Xe tăng liệu có lỗi thời trong thời đại hạt nhân?

Trên chiến trường, xe tăng vừa là cỗ máy chiến tranh lợi hại, vừa là chỗ dựa tâm lý vững chắc cho quân lính.

Kể từ khi được ra mắt vào tháng 9/1915, xe tăng đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến tranh hiện đại. Có rất ít thiết bị quân sự bộ binh cung cấp được hỏa lực, tính cơ động, đột phá và khả năng sống sót trên chiến trường như cỗ máy này.

Tăng M1 Abrams từng là niềm kiêu hãnh của người Mỹ.

Tăng M1 Abrams từng là niềm kiêu hãnh của người Mỹ.

Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, xe tăng đã trở thành vũ khí chiến thuật, chủ yếu dùng để xâm nhập, đánh chặn và bọc đầu quân địch. Loại vũ khí này được biết đến với tính hiếu chiến, chủ động, tốc độ và sự phô trương. Các chiến dịch ở Pháp, Nga và Bắc Phi trong Thế Chiến II cũng như cuộc chiến Arab - Israel gần đây là ví dụ điển hình cho mặt trận bọc thép.

Tuy nhiên, nhà quân sự Martin van Creveld chỉ ra, chiến tranh hiện đại đã trở thành thứ mà ông gọi là “những cuộc giao tranh rời rạc”. Chiến tranh du kích trở nên phổ biến hơn, tạo ra thế tiến thoái lưỡng nan cho xe tăng trong các chiến dịch chống quân phản kháng (COIN).

Theo ông, trong bối cảnh sử dụng chiến lược chiến tranh quanh vùng đông dân cư, nơi ưu tiên hàng đầu là tránh thương vong ngoài ý muốn, tuần tra đường bộ và tương tác với người bản địa, xe tăng không có đất dụng võ.

Các chiến lược gia ngày nay đặt nặng việc gây dựng lòng tin ở người dân bản địa trong khi những chiếc xe bọc thép hạng nặng cho thấy một hình ảnh hiếu chiến và xa lạ. Hơn nữa, các đội quân phản kháng thường tập trung ở các vùng đông dân cư, nơi xe tăng không thể phát huy tác dụng.

Xe tăng là công cụ chiến tranh đáng tin cậy.

Tuy nhiên, theo tờ National Interest, việc tuyên bố xe tăng đã lỗi thời là một sai lầm. Cũng như nhiều thiết bị quân sự khác, vũ khí này đã chứng minh được tính hiệu quả và đa dụng của đó trong các chiến dịch COIN, dựa vào cách chúng được triển khai.

Thay vì tiến hành các chiến dịch tấn công càn quét chớp nhoáng, xe tăng trong chiến tranh hiện đại đóng vai trò hệ thống vũ khí cận chiến cho bộ binh, các tổ đội vũ trang, dùng hỏa lực mạnh và khả năng che chắn để chống lại các đội quân nổi dậy. Tác giả Michael Peck viết trên trang mạng War Is Boring rằng “xe tăng có thể là cầu thủ ngôi sao, nhưng chiến tranh cần sự tương trợ của đồng đội”.

Khi các phong trào phản kháng đủ lớn mạnh, họ sẽ chuyển từ mặt trận du kích sang chiến tranh trực diện diễn biến nhanh với lực lượng của Chính phủ. Ở giai đoạn này, những chiếc xe tăng là nhân tố quyết định trong việc đẩy lùi quân địch về thế phòng ngự trong tầm kiểm soát.

Điều này được kiểm chứng trong các cuộc đẩy lùi quân phản kháng của Mỹ trong cuộc chiến tại Iraq và cuộc chiến của Iraq chống lại IS từ năm 2014.

Khi các cuộc đụng độ chuyển từ các chiến dịch trực diện chớp nhoáng sang công cuộc xây dựng đất nước dài hơi, mục tiêu chủ đạo là bảo vệ và tương tác với người dân bản địa, nơi xe tăng là những kẻ bảo hộ đáng tin cậy.

Trong Trận chiến Thứ hai tại Fallujah vào tháng 11/2005, khoảng 3.000 chiến binh Sunni đã chiếm được thành phố, biến nơi này thành một pháo đài với nhiều đường hầm thông nhau. Nếu không có sự tham chiến của xe tăng Abrams, Thủy quân Lục chiến Mỹ đã không thể hoàn thành nhiệm vụ chiếm lại thành phố với thương vong tối thiểu.

Đại bác trên xe tăng rất hữu dụng trong việc tiêu diệt đồn vũ khí của địch và các phương tiện chứa IEDs (thiết bị nổ tự chế), trong khi lớp giáp che chắn cho bộ binh khỏi hỏa lực trực diện.

Thêm vào đó, xe tăng bọc thép có thể đâm thẳng vào các công trình, giúp bộ binh xâm nhập và tránh được IEDs ở lối ra vào. Đổi lại, bộ binh yểm trợ bằng cách ngăn chặn súng chống tăng (RPG) bắn vào những yếu điểm bên sườn và phía sau, đồng thời cung cấp tầm nhìn toàn cảnh cho đội lái ở bên trong.

Xe tăng là chỗ dựa tâm lý vững chắc cho binh sĩ trên chiến trường.

Những chiếc xe tăng cũng chứng tỏ được giá trị của mình trong cuộc vây hãm thành phố Sadr (Iraq). Để ngăn chặn tên lửa và pháo cối của phiến quân Jaish Al-Mahdi (JAM) bắn vào Vùng Xanh từ Sadr, quân đội Mỹ và Iraq được lệnh xâm nhập và chiếm các điểm khai hỏa của JAM trong thành phố này.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, lực lượng này xây một bức tường cao hơn 2m, dài 4.6km để cô lập phiến quân khỏi vùng đông dân cư và bắt đầu công cuộc tái xây dựng dưới sự bảo vệ của tăng Abrams M1 và Bradley M2.

Đại bác và súng máy trên xe tăng được sử dụng để ngăn chặn phiến quân chống phá việc xây dựng và phát hiện IEDs. Xe tăng Abrams có thể chống lại sức công phá của IEDs và RPG. Hệ thống đạn tự chế của chiến xa này làm giảm tối thiểu khả năng gây ra những tổn thất ngoài ý muốn, rất hữu dụng khi chiến đấu trong khu vực đông dân cư.

Đội lái phối hợp chặt chẽ với bộ binh và lính đặc nhiệm bắn tỉa, hạ hơn 700 chiến binh Shia trong chiến dịch Tường Vàng và ép thủ lĩnh của nhóm này, Muqtada al-Sadr đầu hàng. Việc hoàn thành xây dựng bức tường giúp Mỹ và Iraq kiểm soát tốt hơn địa bàn và dân số cũng như tiến hành quá trình tái xây dựng Iraq.

Tính đa dụng và sự hiệu quả của xe tăng cho thấy vũ khí này sẽ tiếp tục là công cụ chiến tranh đáng tin cậy của nhiều quốc gia trong những cuộc chiến tương lai, kể cả trong thời đại hoàng kim của vũ khí hạt nhân.

Nguyễn Văn Linh

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/xe-tang-lieu-co-loi-thoi-trong-thoi-dai-hat-nhan-a343908.html