Xe ưu tiên: Xin đừng lạm quyền... ưu tiên!

'Xe ưu tiên có những 'đặc quyền đặc lợi' riêng, như được phép lấn làn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, tuy nhiên, phải trong quá trình làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, không được sử dụng quyền ưu tiên vào mục đích cá nhân, không chính đáng.

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ (thời điểm chụp ảnh là trung tá) - nguyên Tổ trưởng Tổ xử lý vi phạm Đội CSGT số 1 (Công an TP Hà Nội).

Thực tế có chuyện xe ưu tiên rú còi ủ, đèn quay phóng nhanh vượt ẩu khi tài xế đi rửa xe hoặc về bãi tập kết, trường hợp này, lực lượng chức năng khó rất kiểm soát”, đó là chia sẻ của thượng tá Nguyễn Văn Quỹ – nguyên Tổ trưởng Tổ xử lý vi phạm Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Công an TP. Hà Nội).

Câu chuyện đổ lỗi cho tài xế xe cứu hỏa hay xe khách trong vụ tai nạn trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ nhận được những ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng. Theo Điều 22 Luật Giao thông đường bộ, có thể khẳng định, xe cứu hỏa chạy ngược chiều đúng luật, bởi phương tiện này có mức độ ưu tiên cao nhất trong các phương tiện giao thông trên đường.

Song, xe khách liệu có sai khi phương tiện này đang di chuyển với tốc độ cao nên khó tránh và thời tiết không tốt ảnh hưởng đến tầm quan sát của lái xe khách, nhất là khi xe cứu hỏa từ đường nhánh rẽ vào cao tốc. Cho nên khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng, việc đổ lỗi cho một ai đó bằng suy nghĩ cảm tính đều thật phiến diện.

Rất khó kiểm soát xe ưu tiên

Từ câu chuyện trên, nhiều người cho rằng đang có sự không rạch ròi giữa “quyền năng tối cao” của xe ưu tiên với các phương tiện giao thông khác. Bởi lẽ, có thực trạng xe ưu tiên “lạm quyền” ưu tiên, rú còi ủ, đèn quay, phóng nhanh, vượt ẩu, trong khi không làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.

Cách đây không lâu, mạng xã hội lan truyền clip người đàn ông điều khiển ôtô KIA kiên quyết không nhường đường cho xe cứu thương chạy lấn làn trên phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Cụ thể, sáng 14.9.2017, trên cung đường này, một xe cứu thương không có bệnh nhân trên xe, liên tục hú còi ưu tiên rồi chạy sang làn đường ngược chiều. Không lâu sau, xe cứu thương bị chiếc ôtô KIA Morning chặn đầu.

Người đàn ông trong ôtô KIA bước ra, chỉ tay và “dằn mặt” tài xế xe cứu thương. Hình ảnh này đã được ghi lại và chia sẻ, gây chú ý trên các trang mạng xã hội. Không ít người thắc mắc, nếu trên xe cứu thương không có bệnh nhân, việc tài xế vi phạm luật giao thông có bị xử lý?

Có tình trạng xe ưu tiên lạm dụng quyền ưu tiên, dẫn tới những hệ lụy đáng tiếc.

Bình luận về vấn đề này, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên Tổ trưởng xử lý vi phạm Đội CSGT số 1 (Công an TP. Hà Nội) – cho hay, Bộ Công an và Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BCA-BCT quy định về thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.

Theo đó, tổ chức, đơn vị, cá nhân sản xuất kinh doanh, nhập khẩu thiết bị phát tín hiệu xe được quyền ưu tiên phải đáp ứng quy định của Nghị định 72/2009/NĐ-CP, Nghị định 109/2009/NĐ-CP và chỉ được bán hoặc lắp đặt thiết bị phát tín hiệu xe được quyền ưu tiên cho các tổ chức, cá nhân có giấy phép sử dụng thiết bị này.

Thượng tá Quỹ chia sẻ, xe ưu tiên có những “đặc quyền đặc lợi” riêng, như được phép lấn làn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều... tuy nhiên, phải trong quá trình làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, không được sử dụng quyền ưu tiên vào mục đích cá nhân, không chính đáng. Bởi thực tế, có chuyện xe ưu tiên rú còi ủ, đèn quay, phóng nhanh, vượt ẩu khi phương tiện này về bãi tập kết, những trường hợp đó, lực lượng chức năng khó rất kiểm soát.

Nguyên Tổ trưởng xử lý vi phạm Đội CSGT số 1 - nêu quan điểm, tuyệt đối không lạm dụng quyền ưu tiên, phục vụ nhu cầu cá nhân. Sử dụng tín hiệu ưu tiên bừa bãi sẽ gây xáo trộn giao thông, có thể là nguyên nhân (trực tiếp hoặc gián tiếp) gây ra va chạm giao thông, để lại những hậu quả đáng tiếc.

“Ở Hà Nội, có cảm giác bước chân ra đường là gặp xe ưu tiên. Tuy nhiên, “xe công” hú còi, quay đèn xin đường thì ít, xe biển trắng lạm quyền để lấn làn, đi ẩu, thậm chí gây tai nạn giao thông lại nhiều, trong khi lực lượng chức năng rất khó để xử lý”, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ nói. Thượng tá Quỹ cũng cho biết thêm, do thiếu quy trình quản lý, vận hành, kiểm soát các phương tiện ưu tiên, thiếu cả chế tài “xử” các trường hợp phóng nhanh, vượt ẩu, tự ý lắp, mua bán còi ủ, đèn đặc chủng nên việc vi phạm khá phổ biến.

Cũng theo vị này, trường hợp xe ưu tiên (nhất là xe cứu thương) sử dụng tín hiệu ưu tiên không đúng mục đích, căn cứ vào Điểm e Khoản 2 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26.5.2016 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tài xế xe ưu tiên có thể bị phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng.

Đồng thời, ngoài việc bị xử phạt như trên, nếu xe cứu thương không thực hiện nhiệm vụ mà vi phạm các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ thì sẽ có thể bị xem xét trách nhiệm phù hợp với từng hành vi vi phạm.

“Không để xe ưu tiên làm “vua” trên đường”

Liên quan vấn đề này, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) dẫn Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các xe (xe chữa cháy, xe quân sự, xe công an làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe cứu thương, xe hộ đê, đoàn xe tang...) được quyền ưu tiên đi trước phương tiện khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới, đi ngược chiều, đi vào đường cấm hoặc vượt đèn đỏ. Nhưng, để được quyền ưu tiên, các xe này phải đang làm nhiệm vụ và phải phát tín hiệu còi, cờ, đèn theo đúng quy định (trừ xe tang), và vẫn phải đảm bảo khoảng cách an toàn cho các phương tiện khác và chấp hành hiệu lệnh của người điều hành giao thông.

Luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, việc xe ưu tiên lạm dụng quyền ưu tiên chủ yếu rơi vào xe cấp cứu. Có trường hợp xe cấp cứu có bệnh nhân nhưng có những trường hợp xe trống, tài xế vẫn rú còi, sử dụng quyền ưu tiên. Hiện nay, một số cá nhân, doanh nghiệp chỉ cần ký hợp đồng xe cấp cứu với bệnh viện, nghiễm nhiên trở thành xe ưu tiên, và không phải lái xe ưu tiên nào cũng có ý thức chấp hành đạo đức, kỷ luật tốt. “Nếu “hung thần xa lộ” là xe container thì gây hoảng loạn là xe ưu tiên. Nhiều người vì tránh phương tiện này dẫn đến va chạm giao thông. Cần quản lý chặt phương tiện này hơn, thậm chí siết chặt, không để xe ưu tiên làm “vua” trên đường. Cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý khi xe ưu tiên vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong khi không làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, thông qua hệ thống camera giám sát hoặc kiểm tra số xe, phù hiệu xe”, luật sư nói.

Luật sư Đỗ Trọng Linh - Công ty luật Bảo An, Hà Nội dẫn Điều 15 Nghị định số 109/2009/NĐ-CP, xe được quyền ưu tiên chỉ được sử dụng tín hiệu ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ; việc sử dụng tín hiệu ưu tiên của từng loại xe được quyền ưu tiên phải bảo đảm đúng theo quy định, như xe chữa cháy có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ hoặc xanh gắn trên nóc xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

Xe quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe, cờ hiệu quân sự cắm ở đầu xe phía bên trái người lái; có còi phát tín hiệu ưu tiên. Đối với xe mô tô có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn ở càng xe phía trước hoặc phía sau; cờ hiệu quân sự cắm ở đầu xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

Xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu xanh hoặc đỏ gắn trên nóc xe, cờ hiệu công an cắm ở đầu xe phía bên trái người lái; có còi phát tín hiệu ưu tiên. Đối với xe mô tô có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu xanh hoặc đỏ gắn ở càng xe phía trước hoặc phía sau, cờ hiệu công an cắm ở đầu xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

Xe cảnh sát giao thông dẫn đường có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu xanh - đỏ gắn trên nóc xe, cờ hiệu công an cắm ở đầu xe phía bên trái người lái; có còi phát tín hiệu ưu tiên. Xe mô tô có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu xanh hoặc đỏ gắn ở càng xe phía trước hoặc phía sau; cờ hiệu công an cắm ở đầu xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

Theo luật sư Đỗ Trọng Linh, căn cứ quy định nêu trên thì những xe ưu tiên chỉ được bật tín hiệu còi ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ. Trường hợp không đi làm nhiệm vụ mà vẫn cố tình bật tín hiệu còi để được quyền ưu tiên khi tham gia giao thông là trái quy định.

ngô cường

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/xe-uu-tien-xin-dung-lam-quyen-uu-tien-597282.ldo