Xem tranh Đông Hồ 'Đám cưới chuột' nhân năm Canh Tý

Trong các dòng tranh dân gian Việt Nam như Hàng Trống (Hà Nội), Làng Sình (Huế), Kim Hoàng (Hà Nội) thì tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) là khá phổ biến từng được in ấn, phát hành rộng rãi trong cả nước mỗi dịp đón Tết, vui Xuân. Sở dĩ như vậy bởi dòng tranh này phong phú, đa dạng về nội dung, điêu luyện về cách thức biểu đạt. Bên cạnh nhiều bức tranh hạnh phúc: đàn lợn, đàn gà, trâu, cá,… còn có những bức tranh có hàm ý hai mặt vừa trào phúng, vui nhộn vừa có tính châm biếm hài hước, đả kích, triết lý sâu sắc về mối quan hệ nhân - quả, thiện - ác như tranh 'Đánh ghen', 'Hứng dừa',... trong đó 'Đám cưới chuột' là một điển hình.

Tranh dân gian Đông Hồ “Đám cưới chuột”.

Tranh dân gian Đông Hồ “Đám cưới chuột”.

“Đám cưới chuột” nổi tiếng không những về bố cục, đường nét, cấu trúc, mầu sắc mà còn bởi nội dung triết lý về nhân văn, nhân bản, tính hài hước, châm biếm về sự bất công giữa dân chúng cần lao với bọn tham quan ô lại. Bức tranh “Đám cưới chuột” đã xuất hiện từ lâu, nhưng sức lan tỏa về ý nghĩa của nó đã thẩm thấu khá sâu đậm trong tâm thức người Việt. Các nghệ nhân ở vùng văn hóa Kinh Bắc, làng Hồ đã tái hiện lại một cách trừu tượng hư, thực theo lối nhân cách hóa tinh tế, sâu sắc. Loài chuột đâu có đám cưới, nghinh hôn như con người thế mà xem tranh đó, con người dễ cảm nhận, dễ hóa thân như nhân vật người thật.

Dưới chế độ phong kiến, người dân Việt Nam đã liệt quan tham vào loài súc vật và trong tranh “Đám cưới chuột”, mèo tượng trưng cho thế lực ấy. Mèo và chuột là hai loài đối kháng, xung khắc nhau. Mèo là con vật chuyên ăn thịt chuột, chuột (mồi ăn của mèo) là loài gặm nhấm rất tinh nhanh, láu lỉnh, thoáng nghe tiếng mèo kêu là biến trong chớp mắt... Thế mà, lạ kỳ thay, trong cuộc hành trình đám cưới chuột, qua cổng gác của mèo, chuột đã điềm nhiên rồng rắn đi qua trót lọt được là điều lạ lùng đáng phải nói. Khá độc đáo về nghệ thuật tạo hình, đường nét mầu sắc, và cách thức biểu đạt riêng trong bố cục, cấu trúc, nhìn vào bức tranh “Đám cưới chuột”, người xem thấy có hai lớp, trên, dưới hay nói cách khác có hai tầng, nhưng cùng chung một nội dung là diễn tả hành trình của cuộc đám cưới chuột. Lớp trên của bức tranh được miêu tả khá hài hước, dí dỏm về việc vượt chướng ngại vật đầy khó khăn của các chú chuột, một là ông mèo già nhưng rất to béo, mắt tráo trợn, mặt gầm gừ, râu mép tủa dài trông dữ tợn, một bên là những chú chuột tuy láu lỉnh, ma lanh nhưng rất nhút nhát, có vẻ run sợ, nếu mèo có hành động ngổ ngáo là bỏ của “chạy lấy người” tháo thân. Nghệ nhân làng Hồ đã cấu trúc 12 con chuột, có thể là tượng trưng cho 12 con giáp mà chuột là con vật đứng đầu hàng can. Cách biểu đạt sắp xếp bốn chú chuột ở lớp trên là biểu hiện cảnh dâng lễ vật cho mèo. Một chú chuột tay cầm con chim, khom lưng, khúm núm dè dặt lễ độ nhưng run sợ. Sau lễ dâng chim là chú chuột dâng lễ cá, hai tay cầm con cá mà bất an sợ sệt trước một ông mèo khổng lồ đáng gờm. Mặc dầu bản nhạc kèn của hai chú chuột đi sau có vẻ xua đi nỗi sợ sệt, nhưng qua bức tranh miêu tả thì hai thợ kèn này còn run rẩy hơn nhiều.

Lớp dưới là một chú chuột đực, cân đai áo mũ, mới đỗ đạt quan trạng nguyên, cưỡi ngựa oai nghi, vinh quy bái tổ và cưới một cô vợ xinh đẹp nhất vùng. Cách miêu tả trong tranh là chú chuột đực khỏe mạnh đội mũ cánh chuồn, mặc áo thụng xanh, chân đi hia, trông đạo mạo phương phi, thỉnh thoảng ngoảnh lại phía sau nhìn đám rước và quan sát người vợ xinh đẹp của mình vui vẻ, tươi cười ra sao khi được làm vợ quan trạng. Tiếp đó là chuột đen cầm lộng, đi sau là chú chuột khoang tay cầm tấm biển có tiêu đề “nghinh hôn”, các chú chuột khênh kiệu cô dâu tuy nặng nhọc nhưng xem ra có vẻ tự hào được giao trọng trách, song thỉnh thoảng vẫn đề phòng ngoái lại ngó ông mèo. Đám rước cưới, xem ra hoành tráng, tự tin nhưng nhìn mấy chú chuột đi sau cùng thì đâu có an tâm, vừa đi vừa ngoảnh đi ngoảnh lại tứ phía đề phòng ông mèo trở mặt. Cô vợ quan trạng trong kiệu vẫn lạc quan vui vẻ với bộ áo gấm, nhìn chồng trạng nguyên đỗ đạt cao mặc dù cô nàng biết chồng mình học dốt đặc cán mai, biết đâu chàng có chức trạng là phải đút lót cho nhiều quan lớn, nhiều lễ vật mới ngoi lên làm chức trạng. Thật hài hước và dí dỏm khi người xem tranh thấy hai lớp có hình thức khác nhau nhưng nội dung lại hoàn toàn thống nhất là tham lam, hối lộ để được danh lợi.

Bức tranh “Đám cưới chuột” trên nền giấy điệp cho người xem hình dung lại một hoạt cảnh đầy ấn tượng về nhân tình thế thái xã hội xưa. Bức tranh phản ánh và phê phán hai loại quan tham xấu xa trong xã hội phong kiến, đó là “quan tham của tham tiền” và loại quan tham danh chạy chọt đút lót. Ở vùng Kinh Bắc, Hà Nam xưa, còn truyền miệng nhiều câu chuyện có thật về sự tham lam nhũng nhiễu của các ông quan tỉnh, quan huyện, quan xã đã gây bất bình, bức xúc trong nhân dân làng quê. Từ những hành động xấu xa đó nên mấy ông đồ, nhân ngày Tết, bàn với nhau mua bức tranh “Đám cưới chuột” rồi cắt lấy phần đầu tức là tầng trên của tranh, đúng sáng mồng một Tết đưa đến nhà quan lớn để làm quà mừng xuân năm mới. Phần trên của tranh “Đám cưới chuột” có hai chú chuột thổi kèn, hai chú chuột đưa chim và cá để hối lộ ông mèo. Quan lớn cầm bức tranh ngắm nghía rồi tự nhiên tròn to mắt hỏi các ông đồ, thế sao các người không tặng cả tranh “Đám cưới chuột” mà lại cắt phần dưới bỏ đi tặng ta phần trên là có ý gì? Mấy ông đồ giải thích: Dạ thưa quan lớn, quan là cha là mẹ của dân, việc gì quan nói đều là đúng, việc gì quan muốn đều được, cũng như chim trên trời, quan muốn là bắt được ngay, cá dưới biển sâu, quan cần ăn là có liền, đúng thế thưa quan. Vậy thì hai thằng chuột thổi kèn là có ý gì? Thưa là: Hai chú chuột kia thổi bản nhạc hay như là nhã nhạc cung đình chúc mừng năm Tý, quan sẽ lên chức to hơn có nhiều bổng lộc.

Lát sau, khi mấy ông đồ đi rồi, quan lấy tranh ra xem lại nó nói có thật không, tự nhiên quan quát to: “Mèo là ăn vụng, ăn tham, ăn bẩn, ăn tạp, sao chúng nó dám ví mèo giống ta?”...

Nông dân Việt Nam là người tích lũy nhiều kinh nghiệm, kiến thức từ nền văn minh lúa nước, nên họ rất thấu hiểu những quy luật của tự nhiên, cả quy luật đối kháng và cộng sinh của nhiều loài vật mà mèo với chuột, thậm chí là rắn, chim cú săn mồi là một thí dụ. Điều thú vị là trí tuệ dân gian đã thổi vào đó những suy tư qua các hình tượng nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ lâu bền sâu sắc.

Bức tranh “Đám cưới chuột” tuy ra đời cách đây khoảng hàng trăm năm rồi, nhưng tư tưởng, âm hưởng, nhân bản, nhân văn của tranh vẫn còn sống động thẩm thấu cho đến ngày nay.

Họa sĩ HOÀNG HOA MAI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43028302-xem-tranh-dong-ho-%E2%80%9Cdam-cuoi-chuot%E2%80%9D-nhan-nam-canh-ty.html