Xe ôm 4.0 giành khách kiểu 0.4

Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, hiện tượng xe ôm công nghệ 'làm giá' hiện có xu hướng gia tăng.

Xe ôm công nghệ chèo kéo khách trước cổng bến xe Giáp Bát

Xe ôm công nghệ chèo kéo khách trước cổng bến xe Giáp Bát

Hơn 4 năm trước, Grabike, Uber bắt đầu nở rộ và trở thành một trong những dịch vụ “hot” nhất tại thị trường vận tải Việt Nam với tiện ích gọi xe trên nền tảng công nghệ thay vì thương lượng giá cả trực tiếp như sử dụng dịch vụ xe ôm truyền thống.

Nhớ lại thời điểm đó, chị Phan Quỳnh Trang (Khâm Thiên, Hà Nội) cho biết, những ngày đầu sử dụng dịch vụ Grabike, Uber, chị cùng bạn bè rất yên tâm vì dịch vụ này có rất nhiều tiện ích: Gọi xe qua ứng dụng biết trước số tiền, không phải mặc cả, tài xế thân thiện, thời gian đưa đón nhanh…

Từng được lòng khách hàng là vậy, song thời gian gần đây, nhiều người lại tỏ ra ngán ngẩm khi dịch vụ này ngày càng bị biến tướng bởi hiện tượng chèo kéo khách, hét giá trên trời.

Chiều 24/2, có mặt tại một số bến xe của Hà Nội như: BX Giáp Bát, BX Mỹ Đình… PV Báo Giao thông không khỏi bất ngờ khi chứng kiến hàng loạt xe ôm đến từ các hãng: Grab, GoViet... tập trung trước cổng bến xe và thi nhau bám theo các hành khách từ trong bến đi ra để chèo kéo, mặc cả giá cước, tranh giành khách với đội ngũ xe ôm truyền thống.

Đáng nói, nhiều tài xế không chỉ “vứt xó” ứng dụng để ngã giá trực tiếp với khách mà còn “thổi” giá cước lên gấp nhiều lần so với giá đặt qua ứng dụng của các hãng xe.

Tại BX Mỹ Đình, anh Ba (29 tuổi, quê Ninh Bình) cho biết, có nhu cầu đi từ bến xe về số 164 Khuất Duy Tiến. Vì nhiều đồ đạc, ngại mở điện thoại nên gọi trực tiếp một tài xế Grabike để đi. “Tuy vậy, khi hỏi giá tiền, tài xế này yêu cầu mức giá đến 40.000 đồng trong khi giá cước trên ứng dụng của Grab chỉ 26.000 đồng”, anh Ba nói.

Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, hiện tượng xe ôm công nghệ “làm giá” hiện có xu hướng gia tăng, nhất là tại các bến xe và các tòa nhà văn phòng, chung cư lớn. “Có hiện tượng trên do một số xe ôm công nghệ “trá hình”, tự mua quần áo của các hãng uy tín, lợi dụng thương hiệu để đánh lừa khách hàng, song cũng không ít người là tài xế Grabike, GoViet “chính hiệu” vì tư lợi cá nhân nên tham gia giành giật khách để tiết kiệm thời gian đón khách, bắt được nhiều khách hơn.

“Việc này không chỉ khiến sự cạnh tranh giữa xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống trở nên khốc liệt, mà còn khiến trật tự ATGT các khu vực bến xe, cao ốc xáo trộn, mất an toàn. Loại hình “xe ôm 4.0” vốn văn minh sẽ nhanh chóng “mất điểm” trong mắt khách hàng bởi lối ứng xử “thời 0.4”, ông Liên nói.

Cũng theo ông Liên, tới đây các hãng vận tải “công nghệ” cần có quy chế giám sát, siết chặt quản lý đội ngũ tài xế để hiện tượng tranh giành khách, “thổi” giá cước không còn tồn tại. “Thị trường sẽ quyết định sự tồn tại của dịch vụ, nếu các công ty buông lỏng quản lý, uy tín thương hiệu đối với khách hàng sẽ bị giảm sút và viễn cảnh bị đào thải khỏi thị trường là điều sớm muộn”, ông Liên nói.

Nam Khánh

Nguồn ATGT: http://www.atgt.vn/xe-om-40-gianh-khach-kieu-04-d412585.html