Xe ôm phải đeo thẻ khi hoạt động: 'Như thế chúng tôi không bị mang tiếng'

'Nếu đeo thẻ thì những người hành nghề xe ôm chân chính như chúng tôi không bị mang tiếng xấu', ông Nguyễn Văn Hà, làm nghề xe ôm truyền thống cho biết.

Mới đây, sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa đề xuất, kể từ ngày 1/1/2021 tất cả những người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô hai bánh, phải đeo biển hiệu hoạt động vận chuyển do cơ quan có thẩm quyền cấp tại vị trí ngực áo bên trái trên địa bàn TP. Hà Nội.

Với đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến tích cực từ những người trực tiếp được áp dụng đề xuất này.

Xe ôm vui mừng vì được đeo thẻ ten

Xe ôm vui mừng vì được đeo thẻ ten

Như thế chúng tôi không bị mang tiếng

Trao đổi trực tiếp với phóng viên báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Hà, xe ôm truyền thống cho biết: “Nếu được đeo biển tên thì tốt cho chúng tôi, chúng tôi hoàn toàn đồng ý. Vì nếu đeo thẻ thì những người hành nghề xe ôm chân chính như chúng tôi không bị mang tiếng xấu”.

Anh Lê Văn Cường, xe ôm Grab cho biết: “Tôi cũng mới đọc được thông tin này, nếu được như thế thì tốt cho chúng tôi, vì từ trước đến giờ nghề của chúng tôi ít được coi trọng, vì nhiều người nghĩ rằng chúng tôi học thức kém”.

Hay như anh Nguyễn Văn Tâm, xe ôm của một hãng xe ôm công nghệ giãi bày: “Việc đeo thẻ sẽ dễ dàng cho chúng tôi hoạt động, vì như thế sẽ có nhiều người tôn trọng chúng tôi hơn. Ít nhất vẫn có danh phận”.

Ủng hộ để vào quy củ

Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết: “Theo tôi đề xuất này chúng ta nên làm, tôi ủng hộ. Từ xa xưa bất kì ngành nghề nào cũng có tổ chức ngành đoàn của nó. Chúng ta nên tạo điều kiện cho những lao động tự do như nghề xe ôm, cũng như giải thích để họ hiểu vào một cơ quan quản lý họ sẽ được nhiều lợi hơn.”

Ông Thanh phân tích: “Những người hành nghề này nên có thẻ, có đồng phục như xe ôm công nghệ bây giờ tôi thấy rất hay. Xe ôm nên vào một tổ chức nào đó để người ta bảo vệ cho mình, như thế sẽ được đảm bảo về nhiều mặt”.

“Việc thành lập Hội bảo vệ xe ôm như những ngành nghề khác tôi thấy chưa khả quan, vì còn xét nhiều yếu tố, điều kiện khác nhau. Hiện nay, người dân cũng đòi hỏi dịch vụ ngày càng văn minh, chính vì thế việc đề xuất này lại càng cần được ủng hộ hơn hết”, ông Thanh cho hay.

Dự thảo “Quy định về quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô hai bánh và các loại tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn TP Hà Nội” nêu:

Người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ phải đủ 15 tuổi trở lên, có sức khỏe bảo đảm điều khiển xe an toàn; hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ.

Những người này phải đăng ký với UBND phường, xã, thị trấn để được cấp biển hiệu hoạt động. Khi điều khiển phương tiện phải mang theo Giấy chứng nhận đăng ký xe và Giấy chứng minh nhân dân.

Phải có đủ độ tuổi quy định tại điểm a, điểm b, khoản 1, Điều 60 Luật Giao thông đường bộ; phải đủ sức khỏe quy định tại khoản 2, Điều 60 Luật Giao thông đường bộ.

Cũng như phải có giấy phép lái xe phù hợp với các loại xe để được phép điều khiển do sở Giao thông Vận tải có thẩm quyền cấp (đối với người điều khiển xe môtô 2 bánh); đăng ký với UBND phường, xã, thị trấn để được cấp biển hiệu hoạt động.

Những người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe gắn máy, xe môtô hai bánh phải trang bị mũ bảo hiểm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của pháp luật cho hành khách đi xe.

Khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ: Giấy đăng ký xe; Giấy phép lái xe (nếu điều khiển xe môtô 2 bánh); Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực và Giấy chứng minh nhân dân.

Nếu nghỉ không hành nghề từ 30 ngày trở lên thì người vận chuyển phải gửi lại phù hiệu cho đơn vị quản lý.

Nếu mất phải có công văn báo mất có xác nhận của công an cấp xã, phường, thị trấn và báo cáo cho đơn vị quản lý biết để được hướng dẫn cấp lại biển hiệu.

Di Hân- Hữu Thắng

Lê Liên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xe-om-phai-deo-the-khi-hoat-dong-nhu-the-chung-toi-khong-bi-mang-tieng-a446492.html