Xe dù, bến cóc: Vì hành khách ngại đến bến…

Hiện nay cơ quan quản lý Nhà nước về vận tải và dư luận xã hội rất bức xúc về tình trạng xe dù bến cóc nhưng thực chất chưa có những giải pháp hữu hiệu để quản lý.

Nạn xe dù, bến cóc và xe hợp đồng trá hình hoạt động phức tạp không chỉ gây khó cho công tác quản lý, mà còn là nỗi “ấm ức” của nhiều DN vận tải chấp hành đúng quy định về luồng, tuyến.

Ông Đỗ Xuân Hoa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, những năm gần đây tình hình vận tải hành khách liên tỉnh bằng ô tô có nhiều diễn biến phức tạp.

Tình hình xe dù bến cóc lại tiếp tục tái diễn nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, dẫn đến phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có xu hướng giảm dần, nhiều phương tiện đã chuyển sang hình thức kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, cần sửa quy định về quản lý vận tải để tạo điều kiện cho DN bến xe, DN vận tải phát triển

Theo ông Hoa, tình trạng xe dù bến cóc đối với hoạt động vận tải hành khách có nhiều nguyên nhân như: Hình thức tổ chức các đơn vị vận tải chưa hợp lý; DN, hợp tác xã manh mún, thiếu tập trung; cơ quan quản lý Nhà nước chưa có biện pháp hữu hiệu trong kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm; tâm lý hành khách ngại đến bến để đi xe…

Một nguyên nhân hết sức quan trọng khác theo ông Hoa là những năm gần đây, hầu hết các địa phương trong cả nước đều có quan niệm quy hoạch xây dựng đẩy các bến xe khách ra xa trung tâm TP, với lý do để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Chi phí của hành khách đi xe, khi đi từ trung tâm TP đến bến xe và khách từ bến xe về TP nếu bến xe ở xa, hành khách phải chi 1 khoản tiền nhất định để đi xe ôm hoặc taxi nếu đi bằng taxi thì chi phí trong phạm vi nội thành cũng bằng hoặc cao hơn chi phí cho cả một chặng đường đi từ bến xe Thủ đô đến bến xe của một tỉnh.

“Nhưng trong thực tế khi đưa bến xe ra xa như vậy tâm lý hành khách ngại đến bến xe do chi phí lớn, dẫn đến bến xe không có khách và lái xe ngại vào bến, tạo cơ hội để lái xe bỏ bến đi ra chạy hợp đồng, tạo sự lộn xộn trong hoạt đông vận tải hành khách bằng xe ô tô. Đó chính là xe dù, bến cóc”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nói.

Ông Nguyễn Anh Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Bến xe khách Việt Nam khẳng định, tình trạng xe dù bến cóc đã tồn tại từ lâu.

Một trong các nguyên nhân của xe dù, bến cóc, theo ông Dũng là do quy định xe vận tải được vào nội đô khó quá, mà mua xe rồi, không chạy tuyến cố định được thì rất dễ sẽ chạy dù. Ông Dũng cũng cho rằng, thực trạng quản lý bến xe hiện nay là “phú quý giật lùi” và là một trong những nguyên nhân nảy sinh nạn xe dù, bến cóc.

Việc quy định bến này chạy tuyến này, bến kia tuyến kia đã làm mất tính cạnh tranh giữa các bến xe, mà đúng ra nên để cho DN vận tải chọn, bến nào tốt thì sử dụng, DN vận tải chỉ cần đăng ký với Sở GTVT nơi đi, còn nơi đến thì do DN chọn.

Ông Dũng cũng cho hay, hiện có thực trạng xe Limousine chạy trá hình lung tung ở ngoài, không theo tuyến, nhưng lại đáp ứng được nhu cầu của nhiều người dân.

“Nhiều người thích ở nhà, gọi xe đến đón, sẵn sàng trả khoản tiền lớn hơn là ra bến đón xe. Vậy chúng ta có chấp nhận nhu cầu đó không? Nếu không chấp nhận thì bảo đó là làm rối loạn giao thông, nhưng cũng không có biện pháp nào dẹp đi”, ông Dũng nói.

Nhiều DN và chuyên gia giao thông cũng cho rằng, trong lần sửa đổi Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 86 về kinh doanh vận tải về ô tô lần này, cần xem xét sửa đổi các quy định về kinh doanh vận tải, bến xe, vừa tạo điều kiện cho DN hoạt động và thuận tiện cho quản lý Nhà nước.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/xe-du-ben-coc-vi-hanh-khach-ngai-den-ben-121991.html