Xem phim kinh dị thấy sợ đời thực

Chưa phim kinh dị nào mà xem lại phấn khích như 'Get out' (Trốn thoát). Gần như chả sợ gì ngoài sợ... tài năng của Jordan Peele. Kịch bản hấp dẫn, thông minh và vẫn dựa trên logic của đời sống. Không vận dụng những thứ siêu nhiên, siêu hình, vô căn cứ và vô lý để nhát ma bằng mọi giá. Chả thế mà kịch bản đoạt Oscar. Và đạo diễn Jordan Peele cũng là biên kịch da đen đầu tiên đoạt giải này. Màn ra mắt ấn tượng của một tác giả khi đó mới 38.

Một kiểu nô lệ kinh dị chỉ có trong phim ảnh (Diễn viên Daniel Kaluuya vào vai chính)

Một kiểu nô lệ kinh dị chỉ có trong phim ảnh (Diễn viên Daniel Kaluuya vào vai chính)

Phim cung cấp một manh mối giúp tôi lý giải căn nguyên nỗi sợ khi xem phim ma. Sẽ thật hãi hùng nếu một thực thể vô hình như ma quỷ chiếm dụng hoàn toàn thân xác nhân vật. Nhưng nếu chiếm dụng theo kiểu “khoa học” như cấy con chíp hay thay não chẳng hạn thì lại chẳng đáng sợ. Mặc dù hậu quả có khi khủng khiếp hơn. Vì đã thay rồi thì không thể trở lại như cũ được nữa!

Phim bắt đầu với cảnh anh da đen đang đi trên phố thì bị bắt cóc trong đêm. Rồi chuyển sang bình minh của anh da đen khác là Chris Washington đang hào hứng chuẩn bị ra mắt nhà bạn gái da trắng Rose Armitage.

Trên đường về ngôi biệt thự ở ngoại ô xa lắc, xe họ va phải con hươu gãy cả gương. Điềm không lành… Nhưng lại là dịp để cô gái chứng tỏ tính hào hiệp bảo vệ chàng trai trước cảnh sát. Đơn giản cô cầm lái nhưng tay cảnh sát da trắng lại cứ đòi xem căn cước của chàng trai.

Là nhiếp ảnh gia, Chris Washington có khả năng quan sát hơn người, nên nhận ngay ra những điểm lạ lùng ở hai người giúp việc đều da đen của nhà vợ tương lai. Bố Rose giải thích do họ từng chăm sóc ông bà cụ trước khi mất nên được gia đình giữ lại- lý do có vẻ không hợp lý cho lắm vì họ đều trẻ khỏe mà lại chịu giam mình ở nơi khỉ ho cò gáy làm những công việc nhàm chán.

Bà mẹ của Rose là nhà tâm lý, cứ tha thiết đòi thôi miên Chris để trị chứng nghiện thuốc lá mà bà cho rằng không tốt cho con gái bà (trong văn hóa Mỹ, đây là biểu hiện thiếu tôn trọng). Hôm sau gia đình có cuộc gặp họ hàng - rất đông, toàn ông già bà cả. Người hầu da đen đứng ngay cửa ôm hôn các vị khách như chủ nhà. Vốn đã nghi ngờ cung cách kì dị của hai người hầu này, Chris lập tức làm quen với người da đen thứ ba trong số khách mời. Anh ta cũng còn trẻ nốt…

Tất cả các chi tiết đều có ý nghĩa. Thậm chí ngay khi kịch bản gần như tiết lộ âm mưu của gia đình da trắng kia, phim vẫn tiếp tục hấp dẫn. Vì cái thú vị ở đây là sau tất cả, các nhân vật hành động ra sao. Chứng kiến sự thay đổi thái độ liên tục (gọi là trở mặt) của Rose ở những phân cảnh cuối mà xem.

Nhân vật chính hẳn rất đau xót khi nhận ra sự phân biệt đối xử là có thật và còn hơn thế nữa: Nó được cả hai bên (trắng và đen) chấp nhận. Chính các cảnh sát da đen cũng thờ ơ khi được trình báo về người da đen mất tích. Câu chuyện lấy bối cảnh cuối nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ đầu tiên là người da đen.

Ngoài việc người da đen bị đặt vào tình thế dễ bị lạm dụng hơn thì những người da trắng trong phim còn có một lý do thực dụng để chọn đối tượng da màu: Trời cho dân da đen cơ thể khỏe mạnh dẻo dai hơn, mà người cao tuổi chỉ cần có thế. Nghĩa là người da đen (trong phim) vẫn bị đối xử không hơn thời nô lệ: Chỉ thân xác họ mới đáng quan tâm, còn tư duy, nhận thức- vứt! Tôi thấy kiểu phản đối Black Minds Matter bằng phim này hay, không rầy rà như Black Lives Matter ngoài đời…

NGUYỄN MẠNH HÀ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/xem-phim-kinh-di-thay-so-doi-thuc-1705822.tpo