Xem nguyệt thực đẹp nhất tại Việt Nam vào 2 giờ đêm nay

Ngay trong đêm nay, người dân Việt Nam sẽ được chứng kiến hiện tượng nguyệt thực nửa tối.

Tại Việt Nam, nguyệt thực nửa tối lần này sẽ bắt đầu lúc 0 giờ 45 phút ngày 6/6, đạt cực đại lúc 2 giờ 12 phút và kết thúc lúc 4 giờ 4 phút.

Hiện tượng này sẽ không thể thấy tại Bắc Mỹ, nhưng có thể được quan sát tại châu Âu, châu Phi, châu Úc và nhiều quốc gia châu Á.

 Hiện tượng nguyệt thực nửa tối lần này sẽ đạt đỉnh vào 2 giờ 12 phút 6/6 (giờ Việt Nam). Ảnh: Metro.

Hiện tượng nguyệt thực nửa tối lần này sẽ đạt đỉnh vào 2 giờ 12 phút 6/6 (giờ Việt Nam). Ảnh: Metro.

Nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trăng, Trái Đất và Mặt Trời cùng nằm trên một đường thẳng, trong đó Mặt Trăng đi qua bóng của Trái Đất.

Trong khi đó, nguyệt thực nửa tối còn gọi là trăng dâu tây (Strawberry Moon) - xảy ra khi Mặt Trăng đi qua vùng tối một phần của Trái Đất (vùng nửa tối), khiến Mặt Trăng bị tối màu đi một chút chứ không tối hoàn toàn.

Nguyệt thực hay nhật thực luôn là sự kiện thiên văn thú vị, tuy nhiên việc có xem được nguyệt thực hay không còn phụ thuộc vào thời tiết, vị trí quan sát. Khác với nhật thực, mọi người hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng nguyệt thực bằng mắt thường.

Nếu muốn chụp lại nguyệt thực, nên chọn những nơi có góc nhìn rộng, thoáng đãng, vùng bầu trời lớn, ít ánh đèn. Nên chờ lúc Mặt Trăng gần về đường chân trời phía Đông rồi chụp để cho ra hiệu ứng đẹp nhất, theo CNN.

Nếu thời tiết hoặc khu vực đang sống khó quan sát, bạn có thể xem video trực tiếp sự kiện từ Rome (Italy) trên nhiều website như Virtual Telescope Project.

Lần nguyệt thực đầu tiên trong năm nay đã diễn ra vào ngày 10/1. Ngày 21/6 tới đây, người dân Việt Nam có thể tiếp tục được quan sát hiện tượng nhật thực hình khuyên.

Hai lần nguyệt thực tiếp theo trong năm nay lần lượt diễn ra vào ngày 5/7 và 30/11, tuy nhiên có thể người dân Việt Nam sẽ không thể quan sát toàn bộ hiện tượng vào 2 thời điểm trên.

Vì sao Mặt Trăng chuyển màu đỏ khi nguyệt thực? Nguyệt thực xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng thẳng hàng hoặc xấp xỉ thẳng hàng. Lúc này, ánh sáng Mặt Trời qua Trái Đất bị tán xạ, khiến cho Mặt Trăng chuyển sang màu đỏ.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xem-nguyet-thuc-dep-nhat-vao-2-gio-dem-nay-post1092623.html