Phải làm rõ tốc độ lùi của chiếc Innova bị xe đầu kéo container tông

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định cần làm rõ tốc độ lùi của xe Innova và điểm hai phương tiện đâm nhau, đó là hai điểm mấu chốt của vụ việc.

Vụ xe container tông Innova lùi trên cao tốc xảy ra thế nào? Hai tình huống của vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được Zing.vn dựng lại theo kết luận của TAND tỉnh Thái Nguyên và lời khai của tài xế container Lê Ngọc Hoàng.

Ngày 13/11, TAND Tối cao cho biết chiều một ngày trước, cơ quan này đã có cuộc họp với các đơn vị liên quan gồm TAND tỉnh Thái Nguyên, VKSND Tối cao, Ủy ban ATGT Quốc gia và Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) để thảo luận về vụ án hình sự xe đầu kéo va chạm ôtô Innova trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Tại cuộc họp, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định hồ sơ vụ án chưa làm rõ tốc độ lùi của xe Innova và chưa xác định được điểm hai phương tiện đâm nhau. Ông Bình cho rằng đó là hai điểm mấu chốt của vụ việc.

Theo nguồn tin của Zing.vn, sau khi TAND tỉnh Thái Nguyên gửi hồ sơ, phòng nghiệp vụ thuộc TAND Tối cao đã có nhận định ban đầu về vụ án.

Thế nào là giảm tốc độ?

Theo nhận định của cơ quan nghiệp vụ nói trên, sau phiên tòa sơ thẩm, vụ án được đưa ra xét xử phúc thẩm 4 lần. Sau 3 phiên hoãn, tại lần thứ 4 vào các ngày 1-2/11, hai bị cáo Ngô Văn Sơn (tài xế ôtô Innova chở 11 người) và Lê Ngọc Hoàng (điều khiển xe đầu kéo chở gần 27 tấn thép) đã khai nhận diễn biến vụ tai nạn.

Tại tòa, tài xế Sơn nhận tội, còn Hoàng cho rằng bị cáo đã đi đúng tốc độ, đúng làn đường và giữ khoảng cách an toàn.

Hai bị cáo Ngô Văn Sơn (trái) và Lê Ngọc Hoàng tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: N.A.

Hai bị cáo Ngô Văn Sơn (trái) và Lê Ngọc Hoàng tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: N.A.

Trước khi va chạm, anh ta đã làm hết khả năng. Do đó, bị cáo nói bản thân không vi phạm quy định về an toàn giao thông nên không có tội.

Sau khi TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên án phúc thẩm, nhiều ý kiến trái chiều gây tranh luận.

Sau đó, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã yêu cầu TAND tỉnh Thái Nguyên báo cáo, đồng thời đề nghị đơn vị nghiệp vụ rút toàn bộ hồ sơ gốc để xem xét theo trình tự giám đốc thẩm.

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, đơn vị nghiệp vụ thuộc TAND Tối cao đã đưa ra quan điểm.

Hai tài xế vi phạm lỗi hỗn hợp

Theo nhận định, đối với trường hợp giảm tốc độ, Cục Quản lý đường bộ I (Bộ Giao thông vận tải) giải thích việc giảm tốc độ là giảm thấp hơn tốc độ tối đa cho phép để có thể dừng lại một cách an toàn khi gặp chướng ngại vật hoặc tình huống bất ngờ xảy ra trên đường, trong đó quốc lộ 3 mới (Hà Nội - Thái Nguyên) cũng phải tuân thủ điều này.

Để đảm bảo được điều kiện này, tài xế phải quan sát và giữ đúng khoảng cách an toàn giữa các xe.

Về giữ khoảng cách an toàn giữa các phương tiện, Điều 12 luật Giao thông đường bộ, Điều 11 Thông tư 91 và Nghị định 46 quy định khi mặt đường khô ráo thì khoảng cách an toàn tối thiểu đối với xe lưu thông vận tốc trên 60 km/h đến dưới 80 km/h là 35 m.

Theo lời khai của 2 bị cáo, Sơn có bật đèn phanh đỏ phía sau. Trong khi đó, tài xế Hoàng cũng nhìn thấy đèn này. Thời điểm xảy ra tai nạn lúc 15h30 trời sáng, không mưa.

Do đó, có đủ điều kiện để Hoàng nhìn thấy rõ vị trí và chiếc Innova di chuyển. Tuy nhiên, người lái xe đầu kéo đã thiếu quan sát, không kịp thời xử lý tình huống (giảm tốc độ hoặc tránh sang làn đường khác) mà để khoảng cách quá gần (bị cáo Hoàng khai là khoảng 10m) mới phanh gấp dẫn đến va chạm.

Kết quả khám nghiệm hiện trường xác định, dấu vết trượt của 2 bánh xe đầu kéo là 38 m và 48 m, cho thấy trước khi phanh thì chiếc container đã chạy tốc độ cao và ở khoảng cách gần. Điều này còn được chứng minh tại kết quả giám định thiết bị theo dõi hành trình của xe đầu kéo (đang từ 62 km/h ngay sau đó về 0 km/h).

Hiện trường vụ tai nạn làm 4 người chết.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng xác định khi bắt đầu có dấu vết phanh, xe container cách đuôi ôtô Innova nhiều nhất 4,35 m.

Cơ quan nghiệp vụ thuộc TAND Tối cao nhận định lỗi vi phạm của Lê Ngọc Hoàng là không quan sát, không giữ khoảng cách an toàn và không giảm tốc độ khi không đảm bảo khoảng cách an toàn.

Từ đó, cơ quan này nhận thấy hậu quả vụ tai nạn là do lỗi hỗn hợp của 2 tài xế. Bản án phúc thẩm tuyên 2 bị cáo Ngô Văn Sơn và Lê Ngọc Hoàng phạm tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là có căn cứ.

Hoàng Lam

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/xe-dau-keo-va-cham-innova-di-lui-do-loi-hon-hop-cua-2-tai-xe-post891665.html