Xe quá tải cày nát đê sông Chu

Tuyến đê tả, hữu sông Chu đoạn qua hai huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân (Thanh Hóa) thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý cấp bách, mới được bàn giao, đưa vào sử dụng từ ngày 27-4-2020, nhưng đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Dư luận hết sức bức xúc trước việc công trình được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng, gây lãng phí tiền của Nhà nước và nhân dân.

Tuyến đê tả, hữu sông Chu đoạn qua hai huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân (Thanh Hóa) thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý cấp bách, mới được bàn giao, đưa vào sử dụng từ ngày 27-4-2020, nhưng đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Dư luận hết sức bức xúc trước việc công trình được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng, gây lãng phí tiền của Nhà nước và nhân dân.

Tuyến đê tả sông Chu đoạn qua huyện Thiệu Hóa dài 11,2 km có nhiệm vụ chống lụt bão, bảo vệ tài sản, tính mạng cho hàng chục nghìn hộ dân trong đê. Do được xây dựng từ lâu, thêm việc ảnh hưởng từ mùa mưa bão năm 2017, cho nên đã được Trung ương và tỉnh Thanh Hóa đầu tư nâng cấp với số vốn gần 100 tỷ đồng. Dự án được khởi công xây dựng từ đầu năm 2019 và hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng tháng 4-2020.

Có mặt tại đây những ngày này, chúng tôi nhận thấy nhiều điểm mặt đê bị bong tróc, vỡ nát, nhiều điểm bị lún sâu, tạo thành ổ gà, ổ trâu với độ rộng gần một mét và sâu gần 10 cm. Có những chỗ mặt đê bị nứt toác, mặt đường nhựa dồn về một phía, tạo thành sống trâu, khiến cho nhiều phương tiện giao thông qua lại khó khăn, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông bất cứ lúc nào. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa Cao Bát Chí cho biết, công trình xử lý cấp bách đê tả sông Chu từ Km19+800 - Km22 và tuyến Km25 - Km34+100 đoạn qua huyện Thiệu Hóa được nghiệm thu bàn giao tháng 4-2020, nhưng hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân là do tuyến đê này được thiết kế với tải trọng cho phép xe đi trên đê không vượt quá 12 tấn, nhưng thực tế, xe quá khổ, quá tải chở cát lại lưu thông qua đê thường xuyên. “Cách duy nhất để bảo vệ tuyến đê này là ngăn xe quá khổ, quá tải chạy trên đê”, ông Cao Bát Chí cho biết.

Trong tổng số sáu công trình xử lý cấp bách đê tả, hữu sông Chu vừa mới được hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng thì đoạn qua thị trấn Thọ Xuân và đoạn qua xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng nặng. Theo người dân nơi đây, xe tải trọng lớn từ 20 - 30 tấn chở cát chạy qua đê suốt ngày đêm, gây hư hỏng mặt đường.

Để bảo vệ an toàn tuyến đê tả, hữu sông Chu trong mùa mưa, bão, Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đã báo cáo và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét chỉ đạo các cơ quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng xe quá tải trọng lưu thông trên mặt đê.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa Trịnh Ngọc Minh cho biết, từ ngày 14-12-2019 đến 12-6-2020, qua kiểm soát tải trọng phương tiện tham gia giao thông, lực lượng thanh tra phát hiện, lập biên bản xử phạt và tham mưu xử phạt vi phạm hành chính đối với 233 trường hợp có hành vi vi phạm. Nhằm phát hiện, kiềm chế từ gốc hành vi chở hàng hóa quá khổ, quá tải, lực lượng thanh tra đã tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định kiểm soát tải trọng tại đầu mối bốc xếp hàng hóa (cát, sỏi, đá) lên phương tiện giao thông đường bộ ở tám doanh nghiệp được cấp mỏ khai thác khoáng sản tại một số huyện trọng điểm trong tỉnh. Kết quả cho thấy, nhiều doanh nghiệp, chủ mỏ chưa xây dựng được quy trình, quy chế, thông báo công khai kiểm soát tải trọng; chấp hành chưa nghiêm cam kết với cơ quan chức năng thực hiện quy định kiểm soát tải trọng; có hành vi vi phạm về tải trọng của phương tiện. Lực lượng chức năng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính từ 3 - 18 triệu đồng với các chủ mỏ có hành vi vi phạm.

Trên sông Chu, đoạn từ cầu Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa đến cầu Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân có sáu doanh nghiệp được cấp phép khai thác các mỏ cát trong lòng sông. Phần lớn phương tiện chở cát phải lưu hành trên tuyến đê tả, hữu sông Chu rồi mới rẽ vào mạng lưới giao thông kết nối. Theo cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, Công an hai huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân đã được trang bị cân kiểm tra tải trọng phương tiện. Ngành công an cũng cơ bản hoàn thành việc đưa công an chính quy về phường, xã, từ đó nâng cao thẩm quyền chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, xử lý nghiêm phương tiện có hành vi chở quá tải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu ở địa phương.

Hiện cơ quan tham mưu đề xuất Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa chỉ đạo Phòng Quản lý giao thông tiếp tục hướng dẫn chính quyền các huyện, xã lắp đặt khung khống chế tải trọng theo quy định, phù hợp thực tế. Đồng thời đề xuất Ban An toàn giao thông tỉnh chủ trì phối hợp Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường lập đoàn kiểm tra các mỏ khoáng sản, yêu cầu các chủ mỏ lắp đặt cân tải trọng tại vị trí đưa khoáng sản, tài nguyên ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt ca-mê-ra giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan theo quy định tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Bài, ảnh: TUẤN NGỌC và MAI LUẬN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/xe-qua-tai-cay-nat-de-song-chu-611690/