Xem Chí Phèo, Thị Nở 'tình tự' bên sông Thương

Chí Phèo và Thị Nở trong vườn chuối, vẻ khắc khổ của Lão Hạc... được dựng thành tượng tại Vườn hiện thực Nam Cao – Vũ Trọng Phụng trong Vườn Nghệ thuật Sông Thương ở Bắc Giang.

Tượng nhân vật vợ chồng giáo Thứ

"Vườn hiện thực Nam Cao – Vũ Trọng Phụng" là khu vườn tái hiện các nhân vật trong truyện của hai nhà văn hiện thực phê phán bậc thầy của nước ta, vừa được khai trương tại Vườn Nghệ thuật Sông Thương (Sông Thương Garden) – một địa chỉ du lịch sinh thái, nghệ thuật nằm bên dòng sông Thương đoạn chảy qua thành phố Bắc Giang.

Những nhân vật trong sách vở như Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, Lão Hạc, giáo Thứ, Xuân Tóc Đỏ, bà Phó Đoan, Nghị Hách, Thị Mịch... được kết bằng cây xanh, bằng tượng hiển hiện giữa đời thực. Đặc biệt, tượng của người con quê hương Kinh Bắc với những bài thơ nổi tiếng như Về Kinh Bắc, Bên kia sông Đuống, Lá diêu bông - nhà thơ Hoàng Cầm được tạc ở trung tâm vườn tượng với câu thơ khắc trên bệ: Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc.

Tượng Lão Hạc

Tượng Chí Phèo - Thị Nở

Cổng vào Vườn hiện thực Nam Cao - Vũ Trọng Phụng

Đây là một địa điểm học ngoại khóa sống động dành cho các học sinh, sinh viên. Khu vườn tượng này nằm cạnh bờ sông, bên vườn cải, những lũy tre thấp thoáng bóng cò trắng... tạo nên một khung cảnh thơ mộng hiếm có trong nhịp sống đô thị hiện nay.

Cùng với Vườn hiện thực Nam Cao – Vũ Trọng Phụng, Sông Thương Garden cũng khai trương Bảo tàng Di tích chiến tranh. Trưng bày tại đây có sơ đồ trận đánh sông Như Nguyệt lừng lẫy năm 1077 do Lý Thường Kiệt chống quân Tống xâm lược; sơ đồ Chiến dịch Chi Lăng – Xương Giang gây trấn động của nghĩa quân Lam Sơn đánh giặc Minh; hình ảnh một phần đồn Phồn Xương- căn cứ của nghĩa quân Đề Thám...

Một góc Bảo tàng Di tích chiến tranh

Bảo tàng cũng lưu giữ, phục dựng những đau thương mất mát của chiến tranh theo các chủ đề: Nhà tù; Chất độc màu da cam; Chiến trận; Hành trang người lính; Chiến trường – máu và hoa … cùng với nhiều hiện vật như: Máy chém thời thực dân Pháp, các vỏ bom của Mỹ, vỏ đạn pháo, vỏ đạn cối, hình ảnh những cánh rừng bị tàn phá do chất độc màu da cam gây ra …

Những hiện vật tại bảo tàng không chỉ được sưu tầm từ các chiến trường xưa mà còn được các tướng lĩnh, sĩ quan và nhà văn – nhà thơ nổi tiếng trao tặng lại như: Chiếc ống nhòm của lính Mỹ được nhà văn Nguyễn Trọng Luân lưu giữ; mũ sắt, ăng gô của nhà văn Nguyễn Hữu Thọ sử dụng trong mặt trận Quảng Trị; bản thảo bài thơ viết trong chiến trường của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến...

Bảo tàng Di tích chiến tranh ở Sông Thương Garden không quá nặng về những hiện vật liên quan đến những sự kiện lịch sử. Ở đây, người xem có thể gặp những mảnh vỏ bom được dùng để trồng hoa, biểu trưng cho khát vọng vươn lên từ sự hủy diệt. Hay những vỏ bom được sắp đặt nghệ thuật để không mang những ám ảnh, nặng nề. Những người thiết kế đã dùng những hiện vật chiến tranh không chỉ để gợi mở, mà còn là những chủ thể thẩm mỹ. Cùng với đó là những bức tranh, tượng... được các họa sĩ sáng tạo từ quá khứ chiến tranh. Như bức họa được vẽ lại từ bức ảnh Em bé Nalpal nổi tiếng quen thuộc nhưng khi đặt ở Bảo tàng Di tích chiến tranh vẫn có sức ám ảnh, day dứt người xem.

Những vỏ bom được sắp đặt nghệ thuật để tránh tạo sự nặng nề, ám ảnh

Vườn Nghệ thuật Sông Thương có diện tích trên 6ha, do nhà văn Sương Nguyệt Minh làm Giám đốc nghệ thuật, doanh nghiệp tư nhân Mười Thương triển khai thực hiện, đi vào hoạt động từ tháng 12/2016.

Một số hình ảnh của Vườn Nghệ thuật Sông Thương:

Cối xay gió, biểu tượng kỳ vĩ trong tiểu thuyết lừng danh Dôn Kihôtê của văn hào Cervantes

Phiên bản tượng Nữ thần Tự Do

Toa tàu điện gợi nhớ về một thời Hà Nội...

Tượng thần Venus

Một góc Bảo tàng văn hóa Kinh Bắc

Hầm rượu Latin

Khung cảnh thanh bình bên mô hình tháp Eiffel

Biểu diễn thường xuyên ở Sông Thương Garden là các nghệ sĩ vĩ cầm của làng Then (Bắc Giang)

Minh Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/song-cham/xem-chi-pheo-thi-no-tinh-tu-ben-song-thuong-post32278.html