'Xem tranh nude mà chỉ thấy nhục dục là cái nhìn thiên kiến'

Giới mỹ thuật cho rằng, mỗi công chúng phải tự trang bị kiến thức, thẩm mỹ cho mình. Chỉ khi đó họ mới có thể bước qua được lằn ranh mong manh của dung tục và nghệ thuật.

“Đó là một tác phẩm đẹp”, “Thế mà là nghệ thuật à? Tranh khiêu dâm thì có”… là những nhận xét thường thấy khi một tranh nude được đưa ra công chúng. Dù ngày càng có nhiều triển lãm tranh nude được thực hiện, nhiều họa sĩ sáng tác với đề tài này, thì ranh giới giữa dung tục và nghệ thuật vẫn là vấn đề gây tranh luận của tranh khỏa thân.

“Tôi rất ghét, rất là ghét tranh khỏa thân, nhưng…”

Tại không gian Đại học Mỹ thuật hôm 28/9, một phụ nữ ăn vận lịch sự đi giữa các bức tranh khỏa thân. Bà Kim Oanh (phố Lương Đình Của, Hà Nội) được bạn rủ đi xem triển lãm và đến nơi thì biết đó là một cuộc trưng bày tranh nude. “Cảm hứng bất tận” là triển lãm tranh nude quy mô lớn trưng bày 64 tranh phụ nữ khỏa thân của 30 họa sĩ.

Khi được hỏi cảm nhận về triển lãm, bà chậm rãi: “Tôi vốn rất ghét, rất là ghét tranh khỏa thân. Không bao giờ tôi muốn nhìn phụ nữ khỏa thân đâu. Hôm nay tới đây, tôi thấy tranh có gì đấy tế nhị, e ấp. Tôi thích những bức thể hiện sự thơ ngây người phụ nữ. Cảm giác đưa đến là vẻ đẹp của người phụ nữ, các họa sĩ vẽ mang hồn của con người, khiến cho tác phẩm mang vẻ đẹp chứ không sỗ sàng dung tục”, bà nói.

Một góc triển lãm "Cảm hứng bất tận". Ảnh: Duy Hiệu.

Một góc triển lãm "Cảm hứng bất tận". Ảnh: Duy Hiệu.

Với Nguyễn Thị Thu Hà (32 tuổi) thì tranh trong triển lãm “bình thường”. “Tôi bắt đầu học vẽ tranh. Với tranh khỏa thân, ban đầu tôi thấy nó kỳ kỳ, nhưng giờ thì tranh khỏa thân cũng bình thường, là cái đẹp thôi”, Thu Hà nói.

Nhà sưu tập Ứng Văn Cao là người có bốn bức tranh nude trưng bày ở triển lãm. Ông cho biết trong nhà có khoảng hơn 10 bức tranh nude. Không giống nhiều người có tranh khỏa thân thường chỉ dám treo phòng ngủ, nhà ông treo trang trọng ở phòng khách. Nhà sưu tập cho biết vợ, con ông cũng thích tranh nên việc sưu tầm tác phẩm khỏa thân là bình thường. Tất nhiên khi lựa chọn tranh khỏa thân để treo cũng phải tìm hiểu, nghiên cứu, lựa chọn nội dung, vị trí treo cho phù hợp.

Không ít người ngần ngại trước tranh khỏa thân khi chưa ngắm tác phẩm cụ thể. Chỉ khi được đối diện với những tác phẩm nghệ thuật đã được giới chuyên môn sàng lọc, giới thiệu, họ mới cảm nhận được vẻ đẹp của các bức tranh này.

Ngay cả giới trong nghề vẫn có ý kiến rằng tranh khỏa thân thì khó được cấp phép trưng bày, nhưng đại diện ban tổ chức triển lãm "Cảm hứng bất tận" cho biết không có rào cản nào từ cơ quan quản lý. Phía Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm khi biết nội dung các tác phẩm đã hướng dẫn cụ thể để ban tổ chức hoàn thiện thủ tục được thuận tiện.

“Tranh khiêu dâm, tranh bộc lộ cái xấu, người trong nghề nhận ra ngay”

Khi được hỏi trước một bức tranh nude, đâu là ranh giới giữa nghệ thuật và khiêu dâm, ông Phạm Phi Châu - Giám tuyển triển lãm - nói: “Trong giới vẽ, chúng tôi đều hiểu nhau cả. Họa sĩ sáng tác tranh phong cảnh, chân dung, tranh nude… ai có khả năng nào chúng tôi đều thấy cả. Tranh khỏa thân là tác phẩm trong sáng, thuần khiết, nhìn vào ta thấy đẹp, gợi những cảm xúc đẹp, ca ngợi vẻ đẹp con người. Còn tranh bộc lộ cái xấu, người trong nghề nhìn nhận ra ngay”.

Ông Phạm Huyền Kiêu - thành viên ban tổ chức triển lãm - cho rằng ranh giới để phân biệt tác phẩm nghệ thuật với tranh dung tục là ở mỗi người. Ông nói mỗi cộng đồng có một tiêu chí riêng, luật pháp hay nguyên tắc đạo đức là một chuyện, còn bản thân nhận thức, trình độ cá nhân mới là quan trọng.

Một khán giả xem tranh tại triển lãm. Ảnh: Duy Hiệu

“Bạn có đủ năng lực, đủ kiến thức và bạn hình thành quan điểm cho riêng mình thì bạn sẽ là người lựa chọn, phân định thế nào là nghệ thuật, thế nào là khiêu dâm. Tôi nghĩ luật hay những quy định xã hội chỉ là phương tiện tham khảo trong cộng đồng mà thôi. Bạn tiếp xúc nhiều với nghệ thuật, bạn tự biết cái nào mang lại cảm xúc tốt cho bạn, thì đó là nghệ thuật, cái nào đem lại cảm xúc không tốt cho bạn, thì nó phi nghệ thuật. Không ai đứng ra làm quan tòa cho bạn được”, ông Phạm Huyền Kiêu nói.

Theo ông Huyền Kiêu, tranh nude là chủ đề nhạy cảm trong văn hóa truyền thống Việt Nam và nhiều nước Á Đông; ngay cả phương Tây cũng có thời kỳ tranh nude gặp phản bác, phải xóa đi, vẽ thêm quần áo vào. Tuy vậy, tranh khỏa thân là một đề tài quen thuộc, những người làm mỹ thuật đều phải nghiên cứu về cơ thể con người.

“Họa sĩ, kiến trúc sư, nhà điêu khắc, nhà thiết kế… đều học vẽ hình thể con người. Tại sao người học mỹ thuật phải học vẽ nude? vì bản chất của nghệ thuật hay bất cứ bộ môn nào cũng là để phục vụ con người. Trong tất cả vẻ đẹp tự nhiên, vẻ đẹp nhân tạo… vẻ đẹp con người hoàn hảo nhất. Thiết kế thời trang mà không học về cơ thể thì không thể thiết kế nổi. Hoặc thiết kế nội thất làm phòng, giường ngủ, ngay cả thiết bị vệ sinh nghe chừng không liên quan, nhưng nếu không hiểu về con người họ không thể làm ra sản phẩm tốt, đẹp được”, ông Huyền Kiêu phân tích.

“Nếu ta chỉ nhìn tranh khỏa thân là phơi bày, là nhục dục thì đó là cái nhìn thiên kiến”, ông Huyền Kiêu nói. Theo ông, vấn đề quan trọng nhất là phải trang bị kiến thức, thế giới quan để hình thành nhận thức về nghệ thuật, về cái đẹp.

Tần Tần

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/xem-tranh-nude-ma-chi-thay-nhuc-duc-la-cai-nhin-thien-kien-post995920.html