'Tỉnh lộ, huyện lộ không sợ mà sợ nhất mấy ông xã lộ'

Khó khăn hiện nay lại đang nảy sinh ở các cung đường do xã, phường quản lý. Những người ở chốt gây khó dễ cho các xe vận chuyển nông sản và vật tư cho nông nghiệp.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến - Tổ công tác phía Bắc của Bộ NN-PTNT ý kiến như vậy trong cuộc họp với các DN, đơn vị về các vướng mắc trong sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Ngoài các khó khăn phát sinh do phải nâng cao phòng, chống dịch Covid, các đơn vị, doanh nghiệp cho rằng, việc lưu thông hàng hóa giữa các địa phương hiện nay còn nhiều vướng mắc, khó khăn do qui định “mỗi nơi mỗi khác”.

Cần thống nhất cách quản lý người và phương tiện lưu thông hàng hóa giữa các địa phương

Cần thống nhất cách quản lý người và phương tiện lưu thông hàng hóa giữa các địa phương

Ông Võ Việt Dũng – Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội (SHF Group), đơn vị chuyên giết mổ, chế biến thịt lợn cung ứng cho các chuỗi siêu thị trên địa bàn thủ đô Hà Nội cho biết: Từ lúc xảy ra dịch, sản lượng của công ty tăng hơn 200%. Sau khi có 1 vài đơn vị cùng lĩnh vực có ca dương tính buộc phải dựng sản xuất, Nam Hà Nội đã phải tăng sản lượng 300-400% để phục vụ cho các hệ thống Big C, Aone, Vinmart.

“Anh em làm việc 200% sức lực. Vì trong bối cảnh này tuyển nhân viên lao động rất khó vì họ không chịu đi làm, còn mình nghi ngại độ an toàn, chỗ ăn nghỉ…” – ông Dũng cho biết.

DN của ông Dũng hiện đang giao hàng bằng xe lạnh chuyên dụng đi theo luồng xanh nhưng có 1 số đơn vị phải giao bằng xe máy và gặp rất nhiều khó khăn, phê duyệt lâu. Đặc biệt, hơn lúc nào hết, khâu trung gian rất quan trọng trong khi bình thường mình muốn cắt, đó là các cửa hàng phân phối. Thế nhưng hiện nay, giấy phép để người đi từ cửa hàng đến nơi tiêu thụ cũng là một vấn đề vì các chốt không chấp nhận. Chúng tôi mong muốn Hà Nội tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất, chế biến lương thực, hàng thiết yếu để các bên lưu thông được hàng, giải phóng được từ gốc cho bà con chăn nuôi, người làm giết mổ.

Hiện nay, Công ty Nam Hà Nội đã làm việc 3 tại chỗ, 3 ngày test nhanh covid 1 lần. Riêng chi phí test và sát khuẩn quần áo bảo hộ khoảng 70 người tốn khoảng 10 triệu đồng/ngày. Nếu những DN sản xuất hàng nghìn người thì tốn hàng mấy trăm triệu/ngày. Đây thực sự là gánh nặng với DN. Thế nhưng, ngành sản xuất thực phẩm đang rất áp lực mà không được tăng giá vì phải đồng hành chống dịch, bình ổn thị trường.

Còn ông Nguyễn Như So - Tổng Giám đốc Dabaco – cho biết, Tập đoàn sản xuất tương đối ổn chưa có gì cấp bách lắm. Vấn đề cần tháo gỡ hiện nay chính là việc lưu thông hàng hóa giữa nhà sản xuất đến các thành phố, đặc biệt là Hà Nội. Bộ NN-PTNT có thể bàn với Bộ GTVT căn cứ vào qui mô của từng đơn vị để cấp bao nhiêu xe luồng xanh.

Theo qui định của Bộ Y tế, phải xét nghiệm 3 ngày lần. Thế nhưng, theo ông So, mỗi tỉnh lại qui định một kiểu. Đề nghị có sự thống nhất cả nước để giảm bớt khó khăn cho anh em khi cung cấp hàng hóa. Bộ Công Thương đã qui định rõ hàng thiết yếu và hàng cấm thế nhưng việc đi lại giờ rất khó khăn, ví dụ đi Tuyên Quang – phải qua mấy trạm kiểm soát từ Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang làm tăng thêm thời gian, chi phí cho DN.

Đặc biệt, các DN cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần hết sức tránh ra những văn bản gây xáo trộn cho xã hội. Trước khi có ý kiến chỉ đạo thì nên tham vấn XH trong đó có các DN để tránh có những sai sót đáng tiếc, đơn cử như văn bản về các loại giấy đi đường của TP Hà Nội đã khiến nhiều doanh nghiệp “nháo nhào” đi ra các phường, xã để lo giấy tờ.

Để tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, nông sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Bộ NN-PTNT đã cùng với các Bộ, ngành liên quan tích cực tháo gỡ. “Việc lưu thông ở các tỉnh lộ, huyện lộ không sợ mà sợ nhất mấy ông xã lộ” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Quan điểm của Chính phủ, của Bộ NN-PTNT là vận chuyển nông sản không để ách tắc đến tận thôn bản, xã, phường. Thế nhưng, khó khăn hiện nay lại đang nảy sinh ở các cung đường do xã, phường quản lý, kể cả nông sản và vật tư cho nông nghiệp.

Ông Tiến cho rằng, câu chuyện với ngành nông nghiệp hôm nay không phải chỉ đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm mà còn phải đảm bảo đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2021 và phía sau nó là vấn đề an ninh, an toàn xã hội ở các vùng thôn quê./.

Tổng hợp các khó khăn hiện nay của DN, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục chế biến (Bộ NN-PTNT) cho biết: Nhu cầu tiêu thụ giảm do thu nhập người lao động giảm; Nhà hàng, bếp ăn tập thể đóng cửa; Nhu cầu không được đáp ứng do đứt gãy khâu phân phối. Các DN đối mặt với khó khăn duy trì sản xuất, do thiếu lao động, thiếu chuyên gia; nguyên liệu đầu vào khan hiếm và tăng giá; thiếu dịch vụ kỹ thuật.

Khó khăn trong tiêu thụ và đầu ra: Chi phí sản xuất tăng (thực hiện 3 tại chỗ); Chi phí vận chuyển tăng, bao gồm cả chi phí vận tải nội địa lẫn quốc tế; Chi phí xét nghiệm covid thường xuyên (chi phí xét nghiệm PCR từ 800.000 – 1.000.000 VNĐ/ lần chi phí cao cho doanh nghiệp); Chi phí lưu kho tăng. Khâu lưu thông, vận tải bị tắc ngẽn, kéo dài thời gian do phải thực hiện nhiều thủ tục luồng xanh hay nghẽn mạng; Các chốt kiểm dịch tại địa phương chưa thống nhất trong thực hiện các thông tin chỉ đạo từ trên xuống, mỗi nơi một quy định riêng.

Nguy cơ ngừng sản xuất bất cứ lúc nào do dịch, nguy cơ thiếu hàng trong thời gian tới do không đủ điều kiện tái sản xuất.

An Nhi/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tinh-lo-huyen-lo-khong-so-ma-so-nhat-may-ong-xa-lo-881528.vov