất trật tự công cộng (tham gia theo dõi vụ việc nhưng hò hét, gây rối trật tự, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự...) thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Với những người lao vào khu vực hiện trường vụ án, cản trở hoạt động thi hành công vụ mà đã được nhắc nhở nhưng vẫn vi phạm thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người dân chứng kiến vụ việc bắt giữ tội phạm mà không chấp hành mệnh lệnh, yêu cầu của lực lượng chức năng mà có hành vi cản trở thi hành công vụ hoặc chống người thi hành công vụ đến mức nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Luật sư Thái chia sẻ thêm, mặc dù Tuấn “khỉ” đã bị tiêu diệt nhưng nơi đối tượng ẩn náu, nơi bị tiêu diệt là hiện trường của vụ án hình sự. Khi đã được xác định là hiện trường, được khoanh vùng bảo vệ để thực hiện các hoạt động tố tụng như tìm kiếm dấu vết, thu thập chứng cứ, xác định vai trò đồng phạm... và các yếu tố khác. Nếu người dân cố tình xâm phạm vào hiện trường vụ án hình sự, gây xáo trộn hiện trường, ảnh hưởng đến hoạt động điều tra thì cũng sẽ bị xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Và tùy vào hành vi và tính chất mức độ cụ thể của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội danh liên quan đến nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp hoặc tội che giấu tội phạm (nếu như xóa bỏ các dấu vết)...

Liên quan đến việc một số người dân “chầu chực” trước nhà của gia đình Lê Quốc Tuấn để quay clip hoặc phát sóng trực tiếp lên mạng xã hội, luật sư Thái cho rằng, hành vi đăng các hình ảnh cá nhân mà chưa được phép của người bị đăng thì đó là sự vi phạm pháp luật. Bộ Luật Dân sự 2015 đã quy định rất rõ ở Điều 38 về quyền này. Điều này đồng nghĩa những hành vi sai trái kia hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm pháp lý để yêu cầu bồi thường.

Theo luật sư Thái, gia đình có thể nhờ lực lượng chức năng can thiệp để ổn định cuộc sống. Nếu hình ảnh riêng tư, hình ảnh trẻ em bị phát tán trên mạng thì có thể yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp theo Luật An ninh mạng. Bên cạnh đó, nhà quản lý YouTube rất khắt khe đối với cách kênh youTube phát tán, xâm phạm đến lợi ích trẻ em. Chính vì vậy, cộng đồng cần nâng cao nhận thức, cần báo cáo những clip xâm phạm đời tư để YouTube xem xét đối với những kênh vi phạm.

Đặc biệt, theo quy định tại Điều 38 Bộ Luật Dân sự: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý; việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác”. Như vậy, nơi ở của gia đình Lê Quốc Tuấn thuộc phạm vi riêng tư, bí mật của gia đình. Hành vi quay clip khi chưa được sự đồng ý của các thành viên trong gia đình đều là hành vi vi phạm pháp luật.

“Ngoài ra, hành vi này còn có dấu hiệu vi phạm Điều 17 Luật An ninh mạng năm 2018. Đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật”, cơ quan chức năng hoàn toàn có cơ sở triệu tập những người này để làm việc, yêu cầu giải trình và xử lý theo quy định của pháp luật” - luật sư Thái chia sẻ.

Quốc Doanh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xem-vay-bat-toi-pham-xam-pham-doi-song-rieng-tu-bi-mat-ca-nhan-ngoai-bi-phat-hanh-chinh-co-the-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-180602.html