Xe khách tuyến cố định cầu cứu: Làm gì để xử lý, quản lý xe dù?

'Xe dù chuyên nghiệp' phát triển rầm rộ, cạnh tranh lấn lướt xe khách tuyến cố định mà việc kiểm tra, xử lí đối với 'xe dù chuyên nghiệp' không triệt để khiến các đơn vị vận tải hành khách bi quan.

Ở kỳ trước, báo đã nêu ra hai dạng vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách ở Quảng Nam: một số nhà xe hoạt động núp bóng xe chạy hợp đồng để chở khách như xe vận tải khách tuyến cố định, nhiều cá nhân và cả doanh nghiệp tự đứng ra tổ chức hoạt động vận tải khách tự do, họ xây dựng số điện thoại tổng đài của nhà xe để khách đặt chỗ, sử dụng xe cá nhân loại dưới 10 ghế ngồi để đưa rước và chở khách như dạng xe gia đình nhằm qua mặt cơ quan quản lí cũng như các lực lượng tuần tra, kiểm tra.

Loại hình hoạt động chui, phương tiện “xe dù chuyên nghiệp” này đang phát triển rầm rộ ở hầu hết các địa phương của tỉnh Quảng Nam. Trong khi đó, việc tuần tra, xử lí đối với phương tiện vi phạm và quản lí loại hình hoạt động này “được cho là khó” đối với cơ quan chức năng ở địa phương.

Các xe hoạt động tuyến cố định đúng qui định, HTX vận tải ngày một “chết dần” phải kêu cứu.

Thanh tra giao thông “kêu” xử lí rất khó

Ông Đỗ Phú Thi, Phó giám đốc HTX Vận tải cơ giới đường bộ Núi Thành nói: “Trong thời buổi kinh tế thị trường, loại “xe dù chuyên nghiệp” đưa đón khách tận nơi, dù giá vận chuyển đắt hơn nhưng người dân vẫn lựa chọn. Đó là thực tế nhưng làm gì để quản lí nó, đưa loại hình này vào khuôn khổ để hoạt động vận tải được cạnh tranh công bằng, đúng luật là vấn đề”?!

Trung tá Phan Chu Ký, Đội trưởng Đội CSGT-TT, Công an huyện Núi Thành cho biết, lúc trước lực lượng CSGT có tuần tra, kiểm tra loại này thì các lái xe thường đưa ra hợp đồng nhưng chỉ có một người ký để đối phó. Từ đầu năm, lực lượng Thanh tra Giao thông tỉnh có kết hợp với CSGT huyện tổ chức kiểm tra phát hiện một số trường hợp phương tiện vận tải khách vi phạm không phép. Về góc độ ATGT thì các loại xe này hoạt động vẫn bình thường.

Vấn đề đặt ra ở đây đối với lại hình vận tải khách này là rất tiện lợi cho người đi nhưng về góc độ đăng ký kinh doanh thì chưa đúng. Việc này thuộc trách nhiệm quản lí của cơ quan chức năng. Rõ ràng, vấn đề đặt ra là làm thế nào để quản lí đối với hình thức kinh doanh mới này. Riêng lực lượng CSGT thì khi tuần tra, phát hiện vi phạm thì căn cứ Luật Giao thông Đường bộ và Nghị định 46 của Chính phủ để xử lí vi phạm. Tuy nhiên, xử phạt chỉ là phần ngọn, cái gốc là phải quản lí.

Trong khi xe dù, xe trá hình vi phạm luật vẫn chạy nhan nhản ngoài đường.

Theo ông Võ Văn Lâm, Chánh Thanh tra Giao thông – Sở GTVT tỉnh Quang Nam, hiện luật chưa có qui định đối với loại xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi hoạt động chở khách. Tuy nhiên, thực tế loại phương tiện chở khách này lại được người dân và cả cán bộ nhân viên ưa chuộng. Do đó, công tác kiểm tra phát hiện xe chở khách là rất khó. Bởi nó là xe cá nhân, khi chở khách, lực lượng kiểm tra xe thì tài xế nói là xe nhà chở người đi chơi, du lịch và hành khách trên xe họ cũng nói là người nhà…. Vì vậy rất khó để xử phạt xe chở khách chạy chui hoạc hợp đồng trá hình.

Theo ông Lâm, trước đây thanh tra giao thông cử người trinh sát, phối hợp các lực lượng để kiên quyết xử lí được một thời gian thì gặp khó khăn như không có công cụ hỗ trợ, lực lượng mỏng. Hơn nữa, các nhà xe họ biết mặt, thậm chí biết cả từng số điện thoại của thanh tra viên….

Theo báo cáo, từ ngày 9/1 đến 30/3/2018, Thanh tra giao thông kết hớp với các lực lượng kiểm tra phát hiện 54 trường hợp xe khách chạy hợp đồng trá hình, xe dù… ra quyết định xử phạt trên 78 triệu đồng. Thế nhưng ông Võ Văn Lâm cũng thừa nhận: “Xe không có phù hiệu hoạt động thì không thể biết đâu mà đón, bởi ra đường xe đi như xe gia đình. Hiện chúng tôi làm tham mưu cho lãnh đạo Sở GTVT tỉnh kiến nghị theo hướng sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Theo đó, rà soát, các nhà xe và phương tiện, đưa vào quản lý như quản lý taxi truyền thống hiện nay.

Kiến nghị sửa Luật

Hầu hết “xe dù chuyên nghiệp” ở Quảng Nam thường hoạt động chở khách đến nội ô TP Đà Nẵng và ngược lại. Vậy, các lực lượng chức năng ở TP Đà Nẵng xử lí đối với loại phương tiện “xe dù chuyên nghiệp” như thế nào?

Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Bùi Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng. Ông Thuận cho biết: Hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn một số xe ô tô khách có phù hiệu xe vận chuyển khách theo hợp đồng, vận chuyển khách du lịch hoạt động “biến tướng xe tuyến cố định”.

Để giải quyết tình trạng xe chạy trá hình, Sở GTVT đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 2120/QĐ-UBND ngày 19/4/2016 Thành lập Tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra xử lý các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động xe trá hình trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong đó đại diện phòng Cảnh sát trật tự - Công an thành phố làm Tổ trưởng, các Tổ phó gồm lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT và phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố.

Ông Bùi Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở GTVT TP. Đà Nẵng

Trong thời gian vừa qua với sự phối hợp chặt chẽ lực lượng Cảnh sát trật tự, Cảnh sát Giao thông và Thanh tra Giao thông đã kiểm tra, xử lý vi phạm và đề xuất phương án xử lý dứt điểm 10 điểm “xe dù, bến cóc” có dấu hiệu vi phạm vận tải khách theo hợp đồng hoạt động trá hình trên địa bàn thành phố. Đến nay các phương tiện xe khách trá hình đã giảm xuống rõ rệt.

Từ 01/01/2017 đến nay Thanh tra Sở đã phát hiện và xử lý 184 trường hợp liên quan đến hoạt động trá vận chuyển hành khách trá hình, với số tiền phạt là 591.250.000 đồng, chủ yếu các lỗi không có phù hiệu, không có giấy phép kinh doanh vận tải, không có hợp đồng vận chuyển…

Thưa ông, qua tìm hiểu của chúng tôi, loại hình xe dưới 10 chỗ, được đưa vào hoạt động chở khách và hoạt động trá hình, núp bóng như xe dù nhưng căn cứ Nghị định 86 của Chính phủ và Thông tư 63 của Bộ GTVT qui định về hoạt động vận tải thì loại hình xe dưới 10 chỗ chở khách tuyến cố định này chưa được đề cập. Vậy, trong quá trình quản lí cũng như tuần tra, kiểm tra, phát hiện phương tiện này vi phạm thì có khó khăn trong xử lý hay không ? những khó khăn đó là gì?

Trong quá trình kiểm tra xử lý vi phạm, có gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Các điều kiện về kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng hiện nay còn chưa chặt chẽ, không có quy định quản lý phạm vi hoạt động, xe hợp đồng dưới 09 chỗ ngồi không phải thông báo thông tin về hợp đồng, danh sách hành khách về Sở GTVT, lái xe có nhiều thủ thuật, xuất trình văn bản hợp đồng và người đứng tên hợp đồng để đối phó với cơ quan chức năng.

Đồng thời thay đổi nhiều vị trí để đón bắt khách có sự giúp sức của lực lượng xe ôm, tập trung gom khách tại những địa điểm không cố định nên khó có thể kiểm soát hết được. Chưa có quy định xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh để chống xe dù, bến cóc.

Khi lực lượng chức năng kiểm tra xử lý thì chỉ xử phạt lần đầu, những lần sau thì chủ phương tiện đã hoàn chỉnh đủ thủ tục,hợp thức hóa các loại thủ tục để đối phó với các cơ quan chức năng. Mức xử phạt còn thấp, chế tài áp dụng chưa tương xứng với hành vi vi phạm, nên tạo ra việc chây ỳ, tái phạm nhiều lần của lái xe và chủ phương tiện.

Quý lãnh đạo Sở có kiến nghị hay đưa ra giải pháp nào để quản lí loại xe dưới 10 chỗ ngồi do các tổ chức cá nhân tự đứng ra hoạt động chở khách "chui" như tuyến cố định hay không, thưa ông ?

Hiện nay Bộ GTVT đang tổ chức dự thảo, lấy ý kiến của các ngành và địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Sở GTVT đã tham mưu UBND thành phố có ý kiến bổ sung các quy định, trong đó có những kiến nghị nhằm tăng cường quản lý loại hình xe hợp đồng.

Chúng tôi đã chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT phối hợp Tổ liên ngành để tăng cường kiểm tra, xử lý các xe hoạt động trá hình trên địa bàn thành phố. Hầu hết chủ phương tiện có xe hoạt động trá hình là các doanh nghiệp và cá nhân từ các địa phương khác vận chuyển khách đi và đến Đà Nẵng, do vậy trong thời gian đến, Sở GTVT Đà Nẵng sẽ làm việc với Sở GTVT các địa phương (Quảng Nam, Thừa Thiên Huế) để tăng cường phối hợp xử lý quyết liệt tình trạng xe hoạt động trá hình.

Nam Giao - Hồng Ân

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/xe-khach-tuyen-co-dinh-cau-cuu-lam-gi-de-xu-ly-quan-ly-xe-du-p48617.html