Xem 'Tổng đài Hạnh phúc', nghĩ về cách nuôi dạy con

Mỗi cuộc gọi đến Tổng đài Hạnh phúc trong bộ phim cùng tên là một bài học về phương pháp giáo dục con được đúc kết.

Giáo dục giữ vai trò chủ đạo trong sự hình thành và phát triển nhân cách con người. Đặc biệt, trong thời hiện đại, khi có quá nhiều thứ khiến trẻ bị lơ là, cám dỗ thì việc nuôi dạy con cái càng là yếu tố quan trọng được các bậc cha mẹ đặt lên hàng đầu.

Việc làm cha mẹ cũng cần một quá trình học tập, đúc rút kinh nghiệm và thậm chí là vấp ngã. Amy Chua – giảng viên đại học Mỹ gốc Trung nổi tiếng, người từng xuất bản tự truyện về cách dạy con Battle Hymn of the Tiger Mother từng khẳng định: “Làm cha mẹ là công việc nặng nhọc nhất tôi từng làm”.

Mỗi gia đình có một quan điểm khác nhau về cách nuôi con, phụ thuộc vào yếu tố văn hóa, địa lý, nghề nghiệp, mức thu nhập... Làm cha mẹ cũng là một “nghề” cần phải học. Mà đôi khi không ai khác, chính đứa trẻ là người hướng dẫn cho cha mẹ những bài học vô giá về tầm quan trọng của việc lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ.

Ở phương Đông, phụ huynh thường dạy con cái theo những gì được học từ cha mẹ mình. Phần đông họ cảm thấy khó buông tay khỏi cuộc sống của con dù con bao nhiêu tuổi đi chăng nữa. Điều này có thể thấy rõ trong Tổng đài Hạnh phúc, phim đang chiếu trên VTV2 vào khung giờ Gia đình 4.0, hiện đã đi đến tập 8.

Hải và Hương là những đứa con được nuông chiều từ bé theo phong cách này. Với đôi mắt tiên, Kim Tử sớm nhận ra điều đó: “Thực ra, các bậc cha mẹ sai rồi. Cái gì họ cũng dành hết cho con, nhưng lại không cho con biết nỗi khổ của mình…”.

Hải vì là con trai cưng của gia đình, Hương vì không có mẹ bên cạnh nên được cha muốn bù đắp nhiều hơn. Sự yêu thương mù quáng ấy cứ dần lớn lên theo tuổi tác của con, để sau này chính cha mẹ phải gánh hậu quả đau xót.

Hải vay lãi suất cao khiến chủ nợ kéo đến nhà. Mẹ anh liên tục van xin chủ nợ tha cho con trai bà, còn người bố thay con trai gồng gánh, chịu trách nhiệm về khoản nợ.

Đây là tâm lý chung của nhiều bậc cha mẹ, giống như khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ cấm dầm mưa, trời nắng không cho ra đường, không cho nghịch bẩn vì lo ốm. Trong nhà, người lớn cứ sợ trẻ rửa bát làm vỡ, sợ dùng dao đứt tay, lau cửa sổ bị té ngã… nên gánh vác nốt mọi việc. Cha mẹ dần dần vô tình tước đi những kỹ năng sống quan trọng của trẻ.

Cảnh phim "Tổng đài Hạnh phúc" tập 6.

Cảnh phim "Tổng đài Hạnh phúc" tập 6.

Đứa trẻ cứ thế lớn lên, mặc định là mình có quyền được nhận tất cả… và trở nên ích kỷ. Đứa trẻ có lỗi, nhưng nó còn hối lỗi. Còn cha mẹ, đến chết vẫn chỉ nghĩ là mình cho con chưa đủ nhiều mà không biết hối hận về những sai lầm của mình khi không dạy con làm người phải biết ơn”, Kim Tử nói trong tập 6.

Hương là cô con gái được bố chiều chuộng quá mức, luôn đáp ứng những đòi hỏi vô lý. Dần dần, Hương quen với việc vòi vĩnh và khi không đạt được, cô trở nên hỗn hào, ngang bướng.

Bố Hương vì muốn con được đáp ứng mọi điều kiện tốt nhất mà nuông chiều cô bé. Dù đã 18 tuổi – cái tuổi phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, cô vẫn giữ thói quen phụ thuộc vào cha mẹ và kết quả là dần trở nên sa ngã.

Trách Hương nhưng khán giả cũng nghĩ nhiều đến cách bố cô “chiều chuộng” con. Nếu ông cho Hương tự lập, chịu trách nhiệm với quyết định của bản thân, nhìn thấy sự vất vả để có đồng tiền thì có lẽ một tân sinh viên đỗ trường đại học danh giá như Hương sẽ có tương lai rộng mở. Cô học trò ngoan ngoãn dần trở nên lầm lạc, một phần cũng vì sự bao bọc quá đà và giáo dục lệch hướng của phụ huynh.

Cha mẹ nào cũng yêu thương và mong muốn cho con những điều tốt nhất. Phụ huynh lo lắng, lường trước nguy hiểm cho con là đúng đắn. Nhưng “tiệt trùng” môi trường sống của con chẳng những không bảo vệ được trẻ mà ngược lại sẽ làm trẻ yếu ớt và ngại khó hơn.

Câu chuyện của Hải hay Hương đều có kết thúc thật buồn. Sự nuông chiều con sai cách không chỉ khiến bố mẹ đau lòng mà còn làm tương lai của chúng sụp đổ. Xuất phát từ tình yêu thương, niềm hy vọng to lớn song trên thực tế, kết quả mà tình yêu thương đó mang lại đôi khi không như mong muốn.

Câu nói của Kim Tử khiến Long trào nước mắt, cũng là câu nói khiến nhiều người “thấm” và ngẫm nghĩ: “Cha mẹ cố cho con tất cả, tin rằng họ đang cho con mình hạnh phúc. Nhưng đứa trẻ chỉ thực sự nhận được hạnh phúc đó khi nó học được cách đón nhận với lòng biết ơn. Nếu là nhận trái ngọt từ người khác mà không thực sự biết ơn thì sớm muộn gì, trái ngọt đó cũng biến thành trái đắng bất hạnh”.

NGỌC VÂN

Nguồn VTC: https://vtc.vn/xem-tong-dai-hanh-phuc-nghi-ve-cach-nuoi-day-con-ar571267.html