Xe điện 4 bánh đang được quản lý như thế nào?

Bộ GTVT khẳng định, xe điện 4 bánh chỉ được phép hoạt động khi xe đã được đăng ký, cấp biển số và đăng kiểm theo quy định.

Hiện có 36 địa phương được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc thí điểm hoạt động xe điện 4 bánh - Ảnh minh họa

Hiện có 36 địa phương được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc thí điểm hoạt động xe điện 4 bánh - Ảnh minh họa

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh liên quan đến đề nghị sớm ban hành quy định quản lý xe điện 4 bánh có sử dụng năng lượng điện để chở khách tham quan trong nội bộ các khu du lịch, khu di tích.

Theo đó, Bộ GTVT cho biết, loại xe này chỉ được phép hoạt động khi xe đã được đăng ký, cấp biển số và đăng kiểm phương tiện theo quy định.

Cụ thể, Bộ GTVT cho biết, việc sử dụng xe 4 bánh có sử dụng năng lượng điện để chở khách tham quan trong nội bộ các khu du lịch, khu di tích theo quy định hiện tại được phân chia thành hai loại: Loại thứ nhất là xe 4 bánh có sử dụng năng lượng điện để chở khách tham quan khu du lịch trong khu vực hạn chế (có tham gia giao thông công cộng). Bộ GTVT cho rằng, từ nhu cầu thực tế địa phương, doanh nghiệp có nhu cầu tham gia thí điểm loại hình này đề xuất Bộ GTVT tổng hợp báo cáo Thủ tướng. Sau khi có chủ trương đồng ý cho phép thí điểm của Thủ tướng, Bộ GTVT phối hợp với địa phương hướng dẫn triển khai.

"Các đơn vị tham gia thí điểm chỉ được sử dụng xe đã được đăng lý, cấp biển số theo quy định. Đồng thời, thực hiện kiểm tra lưu hành an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe theo quy định tại Thông tư 86/2014 của Bô GTVT", Bộ GTVT cho biết.

Cũng theo Bộ GTVT, tính đến thời điểm hiện nay, đã có 36 địa phương được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện phục vụ chở khách du lịch trong phạm vi hạn chế (chưa có tỉnh Hà Tĩnh). Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT tổng hợp kết quả hoạt động thí điểm của các địa phương trong thời gian qua, nghiên cứu, đề xuất bổ sung loại phương tiện nêu trên trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ, trình Thủ tướng Chính phủ.

"Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, trong đó đề nghị các địa phương chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm chỉ đạo Sở GTVT không để các trường hợp hoạt động tự phát dẫn đến không quản lý được và tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự ATGT cho đến khi sửa đổi xong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và được Quốc hội thông qua", Bộ GTVT cho biết thêm.

Loại thứ 2 là xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện chở khách tham quan du lịch trong phạm vi hẹp (không tham gia giao thông công cộng). Đối với loại phương tiện này, Bộ GTVT đã nhận được văn bản của Sở GTVT Hà Tĩnh về việc xin ý kiến đầu tư xe điện trong khu vực chùa Hương Tích.

Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Tĩnh, tuyến đường xe điện hoạt động trong phạm vi chiều dài 3,55 km và là tuyến đường nội bộ trong khu du lịch chùa Hương Tích, không có các điểm đấu nối với hệ thống giao thông công cộng (tức là xe không tham gia giao thông).

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 86/2014 của Bộ GTVT quy định về điều kiện đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong khu vực hạn chế quy định: “Xe không tham gia giao thông là xe chỉ hoạt động trên đường chuyên dùng nội bộ của các cơ quan, đơn vị.

Do vậy, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT Hà Tĩnh hướng dẫn đơn vị đầu tư xe điện trong khu vực chùa Hương Tích thực hiện theo quy định tại khoản 11 Điều 3, điểm b khoản 1 Điều 4 và tự chịu trách nhiệm về công tác đảm bảo an toàn của phương tiện, bảo đảm an toàn cho hành khách khi hoạt động chở người trên tuyến đường nội bộ trong khu du lịch chùa Hương Tích (tương tự như hoạt động trong các sân golf, Khu du lịch Núi Bà Đen). Đồng thời, cam kết không cho phương tiện tham gia giao thông và chỉ hoạt động trên đường chuyên dùng nội bộ trong khu du lịch chùa Hương Tích.

Trần Duy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/xe-dien-4-banh-dang-duoc-quan-ly-nhu-the-nao-d446386.html