Xe tăng Nga gặp nguy khi Ukraine triển khai tên lửa 'mạnh hơn Javelin'

Ngoài việc điều động số lượng lớn xe tăng chiến đấu chủ lực tới sát biên giới Nga, Quân đội Ukraine còn tăng cường cấp tốc cho các đơn vị ở tiền tuyến thêm nhiều tổ hợp tên lửa chống tăng cực kỳ lợi hại.

Hiện tại trong tay Quân đội Ukraine đã có một lượng nhỏ tên lửa chống tăng (ATGM) tối tân FGM-148 Javelin do Mỹ viện trợ, tuy nhiên như vậy là chưa đủ để sử dụng nếu xảy ra trường hợp chiến tranh với Nga.

Do vậy các nhà máy công nghiệp quốc phòng Ukraine đã cấp tốc sản xuất để nhanh chóng trang bị hàng loạt cho các đơn vị đóng quân sát biên giới với Nga dòng tên lửa chống tăng nội địa Stugna-P.

Tên lửa chống tăng Stugna-P (phiên bản xuất khẩu được định danh Skif) do phòng thiết kế Luch đặt tại Kiev phát triển, vũ khí này chính thức ra mắt vào năm 2011.

Hệ thống ATGM Stugna-P được trang bị 4 loại tên lửa với 2 kích thước khác nhau, đầu tiên là nhóm đường kính 130 mm bao gồm đạn nổ lõm 2 tầng RK-2S và đạn nổ phá mảnh RK-2OF.

Tiếp theo là nhóm cỡ lớn với đường kính thân lên tới 152 mm, bao gồm tên lửa mang đầu đạn nổ lõm 2 tầng RK-2M-K và tên lửa mang đầu đạn nổ phá mảnh RK-2M-OF.

Nhà sản xuất khẳng định tên lửa RK-2M-K có khả năng xuyên 1.100 mm thép sau giáp phản ứng nổ (ERA), con số này của RK-2S là 800 mm, khả năng xuyên thép của Stugna-P được so sánh như cắt bơ bằng một con dao nóng.

Thông số kỹ thuật cơ bản của hệ thống ATGM Stugna-P bao gồm: Chiều dài 1.091 mm; Đường kính 130/152 mm; Trọng lượng tên lửa 29,5/38 kg với đầu đạn nặng 8 kg; Trọng lượng bệ phóng: 32 kg; Trọng lượng cơ cấu ngắm và bảng điều khiển là 25 kg.

Tổ hợp sử dụng 2 kiểu đầu đạn là nổ lõm 2 tầng và nổ phá mảnh; Cơ chế dẫn đường laser bán chủ động; Tầm bắn 5 km; Khả năng xuyên thép sau giáp phản ứng nổ 800/1.100 mm.

Ưu điểm nổi bật của hệ thống tên lửa chống tăng Stugna-P nằm ở sự đơn giản trong thiết kế, khi cả ống phóng lẫn thiết bị điều khiển được đặt trên một giá 3 chân nhỏ.

Tên lửa nhận lệnh thông qua bộ điều khiển bằng quang điện tử truyền hình, việc bổ sung camera ảnh nhiệt để tăng hiệu quả tác chiến sẽ được tiến hành nếu có yêu cầu.

Điểm độc đáo khác của Stugna-P đó là nó có bảng điều khiển riêng biệt đặt trong một chiếc vali, thay vì ngắm bắn trực tiếp, người lính có thể triển khai bệ phóng và ra lệnh cho nó từ cách xa 50 m.

Thiết bị dẫn đường của tổ hợp ATGM Stugna-P là một máy tính xách tay kết hợp với bảng điều khiển, bao gồm một cần lái nhỏ, một màn hình hiển thị để quan sát khi dẫn hướng tên lửa tới mục tiêu.

Điểm độc đáo nữa của tên lửa Stugna-P đó là ngoài chế độ dẫn hướng bán tự động theo đường ngắm thì nó còn có chế độ "bắn và quên" tự động hoàn toàn.

Tổ hợp tên lửa chống tăng Stugna-P do Ukraine nghiên cứu chế tạo được đánh giá là có nhiều tính năng ưu việt hơn cả Kornet của Nga, kết hợp với ATGM Javelin thì bộ binh Ukraine đã có trong tay thứ vũ khí đầy nguy hiểm, đủ sức đẩy lùi những binh đoàn xe tăng Nga.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-xe-tang-nga-gap-nguy-khi-ukraine-trien-khai-ten-lua-manh-hon-javelin/792616.antd