Xe hoàng hậu chạm trán người biểu tình là bước ngoặt ở Thái Lan

Vụ việc đoàn xe chở Hoàng hậu Suthida bị cản trở bởi cuộc biểu tình bên ngoài trụ sở chính phủ ở Bangkok được coi là bước ngoặt cho bất ổn chính trị ở Thái Lan.

Đoàn xe chở Hoàng hậu Suthida hôm 14/10 phải giảm tốc độ khi đối mặt đám đông người biểu tình bên ngoài tòa nhà chính phủ ở thủ đô Bangkok.

Những người trung thành với Hoàng gia Thái Lan chỉ trích việc người biểu tình cản trở đoàn xe là sự xúc phạm không thể tha thứ, theo Reuters.

Nghi ngờ động cơ vụ việc

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, chính phủ Thái Lan nhanh chóng có phản ứng. Các biện pháp khẩn cấp được ban bố ở thủ đô Bangkok nhằm dẹp tan những cuộc biểu tình. Hàng chục người bị bắt vì vi phạm lệnh cấm.

Thế nhưng, tình trạng khẩn cấp càng khiến các cuộc biểu tình nổ ra nhiều hơn. Hoàng gia Thái đồng thời vấp phải chỉ trích đã tiếp tay cho phe quân đội tiếp tục chi phối nền chính trị đất nước.

Trong thời điểm nhạy cảm, khi Vua Maha Vajiralongkorn đứng trước sự dò xét chưa từng có, nhiều người Thái đặt câu hỏi vì sao đoàn xe hoàng hậu lại có mặt trên con đường bên ngoài tòa nhà chính phủ vào thời điểm đó.

Người biểu tình cũng phản đối và cho rằng cách chính phủ Thái Lan phản ứng trước vụ việc là không thỏa đáng, bao gồm 3 vụ bắt giữ với tội danh bạo lực chống lại hoàng hậu có thể bị tuyên án tử hình.

Hôm 22/10, đảng đối lập Move Forward tuyên bố sẽ đệ trình Quốc hội kiến nghị "điều tra các sai lầm liên quan tới đoàn xe". Move Forward cho rằng sai lầm này đã dẫn tới các biện pháp hà khắc được áp dụng, trong đó có cáo buộc tội danh bạo lực chống lại hoàng hậu.

 Người biểu tình giơ tay làm ký hiệu ủng hộ dân chủ khi đoàn xe của Hoàng hậu Suthida đi qua. Ảnh: Reuters.

Người biểu tình giơ tay làm ký hiệu ủng hộ dân chủ khi đoàn xe của Hoàng hậu Suthida đi qua. Ảnh: Reuters.

"Vụ việc cho thấy sai sót trong chuẩn bị tuyến đường đi của đoàn xe hoàng hậu", Wiroj Lakkhanaadisorn, phát ngôn viên của Move Forward, cho biết.

Một số ý kiến nhấn mạnh tuyến đường của đoàn xe trong ngày 14/10 không phải là lộ trình tối ưu giữa Cung điện Dusit, nơi ở của hoàng hậu, và ngôi đền là điểm đến của bà Suthida.

Câu hỏi cũng được đặt ra về lý do đoàn xe di chuyển quá chậm, dù tại những điểm không có chướng ngại vật, trong khi ở những hoàn cảnh khác, đoàn xe hoàng gia sẽ di chuyển nhanh hơn nhiều.

Một số người hoài nghi khả năng vụ va chạm giữa người biểu tình và đoàn xe của Hoàng hậu Suthida chỉ là cái cớ để chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng để củng cố khả năng này.

Hoàng gia Thái đã từ chối bình luận về vụ việc. Hoàng gia vẫn giữ im lặng kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra đòi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức.

Phát ngôn viên chính phủ Anucha Burapachaisri cho biết việc bảo đảm an ninh trên lộ trình di chuyển của đoàn xe thuộc trách nhiệm của cảnh sát.

"Tuyên bố tình trạng khẩn cấp là cần thiết nhằm ngăn chặn xung đột hay các vụ việc khác xảy ra", ông Anucha nói, đồng thời bác bỏ cáo buộc vụ việc là cái cớ để kích hoạt các biện pháp trấn áp hà khắc.

Điều gì đã xảy ra?

Vụ việc xảy ra lúc 17h22 ngày 14/10. Hoàng hậu Suthida cùng Hoàng tử Dipangkorn Rasmijoti trên đường tới đền Wat Ratcha Orasaram Ratchaworawihan để thực hiện nghĩa vụ của hoàng gia. Bà Suthida sử dụng chiếc xe siêu sang Roll Royce limousine.

Người biểu tình khi đó tập trung bên ngoài văn phòng làm việc của Thủ tướng Prayuth tại tòa nhà trụ sở chính phủ.

Đa phần đám đông người biểu tình bị chặn lại phía sau chướng ngại vật của cảnh sát cách hiện trường gần 1 km. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, hàng chục người biểu tình có thể tiến lại gần cổng ra vào tòa nhà chính phủ. Mặc dù vậy, nhóm này vẫn bị cảnh sát áp đảo quân số.

Thông thường, cảnh sát sẽ phong tỏa các con đường trước khi đoàn xe hoàng gia đi qua. Tuy nhiên, trong ngày 14/10, chỉ tới khi xe dẫn đoàn và mô tô hộ tống xuất hiện, người ta mới biết đoàn xe chuẩn bị đến.

"Không hề có thông báo", Pravit Rojanaphruk, phóng viên tờ Khaosod English, cho biết. Video từ hiện trường củng cố tuyên bố của phóng viên Pravit.

Người biểu tình ở khoảng cách rất gần xe chở Hoàng hậu Suthida. Ảnh: Reuters.

Người biểu tình bị kích động khi xe dẫn đường xuất hiện. Khi nhận ra xe chở nhân vật hoàng gia đi đến, nhiều cánh tay giơ lên trời, làm thành dấu hiệu 3 ngón tay ủng hộ dân chủ. Nhiều người dùng điện thoại chụp ảnh đoàn xe.

Những tiếng hô "tiền thuế của chúng tôi" vang lên, hàm ý cáo buộc hoàng gia đang tiêu xài hoang phí. Một số người hô "Quốc gia, Tôn giáo, Nhân dân". Tại Thái Lan, 3 trụ cột truyền thống của xã hội là "Quốc gia, Tôn giáo và Hoàng gia".

Đoàn xe của Hoàng hậu Suthida đi chậm và gần như dừng lại khi cảnh sát tìm cách đẩy lùi người biểu tình từ cả hai bên đường. Vụ lộn xộn kéo dài gần 1 phút. Hình ảnh hiện trường cho thấy một số người bị cảnh sát lôi đi.

Người biểu tình đa số bị giữ lại phía sau hàng rào cảnh sát. Ở một số thời điểm, người biểu tình dường như ở cách xe của hoàng hậu chỉ vài mét. Mặc dù vậy, hình ảnh từ hiện trường cho thấy người biểu tình không có ý định tiếp cận đoàn xe.

Từ trên ô tô, Hoàng hậu Suthida mỉm cười và vẫy tay với những người có mặt ở hiện trường.

"Một số bức ảnh trông có vẻ như chúng tôi tấn công họ, trong khi thực tế là họ lái xe tiến thẳng vào cuộc tập hợp của chúng tôi", một người biểu tình nói.

Tại đoạn gần cầu Chamai Maru-chet, một nhóm biểu tình khác bị cản lại phía sau cảnh sát và phe ủng hộ hoàng gia.

Video từ hiện trường cho thấy ai đó đã ném một chai nước về phía đoàn xe. Tuy nhiên, không thể xác định liệu chai nước có trúng đoàn xe hay không. Đoàn xe của Hoàng hậu Suthida di chuyển chậm ở tốc độ 7 km/h và vượt qua đám đông biểu tình lúc 17h27.

Tối ngày hôm đó, chương trình tin tức hoàng gia đăng tải hình ảnh Hoàng hậu Suthida trao tặng áo cà sa cho các nhà sư ở đền Wat Ratcha Orasaram Ratchaworawihan.

Ba nguồn giấu tên cho biết hoàng gia phẫn nộ trước vụ việc diễn ra bên ngoài trụ sở chính phủ bởi đây là điều chưa từng xảy ra trong hàng thập kỷ.

Các biện pháp trấn áp

4h sáng ngày 15/10, truyền thông nhà nước Thái Lan tuyên bố các biện pháp khẩn cấp được áp dụng ở Bangkok bởi người dân đã "gây ảnh hưởng tới đoàn xe hoàng gia và có hành động nghiêm trọng ảnh hưởng tới an ninh quốc gia".

Tất cả các cuộc tập trung vì mục đích chính trị từ 5 người trở lên đều bị cấm. Tin tức ảnh hưởng tới an ninh quốc gia bị cấm xuất bản.

Chỉ vài phút sau tuyên bố tình trạng khẩn cấp, cảnh sát chống bạo động càn quét cuộc tập trung của người biểu tình bên ngoài tòa nhà chính phủ.

Ít nhất 20 người bị bắt ngay trong sáng 15/10, bao gồm luật sư Arnon Nampa, người đầu tiên công khai yêu cầu cải tổ hạn chế quyền lực hoàng gia. Kể từ khi lệnh tình trạng khẩn cấp được ban bố, cảnh sát cho biết 81 vụ bắt giữ đã được tiến hành.

Ngày 16/10, hai nhà hoạt động Bunkueanun Paothong và Ekachai Hongkangwan bị bắt với cáo buộc bạo lực chống lại hoàng hậu. Đây là tội danh có thể bị tuyên án tử hình nếu tính mạng hoàng hậu bị đe dọa.

Bunkueanun và Ekachai xuất hiện trong đoàn biểu tình bên ngoài tòa nhà chính phủ hôm 14/10. Hai người này bị cảnh sát đẩy lùi tránh xa đoàn xe.

Vụ việc xảy ra ngày 14/10 bên ngoài trụ sở chính phủ Thái Lan. Ảnh: Reuters.

Bunkueanun cho biết đã sử dụng loa phóng thanh kêu gọi người biểu tình tránh khỏi con đường khi đoàn xe xuất hiện. Người này đã giơ tay làm ký hiệu ủng hộ dân chủ, nhưng nhanh chóng lùi xa khỏi đám đông vì cảm thấy không ổn.

Trong một đoạn video đăng tải trên Facebook, Ekachai khi đó đã kêu gọi người biểu tình giơ ba ngón tay làm ký hiệu dân chủ khi đoàn xe hoàng gia xuất hiện. Tuy nhiên, đoạn video cũng cho thấy người này không tìm cách lại gần đoàn xe.

Luật sư của Ekachai nói, khi nhận ra đoàn xe của hoàng hậu, thân chủ của ông đã hét về phía cảnh sát: "Đó là đoàn xe hoàng gia, tại sao các người không nói với chúng tôi từ trước, chúng tôi sẽ không chặn con đường".

Một người khác bị bắt với tội danh có hành vi bạo lực chống lại hoàng hậu là Suranat Paenprasert. Luật sư của Suranat cho biết người này bị buộc tội lôi kéo người biểu tình chặn đường đoàn xe.

Các biện pháp trấn áp chính phủ Thái Lan ban bố hôm 15/10 càng làm căng thẳng leo thang. Biểu tình diễn ra hàng ngày ở thủ đô Bangkok, thu hút hàng chục nghìn người tham dự.

Căng thẳng chỉ bắt đầu hạ nhiệt sau khi chính phủ Thái Lan tuyên bố dỡ bỏ các biện pháp khẩn cấp tối 21/10.

Đoàn xe hoàng hậu Thái Lan đi ngang qua đoàn biểu tình Người biểu tình hô vang các khẩu hiệu yêu cầu cải cách khi đoàn xe của nhà vua và hoàng hậu Thái Lan đi qua.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xe-hoang-hau-cham-tran-nguoi-bieu-tinh-la-buoc-ngoat-o-thai-lan-post1145397.html