Xe ôm, shipper: Muốn hành nghề phải đeo biển hiệu

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong một dự thảo liên quan mới đây của Sở GTVT TP Hà Nội gửi UBND TP Hà Nội.

Mới đây, Sở GTVT TP Hà Nội đã gửi UBND TP Hà Nội dự thảo quy định về quản lý sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh... để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn TP. Dự thảo này có quy định các điều kiện hoạt động của những người làm nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe máy (xe ôm và shipper).

“Quản lý như doanh nghiệp”

Đáng chú ý nhất trong dự thảo của Sở GTVT TP Hà Nội là nội dung: Những người muốn hành nghề xe ôm, shipper phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; có hộ khẩu thường trú hoặc giấy chứng nhận tạm trú tại địa phương nơi đăng ký hành nghề. Đặc biệt là phải có bản đăng ký vận chuyển hành khách, hàng hóa theo mẫu quy định và phải có biển hiệu do chính quyền địa phương (xã, phường cấp).

Biển hiệu nói trên được đóng dấu giáp lai ảnh và đeo bên ngực trái của người hành nghề hoặc có trang phục do tổ chức của người hành nghề (tổ đội tự quản, nghiệp đoàn, hợp tác xã) đăng ký với địa phương. Nếu không hành nghề từ 30 ngày trở lên thì người hành nghề phải trả lại phù hiệu cho đơn vị quản lý. Nếu mất phù hiệu phải có công văn báo mất có xác nhận của công an cấp xã, phường, thị trấn và báo cáo cho đơn vị quản lý biết để hướng dẫn cấp lại biển hiệu…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quy định bắt buộc trực tiếp như trên đối với từng người làm nghề xe ôm, shipper thì khó hiệu quả và tăng thêm các thủ tục mang tính hình thức. Đồng thời, quy định này cũng mang tính áp đặt và rất khó quản lý…

Anh Long Thành (một tài xế chạy xe ôm ở Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: Việc chạy xe ôm hay giao hàng chẳng gây phiền hà gì cho ai, cũng không làm mất mỹ quan đô thị. “Tôi thấy đưa quy định này vào thì khá rắc rối trong khi chúng tôi kiếm tiền chính đáng chứ có làm gì sai trái đâu mà phải đăng ký, đeo bảng hiệu. Cứ như quản lý như một doanh nghiệp thực thụ ấy!”.

Tương tự, anh Minh Việt (shipper khu vực Cầu Giấy) cho biết: “Nhà nước nên quản lý những vấn đề to tát hơn, còn nghề giao hàng như chúng tôi có gì đâu phải áp đặt tới mức đó không? Trong khi chúng tôi chỉ là những cá nhân bỏ công sức lao động ra để kiếm sống chứ có làm việc cho tổ chức, công ty nào đâu. Tôi thấy nếu quy định này được áp dụng thì phiền hà quá mà cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì cả”.

Nếu dự thảo của Sở GTVT TP Hà Nội được áp dụng thì các xe ôm, shipper phải đeo biển hiệu khi hành nghề. Ảnh: THU HÀ

Nếu dự thảo của Sở GTVT TP Hà Nội được áp dụng thì các xe ôm, shipper phải đeo biển hiệu khi hành nghề. Ảnh: THU HÀ

Cần có chính sách tổ chức

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ GTVT, cho rằng về mục tiêu Hà Nội mong muốn quản lý hoạt động xe ôm, shipper là tốt. Vì hiện nay buôn bán qua mạng hay người lao động tham gia xe ôm công nghệ đang phát triển bùng nổ.

“Về bản chất họ là những người tham gia kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún bằng tài sản cá nhân của mình là chiếc xe máy để kiếm thu nhập một cách chính đáng. Đa phần họ chưa có việc làm ổn định, vì thế để quản lý cần có chính sách tổ chức, hướng dẫn họ tham gia vào các hợp tác xã, nghiệp đoàn… Chứ bắt họ đăng ký, đeo biển hiệu thì vừa tăng thủ tục hình thức, gây phiền hà cho người dân và Nhà nước cũng không quản lý nổi” - TS Doãn Minh Tâm phân tích.

Theo ông Minh Tâm, Nhà nước chỉ nên quản lý thông qua tổ chức của người hành nghề xe ôm, shipper chứ không phải quản lý trực tiếp từng cá nhân lao động trong lĩnh vực này. Từ đó các tổ chức, nghiệp đoàn, hợp tác xã… của người hành nghề xe ôm, shipper đưa ra quy chế, nội quy áp dụng đến từng thành viên.

“Nhà nước cần phải nghiên cứu kỹ, trước hết cần tiếp cận trực tiếp với người hành nghề xe ôm, shipper. Cần nắm bắt đặc điểm, nguyện vọng của họ, từ đó mới xây dựng được thành chính sách. Chứ ngồi một chỗ tưởng tượng ra quản lý được người ta thì đó là cách làm quan liêu” - ông nói.

Sở GTVT TP Hà Nội cho hay mục đích ban hành quy định này nhằm quản lý về số lượng, chất lượng xe thô sơ, gắn máy để vận chuyển hành khách, hàng hóa. Qua đó kéo giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Đồng thời, tạo nếp sống, thói quen đi lại theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp với sự phát triển đô thị của thủ đô.

Bên cạnh đó, quy định này cũng nhằm mục đích nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân đô thị. Giảm tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường đô thị. Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc quản lý, điều hành giao thông của TP; tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh lành mạnh…

TRỌNG PHÚ

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/xe-om-shipper-muon-hanh-nghe-phai-deo-bien-hieu-853805.html