Xe đạp dùng chung: Cơn sốt đã hạ nhiệt?

Giao thông tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường và chính sách hạn chế xe cá nhân là điều kiện thuận lợi để bike-sharing (dịch vụ chia sẻ xe đạp) phát triển. Tuy nhiên, sau vài năm bùng nổ, dịch vụ này đã trở thành bài toán gây đau đầu cho giới chức địa phương ở nhiều quốc gia.

Một khu vực tập kết xe đạp bỏ đi của bike-sharing ở Trung Quốc

Tiện lợi và phiền toái

Dịch vụ chia sẻ xe đạp đã ghi nhận mức tăng trưởng khổng lồ tại châu Á kể từ năm 2016 và lần lượt được triển khai tại một số thành phố ở châu Âu từ năm 2017.

Riêng tại Trung Quốc, trong thời gian đầu, bike-sharing rất được ưa chuộng bởi xe đạp vốn gắn bó từ lâu với người dân nước này. Nhờ đó, dịch vụ bike-sharing đã phát triển chóng mặt và bùng nổ mạnh tại các thành phố lớn.

Dưới sự hỗ trợ về thuế của chính phủ, những cái tên như Mobike, Ofo và Bluegogo góp phần tạo ra cuộc chiến sở hữu hàng loạt con phố tràn ngập xe đạp tại Trung Quốc. Ngoài mức chi phí phù hợp với nhiều đối tượng người dùng, khách hàng còn dễ dàng tìm thấy những chiếc xe đạp trên vỉa hè hay trong công viên khiến dịch vụ này trở nên phổ biến.

Việc tìm xe, mở khóa xe và thanh toán cước phí được thực hiện thông qua ứng dụng điện thoại. Khi kết thúc, chỉ việc để xe ở bãi gần nhất. Thậm chí có hãng còn không cần tới bãi để xe. Xe đạp được đặt ở những địa điểm chính khắp thành phố và nhờ kết nối qua GPS, khách hàng có thể xác định vị trí thông qua ứng dụng trên di động.

Ưu điểm lấy hay trả xe ở bất cứ nơi nào tùy thích giúp những startup (khởi nghiệp) non trẻ như Ofo, Mobike gây ấn tượng với truyền thông thế giới, đặc biệt tại các nước phương Tây. Trước đó, các công ty như Velib (Pháp) hay Boris Bikes (Anh) do chính quyền địa phương thành lập và nhận vốn đầu tư từ doanh nghiệp chỉ cung cấp các xe đạp được đặt tại những địa điểm cố định.

Tốc độ phát triển nhanh của bike-sharing đã dẫn đến môi trường cạnh tranh khốc liệt ở thị trường lớn như Trung Quốc. Rắc rối đến từ khi các hãng đua nhau mang đến những dịch vụ mà ở đó, xe càng dễ sử dụng và càng dễ thuê càng tốt, gây ra tình trạng hỗn loạn đô thị khi người sử dụng xe đạp có thể đậu xe ở bất kỳ đâu.

Tình trạng dùng đâu vứt đấy cũng gây tổn thất không nhỏ cho các công ty cho thuê xe và giao thông công cộng tại Trung Quốc. Xe đạp của nhiều hãng nằm rải rác trên vỉa hè, thường lấn chiếm đường dành cho người đi bộ và cũng là mục tiêu thường xuyên bị phá hoại ở Trung Quốc.

Bên cạnh đó, chất lượng xe đạp xuống cấp cũng liên tục bị dư luận chỉ trích, do các hãng tung ra thị trường nhiều xe đến mức không đủ người để quản lý và bảo dưỡng xe.

Đại diện chính quyền thành phố Thượng Hải cho biết, một cuộc điều tra cho thấy dòng xe đạp sử dụng cho bike-sharing được sản xuất dưới tiêu chuẩn quốc gia, có thể chứa đựng những nguy cơ về mất an toàn sau khi được sử dụng ở tần suất cao và quãng đường dài.

Nghiêm trọng hơn, vào tháng 3 năm ngoái, tại thành phố Thượng Hải, 1 bé trai 10 tuổi bị ô tô đâm chết trong lúc sử dụng dịch vụ của Ofo. Sự việc trên nhanh chóng gây rúng động dư luận bởi luật pháp Trung Quốc quy định, trẻ em dưới 12 tuổi nước này không được đi xe đạp ra ngoài đường phố công cộng.

Sau tai nạn thương tâm trên, các quan chức giáo dục, cảnh sát giao thông đã cùng ngồi lại với Mobike, Ofo cũng như các nhà cung cấp dịch vụ xe đạp chia sẻ. Các công ty này sau đó cam kết sẽ lắp đặt các biển báo cảnh báo trên xe đạp, đồng thời giới hạn cung cấp dịch vụ tại các trường học.

Ngoài tình trạng bị phá hoại, khi bike-sharing đến Mexico, nước này còn xảy ra tình trạng trộm cắp xe đạp. Sự việc diễn ra thường xuyên khiến nhiều khách hàng của Mobike phàn nàn trên mạng xã hội về việc không có xe đạp sẵn khi họ cần di chuyển.

Tại Đức, sau thời gian hào hứng với bike-sharing, người dân và chính quyền địa phương thấy ngán ngẩm vì tình trạng xe để bừa bãi trên vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị. Thậm chí, các nhà điều hành dịch vụ bike-sharing cũng không nhanh chóng sửa chữa những chiếc xe bị hư hỏng khi khách hàng phàn nàn.

Nhiều thành phố ở Đức và nhiều nước châu Âu đang phải chịu hậu quả sau khi Obike nộp đơn xin phá sản tại Singapore và để lại hàng ngàn chiếc xe sử dụng cho dịch vụ bike-sharing mà không thu dọn, dù nhà quản lý của công ty đã hứa sẽ dọn bỏ xe đạp của họ.

Đơn cử, Obike đã được chính quyền thành phố Munich yêu cầu giảm đội xe xuống còn 1.000 chiếc, nhưng hiện có khoảng 3.000 chiếc vẫn rải rác khắp thành phố…

Kiểm soát mạnh tay

Mới đây, giới chức thủ đô Vienna của Áo đã tuyên bố chiến thắng trong chiến dịch tăng cường kiểm soát các dịch vụ xe đạp đi chung vô chủ tại các khu vực công cộng. Giới chức địa phương đã tiến hành thu giữ 780 xe đạp đi chung, tương đương với gần như toàn bộ số xe đạp loại này tại thủ đô của Áo. Trước sự mạnh tay của chính quyền thành phố Vienna, Ofo đã thông báo sẽ rút khỏi thị trường này sau khi giới chức địa phương tăng các khoản tiền phạt đối với các xe đạp đậu trái phép và bị phá hoại.

Tại Mỹ, thành phố New York gần đây cũng ban hành một kế hoạch thí điểm. Một số đơn vị được lựa chọn sẽ được phép cung cấp lượng xe đạp giới hạn trên các con phố. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng vấp phải những ý kiến tiêu cực liên quan đến việc gây mất mỹ quan đô thị.

Trong khi đó, Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn quốc gia về dịch vụ bike-sharing nhằm thúc đẩy “cuộc cách mạng giao thông”, đồng thời giúp giải quyết tình trạng ùn ứ hàng triệu xe đạp trên vỉa hè. Nội dung bản hướng dẫn yêu cầu các thành phố triển khai các kế hoạch kết hợp việc sử dụng xe đạp đi thuê vào dự án quy hoạch giao thông nói chung.

Tài liệu này cũng kêu gọi các nhà chức trách thắt chặt kiểm soát tình trạng đậu xe đạp, thiết lập hệ thống xử phạt những người vi phạm, triển khai các quy định về bảo dưỡng và cấm trẻ em dưới 12 tuổi sử dụng bike-sharing.

Chính phủ Trung Quốc còn ban hành yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra lượng xe dùng cho bike-sharing đang lưu thông trên đường phố và đưa xe kém chất lượng đến nơi quy định để tiêu hủy, tránh gây ra tai nạn cho người sử dụng. Các nhà cung cấp dịch vụ xe đạp cũng tỏ ra tích cực trước kế hoạch trên của chính quyền Trung Quốc.

Cụ thể, Ofo đã cố ngăn chặn việc mọi người để lại xe đạp bừa bãi ở nơi công cộng bằng cách đưa nhân viên đi thu gom xe đạp, trong khi Mobike đề nghị thưởng cho người sử dụng có ý thức gìn giữ xe. Ofo còn khuyến khích người dân chia sẻ xe đạp của chính mình. Đổi lại, khách hàng sẽ được phép sử dụng xe đạp chia sẻ của hãng miễn phí trọn đời nhằm tăng cường trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ phương tiện.

Ở Singapore, Cơ quan Giao thông đường bộ (LTA) đã thiết lập thời hạn từ ngày 7-7 để các công ty chia sẻ xe đạp nộp đơn xin giấy phép hoạt động hoặc ngừng hoạt động. Qua đó, nhà chức trách sẽ xem xét ứng dụng và trao giấy phép vào tháng 9 tới. Động thái này diễn ra sau khi ra đời Luật Đậu xe (sửa đổi), nhằm siết chặt nạn để xe đạp thuê bừa bãi.

Theo luật mới, các công ty cung cấp dịch vụ xe đạp chia sẻ phải tuân thủ theo cơ chế cấp phép mới 2 năm/lần, bị khống chế số lượng xe lưu hành, phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật đảm bảo người sử dụng xe phải thực hiện đậu xe có trách nhiệm.

Ví dụ, yêu cầu người sử dụng phải quét mã QR tại điểm đỗ xe để làm chứng cho việc đậu xe đúng quy định của mình. Nếu không làm như vậy, các công ty sẽ tiếp tục tính phí người sử dụng xe cho tới khi họ trả xe về đúng nơi quy định. Còn nếu các công ty không làm được việc này, họ sẽ bị chính phủ phạt. Obike buộc phải rút khỏi thị trường Singapore vì lo ngại không thể đáp ứng được yêu cầu kiểm soát người dùng để xe bừa bãi sau khi sử dụng.

PHƯƠNG NAM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xe-dap-dung-chung-con-sot-da-ha-nhiet-540806.html