Xem áo dài và ngắm cúc họa mi

Những chiếc áo dài quý đã từng gắn bó với các nghệ nhân như: NNƯT Nguyễn Thị Lịch (hát xoan), NNƯT Nguyễn Phú Hiệp (quan họ), NNƯT Nguyễn Phú Đẹ (ca trù), NNƯT Phan Đức Huệ (đờn ca tài tử)... được trưng bày xen lẫn những đóa cúc họa mi trong Bảo tàng áo dài.

Khu vực tôn vinh áo dài của Bảo tàng Áo dài đã trở thành điểm dừng chân nổi bật bởi không gian vừa đậm màu sắc văn hóa dân tộc mà vẫn sáng tạo, cuốn hút tại Triển lãm Không gian Di sản Văn hóa Việt Nam 2018.

Diễn ra trong 3 ngày từ 23 đến 25/11/2018 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Số 2 Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội), Triển lãm Không gian Di sản Văn hóa Việt Nam là sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm tôn vinh và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc trên các vùng miền đất nước.

Bảo tàng Áo dài góp mặt tại triển lãm để giới thiệu đến công chúng thủ đô và du khách thập phương về câu chuyện của tà áo đã gắn liền với lịch sử dân tộc trong suốt quá trình phát triển, hội nhập.

Trong không gian văn hóa phương Đông với sắc đỏ chủ đạo, điểm xuyết những đóa cúc họa mi chớm nở đặc trưng cho tiết thu Hà Nội, hình ảnh áo dài dân tộc qua các thời kỳ lôi cuốn người xem bởi mỗi đường nét, họa tiết, vóc dáng và chất liệu đều biểu thị vẻ đẹp cho nếp sống người Việt.

Khách tham quan sẽ được thưởng lãm hơn 40 hiện vật áo dài quý giá phản ánh 5 chủ đề đa dạng như: Áo dài lịch sử, Áo dài của các nhân vật nổi tiếng, Áo dài di sản, Áo dài trẻ em, Áo dài hội nhập và điểm nhấn Áo dài hoa sen – quốc hoa Việt Nam.

Đặc biệt bộ sưu tập “Áo dài di sản” giúp người xem cảm nhận sâu sắc về hình ảnh áo dài như một hiện thân không thể tách rời với biểu tượng văn hóa quan trọng của quốc gia. Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, cố vấn quản lý Bảo tàng Áo dài, khách thăm quan chắc hẳn sẽ thấy thú vị với trang phục đã bước vào 7 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. “Để có bộ sưu tập áo dài này, chúng tôi đã tìm đến nhà các nghệ nhân như NNƯT Nguyễn Thị Lịch (hát xoan), NNƯT Nguyễn Phú Hiệp (quan họ), NNƯT Nguyễn Phú Đẹ (ca trù), NNƯT Phan Đức Huệ (đờn ca tài tử)... được nghe những câu chuyện xúc động xung quanh chiếc áo dài đó", bà Ngọc Vân chia sẻ.

Bà Ngọc Vân cho biết: "Khi chúng tôi đến nhà cụ Nguyễn Phú Đẹ, gia đình cụ phải hội ý 3 thế hệ mới đồng ý tặng Bảo tàng chiếc áo dài cụ đã mặc suốt một đời biểu diễn. Hay NNƯT Phan Đức Huệ không tặng áo dài của mình, mà tặng áo dài của cụ thân sinh Phan Văn Trạch, người đã dạy ông đờn ca tài tử. Chiếc áo được gìn giữ bao năm trên ban thờ, nay được ông gửi gắm cho bảo tàng... Có thể thấy, đằng sau những tấm áo dài di sản không chỉ hàm chứa câu chuyện của di sản văn hóa, mà còn là câu chuyện về những con người đã dành cả đời gìn giữ, trao truyền di sản văn hóa thế giới”.

Bà Huỳnh Ngọc Vân kỳ vọng lần triển lãm này, người dân Thủ đô sẽ biết tới Bảo tàng áo dài, đến câu chuyện của áo dài. Du khách tới triển lãm cũng có thể hiểu hơn về áo dài Việt Nam. Nhưng theo bà Vân, để hiểu tường tận về lịch sử của áo dài, có lẽ những người yêu mến nó phải tới tận Bảo tàng áo dài để tìm hiểu. "Qua hành trình hơn 5 năm, Bảo tàng không chỉ trưng bày những tác phẩm từ nhiều loại hình nghệ thuật mang cảm hứng sáng tạo xoay quanh Áo dài, mà còn tích cực quảng bá áo dài như một trang phục truyền thống chứa đựng giá trị tinh thần dân tộc, cần được chính thức công nhận xứng tầm Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại nhiều sự kiện mang tính quy mô quốc gia và quốc tế", bà Vân chia sẻ.

Khu vực triển lãm của Bảo tàng cũng đồng thời mang đến trải nghiệm sinh động dành cho khách tham quan như lưu lại khoảng khắc vận thử những thiết kế áo dài đương đại hay hoạt động trải nghiệm dành cho các em thiếu nhi trực tiếp tham gia vẽ trên giấy những mẫu áo dài cùng các nghệ nhân. Đây là nội dung tương tác quan trọng, khuyến khích giới trẻ tìm hiểu về di sản theo tinh thần “Thiếu nhi và tuổi trẻ với di sản văn hóa Việt Nam” được chú trọng tại sự kiện năm nay.

Sở hữu quần thể không gian thiên nhiên rộng mở gần 20.000 m2 phảng phất màu sắc thiền tịnh, mang dấu ấn kiến trúc truyền thống đặc trưng vùng miền Tây sông nước, Bảo tàng Áo dài không chỉ bảo tồn, phát huy các giá trị cốt lõi của dân tộc trong nhịp sống thời đại mà còn thúc đẩy hành trình hội nhập cùng các nền văn hóa thế giới. Bảo tàng Áo dài thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm chuyên môn, hệ thống các nghiên cứu chuyên sâu toàn diện về áo dài dưới nhiều góc độ từ lịch sử, khoa học, văn hóa, xã hội, kỹ thuật cắt may cho đến ghi nhận thực tế đời sống các thế hệ nghệ nhân trên khắp vùng miền đất nước, đó là nỗ lực không ngừng nghỉ trong bước tiến đến mục tiêu được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/di-san-my-thuat-san-khau/xem-ao-dai-va-ngam-cuc-hoa-mi-490494.html