Xem toàn cảnh lễ Hạ nêu và khai ấn trong Hoàng cung Huế

Sáng 11/2 (mùng 7 Tết), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lễ Hạ nêu và khai ấn cung chúc tân xuân trong Hoàng cung (Đại Nội) Huế.

Các ấn vàng (giả như ấn xưa) và lễ phẩm treo ở ngọn nêu được lấy khi cây nêu dần được hạ xuống

Lễ Hạ nêu có ý nghĩa nhắc nhở mọi người rằng kỳ nghỉ Tết đã hết cũng là lúc quay trở về cuộc sống thường nhật. Khai ấn là nghi thức mở đầu cho một năm làm việc của bộ máy hành chính Trung ương xưa với hy vọng cả năm mọi việc suôn sẻ, nhiều thành công, đất nước được thái bình thịnh trị.

Lễ Hạ nêu gồm có các lễ cúng nêu, nhạc lễ (đại nhạc, tiểu nhạc, đánh chuông trống) và tiến hành hạ cây nêu xuống. Hơn một chục binh lính tiến hành tháo dây buộc và đưa gốc ra khỏi mặt đất, hạ dần cây nêu xuống. Cùng lúc là các ấn vàng (giả như ấn xưa), lễ phẩm treo ở ngọn nêu được lấy xuống.

Lễ được tái dựng từ năm 2013 đến nay, tổ chức tại Triệu Miếu, Thế Miếu và điện Long An. Sau lễ Hạ nêu là phần khai ấn cung chúc tân xuân. Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cô đô Huế khai bút và dùng ấn vàng (được làm lại giống như ấn vua lúc xưa) đóng vào các tờ giấy trên có ghi các chữ may mắn như Phúc, Lộc, Nhẫn, Tiến… để tặng cho du khách.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, trong quan niệm của ngày xưa thì ngày Tết thường bắt đầu bằng ngày 23 tháng Chạp và kết thúc vào ngày 27 tháng Giêng, tức là trước Tết 1 tuần và sau Tết 1 tuần, trong đó ngày 23 tháng Chạp là ngày Dựng nêu và ngày 7 tháng Giêng là ngày Hạ nêu, để bắt đầu công việc của năm mới. “Hiện nay chúng tôi cũng phục hồi lễ Dựng nêu vào đúng ngày 23 tháng Chạp và lễ Hạ nêu vào ngày 7 tháng Giêng…”, ông Hải cho hay.

Lễ Hạ nêu gồm có các lễ cúng nêu, nhạc lễ (đại nhạc, tiểu nhạc, đánh chuông trống)... Lễ Hạ nêu có ý nghĩa nhắc nhở mọi người rằng kỳ nghỉ Tết đã hết cũng là lúc quay trở về cuộc sống thường nhật

Trước đó, vào sáng 23 tháng Chạp (28/1), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ Dựng nêu. Lễ Dựng nêu và Hạ nêu ở cố đô Huế được tái hiện vào năm 2013 và duy trì cho đến nay. Ngoài những quan niệm tâm linh của dân gian, lễ dựng nêu của triều Nguyễn còn có mục đích để báo hiệu ngày Tết đã tới

Các ấn vàng (giả như ấn xưa), lễ phẩm treo ở ngọn nêu

Hơn một chục binh lính tiến hành tháo dây buộc và đưa gốc ra khỏi mặt đất

... Cây nêu dần được hạ xuống

Ấn và các lễ phẩm ở ngọn nêu cũng được tháo ra

Sau đó, các... binh lính sẽ vác cây nêu rước quanh Hoàng cung Huế

Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế... khai bút

Ngọc ấn được lấy xuống từ cây nêu với bốn chữ “Phú- Thọ- Khanh- Ninh” (giàu sang, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên); Kim ấn được đóng vào các tờ giấy trên đó có ghi các chữ Thư pháp mang ý nghĩa may mắn ở dạng thư pháp như Phúc, Lộc Thọ, Tâm, Tài, Đạt...

Du khách phấn khởi khi được tặng chữ tại lễ Hạ nêu và khai ấn trong Hoàng cung (Đại Nội) Huế

Nữ du khách người Pháp cũng rất hào hứng khi được tặng chữ

Ấn và cây nêu được rước quanh trong Hoàng cung Huế

Du khách hào hứng "check in" khi đoàn rước nêu đi qua tuyến đường gần Ngọ Môn và Điện Thái Hòa trong Hoàng cung Huế

Duy Lợi

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/xem-toan-canh-le-ha-neu-va-khai-an-trong-hoang-cung-hue-d410460.html