Xe ô tô Trung Quốc tại Việt Nam: Lối đi nào cho năm 2021?

Nhiều ý kiến cho rằng xe Trung Quốc khó chen chân vào thị trường trong nước, vốn chứng kiến sự chiếm lĩnh tuyệt đối của các thương hiệu Nhật Bản và Hàn Quốc suốt nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, những gì diễn ra lại cho thấy thực tế khác biệt.

Một số mẫu ô tô Trung Quốc được người tiêu dùng Việt Nam quan tâm trong năm qua.

Những chiếc xe “Made in China” như Geely, Haima, Chery... có mặt tại Việt Nam từ khá sớm, nhưng trước kia thường ít được quan tâm do hạn chế về thiết kế và chất lượng, cùng với sự thiếu hụt phụ tùng và hệ thống hậu mãi chưa tốt.

Phải tới năm 2019, tình hình khả quan hơn khi một số ít xe Zotye Z8 phiên bản 7 chỗ được mang về nước. Có giá chỉ 728 triệu đồng – tương đương một chiếc SUV nhỏ cỡ hạng B, Zotye Z8 dễ dàng thuyết phục nhóm người dùng không quá coi trọng xuất xứ và thương hiệu xe nhờ kích thước rộng rãi và hàng loạt tiện nghi “thời thượng” như màn hình giải trí lớn, đèn pha LED, điều hòa tự động ba vùng....

Sự thành công của Zotye đã kéo nhiều nhà nhập khẩu ô tô vào cuộc chơi với xe Trung Quốc. Hệ quả là thị trường trong nước riêng năm 2020 có thêm nhiều gương mặt mới như Brilliance V7, DongFeng Fengxing T5, BAIC X55, Joyear X5... Trong số đó, nổi bật hơn cả là Beijing X7 của tập đoàn ô tô Thượng Hải (SAIC), từ khi ra mắt vào đầu quý IV-2020, thường xuyên trong tình trạng “cháy hàng” với giá bán chỉ từ 528 triệu đồng.

Tuy nhiên, khả năng giành thị phần Việt Nam từ tay các đối thủ Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là thách thức không nhỏ đối với ô tô Trung Quốc. Khó khăn trước hết đến từ hệ thống phân phối còn rất hạn chế cả về độ phủ lẫn trình độ nhân lực. Bên cạnh đó, đại đa số người tiêu dùng vẫn ngần ngại tiếp cận xe “Tàu” vì nhiều lý do. Một trong số đó nằm ở thiết kế tuy rất bắt mắt nhưng vẫn chưa thoát được sự lai tạp để xây dựng cá tính và bản sắc riêng. Nhiều ý kiến đánh giá, BAIC Q7 có phần đầu giống Land Rover Range Rover nhưng thân giữa lại mang dáng dấp của Lincoln Navigator. Tương tự, DongFeng T5 EVO bị cho là nửa giống Maserati, nửa na ná Porsche...

Bên cạnh đó, dịch vụ sau bán hàng vẫn chưa theo kịp sản phẩm. Nhiều xưởng ô tô quy mô lớn ngay tại Hà Nội đều cho biết xe Trung Quốc luôn trong tình trạng thiếu phụ tùng. Việc nguồn cung phụ tùng mỗi dòng xe hoàn toàn phụ thuộc vào một đơn vị nhập khẩu duy nhất cũng mang tới bất cập.

Bên cạnh sản phẩm và dịch vụ, việc thuần túy nhập khẩu nguyên chiếc với số lượng chưa nhiều cũng khiến xe Trung Quốc khó ứng phó biến động thị trường để duy trì khả năng cạnh tranh, đơn cử việc ô tô lắp ráp trong nước được ưu đãi 50% phí trước bạ như vừa qua.

Tuy nhiên, phải khẳng định xe Trung Quốc vẫn có cơ hội phát triển. Những nỗ lực ban đầu của các doanh nghiệp nhập khẩu đã cho kết quả, khi người dùng dần chấp nhận xe Trung Quốc như những lựa chọn “ngon, bổ, rẻ”, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại cơ bản.

Mặt khác, trong bối cảnh người tiêu dùng có phản hồi tích cực, nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn bắt đầu coi Việt Nam như một thị trường tiềm năng cho ô tô Trung Quốc. Năm 2020, Tanchong (Malaysia), công ty từng là nhà phân phối ô tô Nissan tại Việt Nam, đã bắt đầu nhập khẩu xe Morris Garages (MG). Chiến lược “núp bóng” thương hiệu lâu đời Anh quốc này có nhiều cơ hội thành công, nếu sản phẩm bán ra minh chứng được chất lượng.

Nếu vượt qua được khó khăn ban đầu, xe Trung Quốc có cơ hội trở thành thế lực đáng gờm tại Việt Nam – nhất là trong phân khúc phổ thông, giá rẻ. Bên cạnh việc đem tới nhiều lựa chọn mua sắm phong phú, sức cạnh tranh mạnh mẽ của nhóm sản phẩm mới sẽ giúp người dùng hưởng lợi, trong đó có việc buộc các đại gia Nhật Bản và Hàn Quốc phải cân nhắc lại chiến lược kinh doanh tại Việt Nam, tung ra các sản phẩm có tỷ lệ giá thành/giá trị sử dụng cao hơn.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/oto-xemay/988349/xe-o-to-trung-quoc-tai-viet-nam-loi-di-nao-cho-nam-2021