Xe nhà báo, nhờ bà con trông hộ...

Xe nhà báo, nhờ bà con trông hộ...

Bộ đội biên phòng La Êê, Nam Giang, Quảng Nam giúp nhân dân khai hoang ruộng lúa nước...

Xác định chuyến đi sẽ rất gian nan vất vả, hai anh em xuất phát ở Đà Nẵng từ sáng sớm trên chiếc xe máy WIN 100 rất “chiến” của tôi. Sau gần 4 giờ vượt 200km lên đến Đồn biên phòng cửa khẩu Đắc Ốc, hỏi đường đi La Êê, chúng tôi được các chiến sĩ Biên phòng chỉ dẫn và cảnh báo: “Các anh phải đi thêm hơn 20km nữa về hướng Tây, đường đi sẽ rất nguy hiểm vì đang mùa mưa, đường trơn trượt, cẩn thận nước suối lớn…!”.

Nghe lời cảnh báo như thế, nhưng hình như chúng tôi để “ngoài tai”. Trong tâm thế chúng tôi lúc đó, nơi nào càng khó khăn, gian nan càng háo hức muốn đến. Hai anh em hăm hở tiếp tục hành trình ngay trong buổi chiều hôm ấy… Thế nhưng, từ con đường 14E lên cửa khẩu Đắc Ốc, rẽ vào con đường rừng lên La Êê chừng 2km, chúng tôi bắt đầu nếm mùi gian nan của con đường biên giới dốc dài hun hút, trơn như đổ mỡ sau cơn mưa rừng… Chiếc xe máy lúc xuống dốc gần như không còn làm chủ được nữa, cứ trôi tuồn tuột, nhiệm vụ người lái là cứ phải chắc tay, điều khiển chiếc xe theo đúng vệt đường mòn đã có từ lâu, khi lên dốc nhiều đoạn bánh xe cứ đứng quay tròn dưới mặt đường bùn nhão nhoẹt. Tội cho anh Điền, đã là thương binh hạng 1/4 lại phải tập tễnh đẩy xe giúp tôi…

Vật lộn hơn 1 giờ, chúng tôi cũng đến một khe suối, đang mừng là sẽ có nước để rửa ráy bùn đất văng khắp người, tôi sững người khi thấy con dốc đâm xuống khe suối để sang bờ bên kia gần như dựng đứng… Đưa túi đồ nghề tác nghiệp cho anh Điền xách hộ, một mình tôi cài số 1, thận trọng thả xe xuống dốc, nhưng chưa đầy 3 mét, chiếc xe quay ngang, hất tôi từ lưng chừng dốc xuống khe suối, rất may tôi túm được một lùm cây bên đường, nếu không chiếc xe máy đã văng đè lên người… Sau cú “nốc ao” hoàn hồn, chúng tôi gột sạch bùn đất dưới lòng suối, rồi lại hì hục đẩy xe ngược dốc. Lên đến đỉnh dốc, hiện ra trước mắt tôi lại là con dốc dựng đứng sâu hun hút phía dưới, lần này thì tôi “đầu hàng” thật sự…

Đẩy chiếc xe vào gốc cây ven đường, tôi lấy tấm áo mưa trùm lên, rối lấy tờ giấy viết mấy chữ “xe của nhà báo đi công tác, nhờ bà con trông giùm”, giắt vào yên xe. Chẳng biết có “bà con” nào ở quanh đây không, nhưng cứ viết thế cho yên tâm, nếu mất xe cũng đành chịu.

... và khám chữa bệnh cho nhân dân.

Thời tiết biên giới như cô gái dậy thì đang yêu làm nũng, đang mưa sụt sùi bỗng chuyển nắng như đổ lửa, hai anh em khoác ba lô đội nắng dò dẫm trên con đường trơn trượt mãi đến sẩm tối mới đến Đồn Biên phòng La Êê. Nghe hành trình chúng tôi lên La Êê, những người lính cảm động lắm. Lính Biên phòng ở đâu cũng thế, chỉ huy đồn lệnh cho mấy anh lính trẻ khỏe lên chỗ chúng tôi “giấu” xe máy, mang xe về sửa chữa lại đàng hoàng… Bữa cơm chiều dọn lên, rượu đón khách rót ra, biết bao những câu chuyện về lính, về bà con các dân tộc nơi biên cương được kể cho chúng tôi nghe…

Chuyến đi vất vả, nhưng nhà báo Vũ Công Điền thỏa chí sáng tác, hàng loạt phóng sự, hàng loạt bức ảnh về người lính biên phòng, về đời sống các dân tộc biên giới được anh chụp đăng trên nhiều báo từ Trung ương đến địa phương… Còn tôi, cũng đã hoàn thành loạt phóng sự 5 kỳ báo, phản ánh về công tác giúp nhân dân xóa mù chữ, khám chữa bệnh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của những người lính Biên phòng La Êê nơi biên cương còn rất nhiều gian khó.

Đường lên biên giới La Êê bây giờ

Tôi có nhiều dịp cùng nhà báo Vũ Công Điền đi thực tế tại nhiều địa phương miền núi ở Quảng Nam, miền Trung… nhưng vẫn nhớ mãi chuyến đi La Êê cách đây gần 15 năm ấy. Nhà báo Vũ Công Điền đã nghỉ hưu gần 10 năm, thi thoảng tôi vẫn gặp anh, anh em cùng ngồi trò chuyện, biết anh vẫn đắm đuối với nghề báo lắm. Anh bảo, có nhiều ý kiến cho rằng, làm báo bây giờ không như ngày xưa, công nghệ trang bị tới tận răng, hiếm gặp nhà báo đi thực tế như mình ngày xưa lắm, mà có đi có khi người ta bảo ông nhà báo ấy “khùng”. Báo chí bây giờ chạy theo “thời sự”, vậy là sáng ra chỉ cần mở một tờ báo ra, có thể biết hết thông tin của đa số tờ báo khác, cũng na ná như nhau cả. Ừ thì việc đi thực tế bây giờ của người làm báo có nhiều lý do để đi, có cần đi hay không?, có kinh phí để đi hay không?, tòa soạn có cần loại thông tin đó hay không...? Nhiều lý do đặt ra...! Nhưng rõ ràng, mỗi người làm báo phải có bản sắc riêng, mỗi tờ báo phải có bản sắc riêng theo đúng tôn chỉ mục đích của mình và bạn đọc cũng cần những thông tin riêng ở mỗi tờ báo… là câu hỏi đặt ra trước thời đại công nghệ thông tin tạo nên một “thế giới phẳng” như hiện nay.

Vẫn còn đó những cách làm báo, nếu còn đắm đuối với nghề báo, kiểu như những chuyến đi LaÊe của những người làm báo “khùng” như chúng tôi năm xưa…

TRUNG THÀNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/xe-nha-bao-nho-ba-con-trong-ho-post262780.html